Quốc hội Trung Quốc bầu 4 phó thủ tướng và 25 bộ trưởng

Thứ Hai, 18/03/2013, 08:47
Theo Tân Hoa xã, sau gần 2 tuần làm việc (từ 5 đến 17/3), kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 đã họp phiên bế mạc (sau khi tiến hành 6 phiên họp toàn thể) tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh với sự tham dự của 2.959 đại biểu.
>> Bầu Thủ tướng và các Phó Thủ tướng

Phát biểu tại phiên bế mạc, tân Chủ tịch nước Tập Cận Bình hứa: sẽ thực thi một cách trung thực chức trách mà Hiến pháp giao phó, kiên trì thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân làm chủ và quản lý đất nước theo pháp luật, mở rộng dân chủ nhân dân, kiên trì và hoàn thiện thể chế chính trị căn bản của chế độ đại hội đại biểu nhân dân, xây dựng chính phủ phục vụ, trách nhiệm, pháp trị và trong sạch.

Tân Chủ tịch nước Trung Quốc đã kêu gọi phấn đấu hết mình để tiếp tục thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Hoa và giấc mơ Trung Quốc, đồng thời yêu cầu quân đội cải thiện khả năng để "giành chiến thắng trong các cuộc chiến".

Về đối ngoại, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ hòa bình, phát triển, hợp tác, đi theo con đường phát triển hòa bình, cởi mở cùng có lợi, phát triển hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới…

Chủ tịch nước Tập Cận Bình chúc mừng tân Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Trong phát biểu tại phiên bế mạc, tân Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang cam kết thúc đẩy thực thi luật pháp và dân chủ XHCN, cải thiện việc giám sát các quyền lực của quản lý và pháp luật, đồng thời khẳng định: Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không ngừng nỗ lực để cải thiện hệ thống pháp luật XHCN đặc sắc Trung Quốc và cung cấp những hỗ trợ pháp lý cho mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, cải cách và mở cửa Trung Quốc.

Kỳ họp thứ nhất đã xem xét và thông qua nhiều vấn đề quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là thông qua phương án cải tổ bộ máy và chuyển đổi chức năng Quốc vụ viện (chính phủ), quyết định và bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Ủy ban và nhiều chức danh quan trọng khác.

Giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới việc giảm 27 bộ-uỷ ban xuống còn 25 và đây là lần tinh gọn nhất sau 6 lần cải cách trước đó (1982, 1988, 1993, 1998, 2003 và 2008). Theo đó, bộ máy chính phủ đã tinh gọn hơn, nhất là sau năm 1998: giảm từ 40 bộ-uỷ ban xuống còn 29, 28, 27 và hiện còn 25. Được biết, khi tiến hành cải cách lần đầu tiên (1982), Chính phủ có hơn 100 bộ-uỷ ban và riêng Bộ Công nghiệp Luyện kim có tới 24 Thứ trưởng.

Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ nhất, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tổ chức họp báo, trong đó nhấn mạnh tới 3 nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ mới là duy trì tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân nhân và bảo vệ công bằng xã hội. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cho biết: chuyển đổi chức năng chính phủ phải dũng cảm, đã nói phải làm, lời nói đi đôi với hành động.

Ông Lý Khắc Cường còn nói, điều cốt lõi của phương án cải cách cơ cấu lần này là chuyển đổi chức năng chính phủ - tinh giản cơ cấu và nới lỏng quyền hạn bởi cho tới nay, các bộ, ngành còn có hơn 1.700 quyền phê duyệt hành chính các loại, và nội các mới hạ quyết tâm cắt giảm trên 1/3 những quyền kể trên. Khi trả lời câu hỏi về vấn đề chống tham nhũng, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, quyết tâm và ý chí chống tham nhũng của Chính phủ là kiên định bất di bất dịch, đã là cán bộ công chức thì phải từ bỏ ý nghĩ phát tài làm giàu.

Về vấn đề cải cách, ông Lý Khắc Cường khẳng định, cải cách đã bước vào thời kỳ đột phá - sẽ động chạm đến bố cục lợi ích vốn có, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác vì cải cách liên quan tới vận mệnh của đất nước, liên quan tới tương lai của dân tộc. Ngoài ra, tân Thủ tướng cũng cho biết, đô thị hóa sẽ là ưu tiên bởi đô thị hóa là kết quả tự nhiên của quá trình hiện đại hóa, nhưng đô thị hóa phải giúp nông dân hưởng mức sống tương đương với cư dân thành thị.

Quá trình đô thị hóa trong tương lai của Trung Quốc sẽ gắn liền với công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp. Các vùng phía Đông và Tây của Trung Quốc sẽ theo đuổi chủ trương công nghiệp hóa một cách chọn lọc. Thủ tướng Lý Khắc Cường còn trả lời các vấn đề về chế độ cải tạo lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, quan hệ Trung-Mỹ…

Chiều 16/3, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 đã bầu ông Trương Cao Lệ, bà Lưu Diên Đông, ông Uông Dương và ông Mã Khải làm Phó Thủ tướng; bầu các ông Dương Tinh, Thường Vạn Toàn, Dương Khiết Trì, Quách Thanh Côn và Vương Dũng làm Ủy viên Quốc vụ, trong đó ông Dương Tinh kiêm Tổng Thư ký Quốc vụ viện. Các đại biểu còn thông qua danh sách 25 Bộ trưởng và Chủ nhiệm:

Bộ trưởng Ngoại giao: Vương Nghị (thay Dương Khiết Trì). Bộ trưởng Quốc phòng: Thường Vạn Toàn (thay Lương Quang Liệt). Bộ trưởng Công an: Quách Thanh Côn (thay Mạnh Kiến Trụ).

Ngoài ra, thành lập mới Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế Nhà nước, sáp nhập giữa Bộ Y tế với Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình.

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.