“Phương án B” của Tổng thống Obama tại Iraq

Chủ Nhật, 08/08/2010, 11:08
Để thực hiện rút quân mà tình hình Iraq không đi xuống chắc chắn ông Obama và Lầu Năm Góc sẽ thực hiện "phương án B" có tên gọi "Chiến dịch Bình minh mới".

Khi tiến hành cuộc chiến chống Iraq vào tháng 3/2003, Mỹ hy vọng chỉ sau một năm là có thể dễ dàng "bình định" được quốc gia này, nhằm kiểm soát nguồn dầu lửa chiến lược lớn thứ ba trên thế giới, đồng thời làm bàn đạp để khống chế và răn đe các nước trong khu vực. Dưới sự bảo trợ toàn diện của Mỹ, một nước Iraq tự do, dân chủ theo khuôn mẫu của Mỹ sẽ ra đời và góp phần phục vụ các lợi ích chính trị, kinh tế của Washington. Điều này, theo đánh giá chủ quan của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, là hoàn toàn nằm trong tầm tay. Vì vậy, Tổng thống Bush đã ấn định đến ngày 31/8/2010 sẽ là ngày đánh dấu sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại Iraq, thông qua chiến dịch quân sự mang tên "Iraq tự do", sẽ kết thúc vẹn toàn.

Trong thời gian diễn ra cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và sau khi trở thành Tổng thống, ông Obama đã không ngừng cam kết sẽ rút toàn bộ các lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq vào cuối năm 2011 và trên thực tế bất chấp tình hình chưa ổn định ở Iraq, ông đã đưa 9.000 quân về nước. Nay chỉ còn ba tháng nữa, cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ số ghế ở Hạ viện và một phần ba số ghế ở Thượng viện, nên việc ông Obama phải thực hiện lời hứa rút quân theo giai đoạn là nhiệm vụ tối cần thiết, nhằm đảm bảo cho đảng Dân chủ hiện đang nắm đa số ở cả hai viện vẫn có khả năng tái chiến thắng để duy trì quyền kiểm soát đa số ghế ở Quốc hội.

Bằng cách tái khẳng định việc sẽ rút một phần binh lính về nước vào ngày 31/8 tới, Tổng thống Obama đang tranh thủ trái tim của các cử tri Mỹ và đánh tan đi hoài nghi của họ về một vấn đề hết sức nhạy cảm trước ngày bầu cử, cho dù lộ trình rút quân khỏi quốc gia vùng Vịnh này sẽ diễn ra trong hoàn cảnh bức tranh về một tương lai của Iran chưa rõ hình.

Cho tới nay, sau 7 năm có mặt của hàng nghìn lính Mỹ cùng hàng triệu trang thiết  bị vũ khí và hàng tỷ USD đổ vào, tình hình chính trị, an ninh của Iraq vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm khiến cho Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc không yên tâm. Nạn khủng bố và xung đột sắc tộc dai dẳng vẫn tiếp tục hoành hành, trong lúc đó lực lượng an ninh non kém của Iraq không đủ sức đảm đương sứ mệnh ổn định trật tự và bảo đảm an ninh. Và cho dù có quân Mỹ bên cạnh, thì tháng 7 vừa qua vẫn được xem là đen tối nhất của Iraq với 535 người thiệt mạng (theo thống kê của Iraq). Tổng cộng số người Iraq bị chết kể từ ngày đầu chiến tranh cho tới nay đã vượt xa con số 90 nghìn người.

Quân Mỹ tại chiến trường Iraq.

Còn tình hình kinh tế của Iraq cũng không như mong đợi. Theo thống kê của Bộ Lao động Iraq, tình trạng thất nghiệp ở nước này ngày một tăng và chiếm từ 25% đến 50% dân số. Cho dù Iraq có trữ lượng dầu mỏ lớn của thế giới, nhưng hàng triệu người vẫn phải sống trong cảnh không điện, không xăng, thiếu lương thực và nhu yếu phẩm cho cuộc sống thường nhật… và nói chung cuộc sống của họ không sáng sủa hơn trước chiến tranh.

Mỹ đã nhanh chóng bao nhiêu để giành chiến thắng trong cuộc tấn công vào Iraq năm 2003, thì sau đó lại càng bị tổn thất thảm hại bấy nhiêu trong cuộc đối phó với "chiến tranh du kích" tại đây bởi các vụ bắn rốc-két, gài bom vệ đường, đánh bom tự sát liên tục diễn ra. Hơn 4.000 binh sỹ thiệt mạng cùng với chi phí cho cuộc chiến quá lớn vẫn không kéo được quân đội Mỹ ra khỏi "bãi lầy" trong cuộc chiến với các tay súng Al-Qeada, đặc biệt ở miền Bắc Iraq. Vì vậy, rút quân khỏi Iraq được xem là cách thức trút bỏ gánh nặng mà Washington mong muốn thực hiện sớm ngày nào tốt ngày ấy. Tuy vậy, rút khỏi "bãi lầy" vốn do mình tạo ra tại đây không phải là việc làm dễ dàng.

Hiện tại, trong chính giới Iraq, việc rút từng phần và toàn phần quân Mỹ khỏi đây cũng không có sự nhất quán. Một số cho rằng, người Mỹ ra đi như "rút nắm đấm ra khỏi chậu nước" và vì thế tình hình bất ổn lại bùng phát khiến cho Iraq - quốc gia dồi dào nguồn dầu mỏ và có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng tại Trung Á - trở thành "chiếc bánh ngọt" cho các thế lực trong và ngoài khu vực nhòm ngó và như vậy mục đích Mỹ đổ máu và tiền của tại đây trong suốt mấy năm qua sẽ thành con số không.

Một số khác cho rằng, việc Mỹ rút quân như lời hứa sẽ chứng tỏ người Iraq đã có đầy đủ bản lĩnh và khả năng quyết định vận mệnh của mình mà không cần sự can thiệp trực tiếp của quân Mỹ, vì vậy uy tín và lòng tự hào dân tộc được nâng cao trên trường quốc tế và nhất là trong khu vực. Để thực hiện rút quân mà tình hình Iraq không đi xuống chắc chắn ông Obama và Lầu Năm Góc sẽ thực hiện "phương án B" có tên gọi "Chiến dịch Bình minh mới".

Theo đó, quân Mỹ sẽ chấm dứt việc tham chiến tại Iraq vào ngày 31/8 như đã hứa và Washington sẽ thay đổi chiến lược tại đây "từ nỗ lực quân sự do quân đội chỉ đạo thành nỗ lực dân sự do các nhà ngoại giao chỉ đạo". Một lực lượng 5.000 quân cùng với 1,2 triệu đơn vị thiết bị cần thiết để phục vụ số quân còn lại sẽ tập trung vào việc hỗ trợ và huấn luyện các lực lượng Iraq thành thục các nhiệm vụ chống khủng bố và bảo vệ an ninh công cộng. Tuy vậy, trong trường hợp Iraq gặp khó khăn, chính phủ Mỹ có thể sẽ tiến hành các biện pháp hỗ trợ linh hoạt như làm chậm lại việc rút quân và thậm chí sau thời hạn chót rút hết quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011, một lực lượng nhỏ của Mỹ sẽ vẫn có thể ở lại để hỗ trợ chính quyền Baghdad nếu việc làm này là cần thiết.

Chỉ còn gần 90 ngày nữa là tới cuộc tổng tuyển cử giữa kỳ ở Mỹ. Uy tín của Tổng thống đương nhiệm Obama, theo thăm dò dư luận đang bị giảm sút do liên quan tới các chính sách điều hành kinh tế cũng như việc chi tiêu ngân sách mới, khiến cho đảng Dân chủ được dự báo có khả năng khó tránh thất bại nặng nề.

Chấm dứt chiến tranh ở Iraq luôn là con át chủ bài của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong cuộc đua giành quyền lực trên chính trường. Vì vậy, để thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho đảng của mình, ông Obama sẽ cố gắng tiếp tục ghi dấu ấn cho nhiệm kỳ Tổng thống của mình bằng cách chấm dứt được cuộc chiến tranh tại Iraq gây nhiều tranh cãi, tốn kém và làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế. Làm được điều này trong một hoàn cảnh đầy rẫy những khó khăn cả trong và ngoài nước sẽ khiến cho mọi người ngưỡng mộ ông về lời tuyên bố: Thà kiên quyết hoàn thành tốt sứ mệnh trong một nhiệm kỳ còn hơn kéo dài lê thê vị trí lãnh đạo mà không làm được việc gì ra hồn cho đất nước, càng ngưỡng mộ ông hơn

Thanh Bình
.
.
.