Phong trào "chiếm phố Wall" hay đòi hỏi về quyền con người

Chủ Nhật, 06/11/2011, 14:57
Khởi phát bởi một nhóm sinh viên ở New York ngày 17/9/2011, phong trào "Chiếm Phố Wall" nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nhiều giai tầng khác nhau, sau khi khiến cả nước Mỹ xáo động còn lan rộng ra nhiều quốc gia khác trên thế giới...

Chưa biết chiều hướng phát triển cũng như sức ảnh hưởng của phong trào này còn đi đến đâu nhưng nó cho thấy sự thất vọng, khủng hoảng niềm tin, phẫn nộ đến bùng phát thành bạo động của công chúng Mỹ, cho thế giới một cái nhìn toàn diện hơn về nước Mỹ, biểu tượng của chủ nghĩa tư bản, một quốc gia luôn tự cho mình là "hình mẫu về nhân quyền".

Phong trào "Chiếm Phố Wall", vết dầu loang phổ biến

Phố Wall (Wall Street) là một đường phố thuộc quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ, nổi tiếng từ cuối thế kỷ 19 với đặc điểm là trung tâm giao dịch chứng khoán, tài chính tạo nên một trong những khu vực kinh tế lớn nhất của Mỹ và lớn thứ 2 ở New York sau Midtown.

Phố Wall, là cách nói theo nghĩa từ của người Mỹ, vì "Wall" trong tiếng Mỹ có nghĩa là "tài chính", nên phố Wall theo nghĩa của tiếng Việt cũng là "phố tài chính". Ngày nay, "Phố Wall" không chỉ là kinh đô tài chính của nước Mỹ và thế giới, nó còn là cụm danh từ mang ý nghĩa biểu tượng về trung tâm tài chính.

Khi nói đến "các công ty Phố Wall", người ta không nhất thiết nói rằng các công ty đó được đặt tại phố Wall, New York (Mỹ), mà còn muốn nói đến các công ty làm các dịch vụ về tài chính, ngân hàng, các công ty này có trụ sở không phải ở phố Wall, kể cả ở ngoài nước Mỹ.

Phong trào "Chiếm Phố Wall" khởi phát bởi một nhóm khoảng chục sinh viên tại công viên Zuccotti, New York ngày 17/9/2011. Chỉ sau vài tuần phát động, phong trào đã lan ra hàng chục tiểu bang ở Mỹ, rồi đến hàng trăm thành phố ở nhiều nước trên thế giới.

 Quan sát các khẩu hiệu, biểu ngữ trong các cuộc biểu tình, có thể thấy rõ mục tiêu của phong trào "Chiếm Phố Wall" là đòi đánh thuế người giàu nhiều hơn nữa, đòi chấm dứt việc ngân hàng tịch thu nhà của những người không còn khả năng trả nợ, đòi rút quân Mỹ về nước, chuyển ngân sách chiến tranh cho giáo dục, chống tăng học phí đại học, đòi việc làm…

Từ việc chỉ "chống lại" giới tài chính, ngân hàng tại khu phố Wall, thành phố New York, khi phong trào lan sang Thủ đô Washington, những người tham gia biểu tình đã mang theo một tinh thần khác, họ không chỉ lên án sự tham lam của một bộ phận giàu có, mà còn chỉ chích chính phủ không giải quyết được những bức xúc của người dân lao động trong cuộc sống hằng ngày.

Xem xét nguyên nhân sâu xa, thấy một thực tế ở Mỹ hiện nay là, có khoảng 1% người giàu nhất nước Mỹ làm chủ khoảng 40% tài sản của Mỹ, trong khi 80% người dân ở mức thấp nhất chỉ làm chủ khoảng 7% tài sản của Mỹ. Do vậy, phong trào "Chiếm Phố Wall" có thể được xem là một cuộc cách mạng của người nghèo đấu tranh chống lại sự bất công trong xã hội tư bản Mỹ.

Biểu ngữ trên phố Wall: “Cảnh sát New York bảo vệ và phục vụ nhà giàu”.

Có một khẩu hiệu được người biểu tình sử dụng nhiều nhất, đó là "99%", tức là 99% dân là người nghèo hay chỉ đủ ăn, trong khi 1% người cực giàu điều khiển guồng máy kinh tế tài chính Mỹ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của toàn xã hội.

Phong trào "Chiếm Phố Wall" lúc đầu không có mục tiêu rõ ràng, nhưng nội dung, bản chất của phong trào đã thu hút được đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia và phát triển rất nhanh chóng cả về chất lượng, số lượng, thành phần...

Trong mấy tuần, phong trào đã lan rộng ra nhiều thành phố lớn của nước Mỹ, từ bờ Đông sang bờ Tây: Boston, Washington DC, Denver, San Francisco… và hàng chục nước khác trên thế giới, như Canada, Đức, Anh, Italia, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Ireland, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Phong trào này đã dẫn đến "một ngày toàn cầu" vào ngày 15/10/2011 khi các cuộc biểu tình đã diễn ra ở hàng trăm thành phố của hơn 80 quốc gia. Ở châu Âu, phong trào tập trung chủ yếu đấu tranh, phản đối các chính sách cắt giảm chi tiêu công cộng, đặc biệt là ở các nước đang gặp khó khăn về kinh tế, tài chính trong khối EU.

Phản ứng của nhà cầm quyền Mỹ trước các cuộc biểu tình khiến nhiều người lo ngại. Trên khắp nước Mỹ, cảnh sát đã mạnh tay bắt giữ hàng nghìn người biểu tình với lý do gây rối trật tự công cộng, ùn tắc giao thông. Ngày 3/11 biểu tình tại cảng Oakland tại bang California đã biến thành bạo động khiến giới chức phải điều động cảnh sát chống bạo động đến hiện trường.

Tại nhiều nơi diễn ra biểu tình, cảnh sát đã phun hạt tiêu và dùng hơi cay để chống lại đoàn người biểu tình, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em gây nên một làn sóng công phẫn trong cả nước Mỹ.

Những biến chuyển khó lường

Nói về những nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp; nguyên nhân sâu xa, trước mắt của phong trào "Chiếm Phố Wall" sẽ có nhiều mức độ, màu sắc khác nhau, nhưng có một số vấn đề đáng chú ý. Trước hết, như tuyên bố của những người khởi xướng phong trào "Chiếm phố Wall", đó là hành động biểu thị sự phản kháng, bất mãn của người dân Mỹ trước thói tham lam và tham nhũng của giới tài phiệt, làm giàu trên sự khốn khó của người dân.

Như nhận xét và bình luận của Giáo sư Paul Krugman - người được trao giải Nobel kinh tế và là bình luận của báo New York Times, lời buộc tội mà những người phản kháng đưa ra là hoàn toàn đúng. Hiện nay, hoàn cảnh kinh tế của Mỹ tiếp tục trì trệ, thất nghiệp kéo dài ở mức cao kỷ lục, tỷ lệ người nghèo cũng tăng lên mức đáng báo động và thu nhập của người dân tiếp tục sụt giảm…

Vì vậy, sự bất mãn của công chúng đối với giới tài phiệt bấy lâu nay có lý do để trào dâng thành cuộc đấu tranh phản kháng, có sự đồng thuận của nhiều tầng lớp xã hội. Đó là dấu hiệu phản ánh mâu thuẫn giai cấp vẫn tiếp tục diễn ra và ngày càng gay gắt ở chính ngay trong lòng nước Mỹ, quốc gia được xem là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản.

Phong trào "Chiếm Phố Wall" cũng là hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ từ mấy năm trước. Để cứu vãn nền kinh tế sa sút do khủng hoảng tài chính, chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã có những giải pháp về hoạch định chính sách: tăng nguồn thu, giảm thâm hụt ngân sách bằng việc tăng thuế đối với người giàu, đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm cho người lao động… Nhưng kế hoạch này của đảng Dân chủ, chiếm đa số ở Thượng viện, không được đảng Cộng hòa, chiếm đa số ở Hạ viện, ủng hộ.

Ngược lại, đảng Cộng hòa chủ trương thu hẹp vai trò của bộ máy chính phủ, giảm thâm hụt ngân sách bằng việc giảm các chương trình trợ cấp xã hội… cũng không được đảng Dân chủ ủng hộ. Cuộc chiến trên chính trường kéo dài, không mang lại hiệu quả, lợi ích gì cho người dân cũng đã góp phần làm cho những người lao động thất vọng, "nổi giận" thành phong trào phản kháng. Do vậy, phong trào này cũng là sự phản ánh cuộc đấu tranh trên chính trường Mỹ.

Trong các phát biểu của mình, Tổng thống B. Obama và một số lãnh đạo của đảng Dân chủ đều tỏ ra đồng tình với phong trào "Chiếm Phố Wall". Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa lại tỏ ra "cay cú" với những người phản kháng, gọi những người biểu tình là "đám du côn nổi loạn", gọi phong trào "Chiếm Phố Wall" là sự ghen tức của những người chống chủ nghĩa tư bản, hay là sự "kích hoạt cuộc chiến tranh giai cấp", thậm chí có người gọi phong trào này là "đi theo con đường của Lê-nin".

Có ý kiến cho rằng, nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô, sự phản kháng của phong trào "Chiếm Phố Wall" không chỉ là cuộc đấu tranh của những người nghèo chống lại người giàu, mà là biểu hiện mới của sự xung đột thường xuyên giữa hai học thuyết kinh tế, giữa một bên là chủ nghĩa tư bản chủ trương tự do kinh doanh, thị trường điều phối tất cả mọi thứ, không cần sự can thiệp của nhà nước, với một bên là chủ nghĩa tư bản có sự điều tiết của nhà nước; hình ảnh đại diện chính là những nhà tài phiệt và những người "Chiếm Phố Wall".

Phong trào "Chiếm Phố Wall" đã thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh một bộ phận người dân Mỹ và ở nhiều nước trên thế giới về bộ mặt thật của giới tư bản tài chính cũng như mô hình phát triển theo chủ nghĩa tư bản, nó không phải là một thế giới đầy mê hoặc, nơi con người ta có thể trở thành triệu phú, tỷ phú trong chốc lát mà không cần lao động, không cần sản xuất kinh doanh…

Về vấn đề này, cách đây hơn một thế kỷ, Karl Marx đã nhận xét trong bộ Tư bản, trong công thức chung của sản xuất Tư bản chủ nghĩa: T-H-H-T (tiền-hàng-hàng-tiền), nhiều người hẳn cũng biết phố Wall đã phơi bày toàn bộ những mâu thuẫn, bất ổn và nguy cơ chứa đựng trong lòng xã hội tư bản Mỹ khi mà "99%" dân Mỹ đang phải gánh chịu những thua lỗ khổng lồ do những việc làm sai lầm của "Khu Phố Wall" gây ra, trong khi lợi nhuận lại rơi vào túi của "1%" người dân Mỹ.

Hiện chưa rõ kết cục phong trào "Chiếm Phố Wall" sẽ diễn tiến đến đâu, nhưng theo nhiều nhà phân tích, phong trào này đang đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ; Rất có thể Mỹ sẽ phải xem xét lại con đường phát triển kinh tế dựa chủ yếu trên một nền tư bản tài chính kiểu "Wall Street".

Quyền con người nhìn từ quốc gia hay can thiệp thô bạo đối với các nước phát triển

Lâu nay, Hoa Kỳ luôn tự cho mình là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản, là hình mẫu về nhân quyền và áp đặt tiêu chí của mình cho các nước khác; tự cho mình cái quyền định kỳ hằng năm đánh giá tình hình nhân quyền ở các nước và áp dụng các biện pháp "trừng phạt" nếu "vi phạm".

Thế mà nay ở chính trong nước Mỹ lại đang tồn tại nhiều vấn đề về nhân quyền: người giàu bóc lột người nghèo; khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa; thất nghiệp, công ăn việc làm của người lao động; giáo dục và nhiều vấn đề xã hội khác đang là vấn đề bức xúc của đại bộ phận người dân, đến mức để 99% chống lại 1%.

Phản ứng của chính phủ, các cơ quan tư pháp, cảnh sát Mỹ trước các cuộc biểu tình "Chiếm Phố Wall" cũng cho thấy một điều, vì lý do đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước, Chính phủ Mỹ cũng cho tiến hành các hoạt động bắt giữ hàng trăm người biểu tình, một việc làm mà trước đây khi "xem xét về tình hình nhân quyền" của các nước không đi theo quỹ đạo của Mỹ, họ luôn cho đó là vi phạm nhân quyền!

Các thế lực thù địch hay các phần tử cơ hội đã lớn tiếng rêu rao rằng, khái niệm "đấu tranh giai cấp" theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã đi vào dĩ vãng sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, thì nay lại khẳng định rằng, cuộc đấu tranh giai cấp sẽ tồn tại khi nào còn CNTB như Mác - Lê-nin đã chỉ rõ.        

Dường như trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, thì vấn đề quyền con người luôn mang tính chất giai cấp sâu sắc; chỉ có ở chế độ XHCN thì quyền con người mới có điều kiện đảm bảo rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất

Lê Anh Tuấn
.
.
.