Phó Tổng thống Mỹ công du Gruzia

Thứ Sáu, 05/09/2008, 09:03

Rời Azerbaijan, ngày 49, Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney đã tới thủ đô Tbilisi của Gruzia. Đây là hành động thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Tbilisi, đồng thời cũng là cách để người Mỹ "cảnh báo" với Nga về cuộc đụng độ ngắn ngủi với lực lượng quân sự Gruzia tại Nam Ossetia hồi tháng trước.

Củng cố đồng minh

Thông tin từ báo chí Mỹ cho biết, lịch trình trong chuyến công du của Phó Tổng thống Dick Cheney gồm 3 nước là Azerbaijan, Gruzia và Ukraine. Những quốc gia này đều từng là đồng minh trong khối Liên bang Xô viết và nay quay lưng lại với Nga, mong muốn gia nhập NATO cũng như Liên minh châu Âu.

Sau khi đặt chân tới sân bay Tbilisi, Phó Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili. Cùng với sự có mặt của Phó Tổng thống trên vùng đất Gruzia là sự xuất hiện của tàu chiến thứ 3 của Mỹ được cho là chở hàng viện trợ nhân đạo. Chiến hạm này đã vượt qua eo biển Dardanelles, Bosporus để tiến vào biển Đen.

Chưa hết, từ Washington, chính phủ Mỹ cũng tuyên bố gói viện trợ nhân đạo mới trị giá hơn 1 tỷ USD nhằm giúp Gruzia xây dựng lại nhà cửa, đường sá, cầu cống bị phá huỷ trong 5 ngày chiến trận với Nga. Đương nhiên là điện Kremli đã phản ứng mạnh mẽ trước sự có mặt của Phó Tổng thống Mỹ và cho rằng hành động này chỉ "đổ thêm dầu vào lửa", càng khiến ông Mikhail Saakashvili cậy thế làm bừa và có thể thổi bùng ngọn lửa bất ổn ở Gruzia.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo giới, Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói: "Chúng tôi không hiểu các tàu của Mỹ đang làm gì ở bờ biển Gruzia, nhưng đó là quyết định của những đồng nghiệp Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ tại sao hàng viện trợ nhân đạo lại được chuyên chở bằng các tàu hải quân có trang bị những hệ thống tên lửa tân tiến nhất".

Theo nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, trong ngày 4/9, NATO đã củng cố thêm lực lượng hải quân ở biển Đen như tàu Pathfinder của Mỹ (được sử dụng để do thám và thu thập tin tức tình báo), nâng tổng số tàu chiến của NATO ở khu vực này lên 5 chiếc.

Ván bài Nga - Gruzia

Cho đến thời điểm hiện nay, quan hệ Nga - Gruzia không hề cải thiện mà vẫn tiếp tục căng thẳng. Sau hàng loạt lời lẽ kích động của Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko, Gruzia đã chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga và tiếp tục phản đối kịch liệt việc Moskva công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia.

Bộ Ngoại giao Gruzia cho biết, nước này đã triệu ông Andrei Smaga, Đại sứ Nga tại Gruzia tới để trao công hàm thông báo chính thức việc cắt đứt quan hệ ngoại giao nhưng vẫn duy trì các mối quan hệ về lãnh sự với Moskva vì theo Công ước Vienna về các mối quan hệ lãnh sự, hành động cắt đứt các quan hệ ngoại giao không có nghĩa là cắt đứt luôn quan hệ lãnh sự.

Trong công hàm của mình, Bộ Ngoại giao Gruzia cũng đã yêu cầu Đại sứ quán Nga tại Tbilisi ngừng mọi hoạt động trong ngày 3/9. Đồng thời, Gruzia đã điều động các đơn vị đặc công đến áp sát biên giới Nam Ossetia nhằm khôi phục sự hiện diện quân sự ở các ngôi làng đông dân của Nam Ossetia. Chỉ một ngày sau đó, Nga đã có phản ứng quyết liệt bằng việc chính thức ngừng cung cấp visa cho các công dân Gruzia.

Tương lai quan hệ Nga - Mỹ

Mặc dù Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng khẳng định sẽ không có cuộc chiến tranh lạnh mới, song các nhà quan sát vẫn lo ngại rằng, sự xuất hiện của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney có thể sẽ khiến người Nga phản ứng và càng đẩy Moskva - Washington ra xa nhau.

Trên thực tế, cả Tổng thống và Thủ tướng Nga đều nhấn mạnh rằng, Nga không sợ bất kể một động thái nào của Mỹ cũng như phương Tây và sẽ đáp trả "bình tĩnh" trước sự hiện diện của tàu chiến NATO ở Biển Đen. Điều đó cho thấy, Nga đã chuẩn bị kỹ càng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hãng Ria Novosti số ra ngày 4/9 có dẫn lời một nhà phân tích cho biết, hiện tại, Nga đủ sức chịu đựng một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Biết và nắm được điểm yếu của đối phương, ý thức được lợi thế của mình, Nga sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ Mỹ hay phương Tây trong vấn đề ở Gruzia. Xét cho cùng, dù không chịu ảnh hưởng từ nguồn cung dầu và khí đốt của Nga, song Mỹ lại cần tiếng nói ủng hộ của Nga trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế. Do đó, giới phân tích cho rằng, trong tương lai, Nga - Mỹ cũng không thể nào đối đầu, quan hệ của họ sẽ cứ tiếp diễn kiểu "ông chẳng bà chuộc" trong một thời gian dài

Huyền Chi
.
.
.