Phe đối lập tấn công căn cứ không quân của chính phủ Syria

Thứ Ba, 05/06/2012, 08:49
Cuộc tấn công căn cứ không quân của chính phủ ở phía Đông thành phố Deraa, đối diện biên giới Golan với Israel do phe đối lập tiến hành hôm 3/6 được coi là dấu mốc quan trọng trong cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Syria.
>> Syria công bố kết quả điều tra vụ thảm sát tại Houla

Bởi đây là lần đầu tiên trong 15 tháng qua, lực lượng đối lập dám công khai tấn công vào một trong những địa điểm nhạy cảm và quan trọng của chính phủ Syria. Hơn nữa diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad công bố kết quả điều tra về vụ thảm sát tại Houla khiến hơn 100 người chết.

Theo giới truyền thông, lực lượng đối lập đã nã đạn cối đốt cháy nhiều máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công trong các nhà chứa máy bay và phá nát các đường băng tại căn cứ không quân As Suwayda. Căn cứ không quân As Suwayda nằm ở cực Nam Syria, chuyên hỗ trợ các sư đoàn chiến đấu số 5, 7 và 10 làm nhiệm vụ bảo vệ trên biên giới Golan đối diện với Israel, cũng như yểm trợ cho những lực lượng chốt tại các khu vực biên giới với Jordan và Iraq. Truyền thông nhà nước Syria không công bố cũng như bình luận về sự kiện này.

Căn cứ không quân As Suwayda bị tấn công chỉ 1 ngày sau cái chết của Thiếu tướng Nidal Bashmani - tử nạn sáng 2/6 sau khi bị một tổ chức khủng bố sát hại khi ông đang trên đường tới nơi làm việc tại thành phố Deir al-Asafir thuộc vùng Ghouta phía đông Syria. Cũng trong ngày 2/6, các cuộc đụng độ giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy tiếp tục xảy ra tại một số khu vực ngoại ô thủ đô Damacus như Harast và Douma. Trước đó (tháng 2/2012), Tướng Issa al-Khouli cũng bị ám sát giữa thủ đô Damascus, nhưng tới nay sát thủ vẫn chưa bị bắt.

Tổng thống Bashar al-Assad.

Cuộc tấn công căn cứ không quân As Suwayda diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Bashar al-Assad phát biểu trước tân Quốc hội hôm 3/6. Theo đó, Syria đang phải đối mặt với một cuộc chiến thực sự từ bên ngoài và phải đối phó với cuộc chiến này theo cách hoàn toàn khác với cách mà chúng ta giải quyết các vấn đề nội bộ Syria.

Ông Bashar al-Assad cũng cảnh báo, Syria đang trở thành mục tiêu của các âm mưu nước ngoài - Syria không phải đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị, mà đúng hơn là một hành động xúi giục nổi loạn nhằm hủy hoại đất nước này với vũ khí là chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Bashar al-Assad cũng lên án những kẻ gây ra vụ thảm sát đối với hơn 100 người ở Houla, đồng thời bác bỏ bất kỳ sự dính líu nào của chính phủ Syria vào vụ khủng bố mà ông cho là "quái vật cũng không hành động như vậy". Ông Basha al Assad khẳng định sẵn sàng đối thoại với các lực lượng chính trị đối lập tại Syria.

Tuy nhiên, ông Bashar al-Assad cũng cho rằng, mọi giải pháp chính trị tỏ ra không hiệu quả và khẳng định, không có thỏa hiệp trong cuộc chiến chống khủng bố bởi Tổng thống Syria cho rằng, tình trạng bạo lực suốt 15 tháng qua khiến hơn 13.000 người chết là do các nhóm khủng bố được nước ngoài giật dây gây nên.

Cũng trong ngày 3/6, Ngoại trưởng Mỹ Hillarry Clinton đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để hối thúc Moskva cần tham gia vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc gây sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh, nghị quyết của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc về Syria liên quan đến vụ thảm sát tại Houla đã vượt quá nhiệm vụ và thực sự đi ngược lại tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (27/5).

Ngày 1/6, với 41 phiếu thuận, 3 phiếu chống (Nga, Trung Quốc và Cuba) và 2 phiếu trắng, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc (Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc) đã thông qua nghị quyết lên án việc sử dụng vũ lực chống lại dân thường ở Syria, cũng như vụ thảm sát tại Houla, đồng thời yêu cầu Ủy ban điều tra độc lập quốc tế, được thành lập tại khóa họp đặc biệt về tình hình Syria tháng 8/2011, khẩn trương điều tra một cách toàn diện, độc lập các sự việc diễn ra tại Houla và xác định công khai trách nhiệm liên quan vụ thảm sát này.

Ngày 2/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý gia tăng sức ép lên chính quyền Syria, gây áp lực buộc Tổng thống Bashar al-Assad trở lại đàm phán với phe đối lập. Nhưng ông Putin cũng nhấn mạnh, Nga không hỗ trợ bất cứ bên xung đột nào tại Syria và cho rằng, còn quá sớm để kết luận sứ mệnh hòa bình của ông Kofi Annan thất bại. Tổng thống Putin cho rằng, việc quan trọng nhất cần phải làm là ngăn chặn bạo lực ở Syria leo thang thành nội chiến.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon vừa tái kêu gọi tất cả các bên tại Syria phải chấm dứt bạo lực bởi người dân nước này đã phải hứng chịu quá nhiều đau khổ trong 15 tháng qua và cộng đồng quốc tế vẫn đang tiếp tục nỗ lực để tìm ra giải pháp giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia này

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.