Phe đối lập Syria kêu gọi Liên hợp quốc họp khẩn

Thứ Bảy, 28/04/2012, 10:26
Hôm 26/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã yêu cầu chính phủ Syria phải rút ngay lập tức quân đội và vũ khí ra khỏi các thành phố lớn theo như kế hoạch hòa bình đã nhất trí trước đó. Từ tuyên bố này của ông Ban Ki-moon, phe đối lập đã có những động thái mới nhằm gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tin từ hãng AFP cho hay, Hội đồng quốc gia Syria (SNC) - nhóm đối lập chính ở Syria đã kêu gọi LHQ mở một cuộc họp khẩn cấp sau khi có tin hơn 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc đọ súng giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy ở thành phố Hama.

Trong tuyên bố của mình, SNC nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ để tìm ra hướng giải quyết mới, bảo vệ cuộc sống và sinh mạng của người dân Syria. Hama trong những ngày này càng trở nên “máu lửa” nhất là sau khi quan sát viên của LHQ rời đi. Nhiều nhân chứng đã chứng kiến các cuộc bắn giết dã man”.

Ngay lập tức, Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ sớm đưa ra lệnh trừng phạt mới nhằm vào Syria để chính phủ nước này giảm bớt các hành động đàn áp bạo lực. Còn Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nail al-Arabi đã kêu gọi triển khai nhanh hơn nữa lực lượng quan sát viên LHQ gồm 300 người theo Nghị quyết mà Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua cách đây vài ngày.

Phát biểu tại cuộc họp của ALCairo (Ai Cập), ông Nail al-Arabi nói: “Cả thế giới đang trông chờ vào việc Syria thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn cũng như việc sớm triển khai các quan sát viên. Điều quan trọng là phải ngừng bắn thật sự chứ không phải là việc làm nhằm mục đích để cho các quan sát viên chứng kiến”.

Nga và Trung Quốc vẫn kêu gọi các quốc gia phương Tây phải hết sức bình tĩnh trong việc giải quyết vấn đề Syria. Hai nước này vẫn giữ nguyên quan điểm phủ quyết tất cả mọi hành động can thiệp quân sự vào Syria kiểu như Libya, đồng thời phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Damascus.

Đại diện của Nga còn cáo buộc chính lực lượng đối lập mới là nhân tố gây nên sự bất ổn cũng như vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Tuy nhiên, chính quyền Moskva vẫn phải thừa nhận, tình hình bạo lực hiện nay tại Syria và kêu gọi các bên thực thi đầy đủ mọi cam kết ngừng bắn của mình Trong khi đó, tin từ hãng AFP cho hay, doanh nhân sống lưu vong của Syria Nofal Dawalibi đã công bố tại Paris (Pháp) việc thành lập "chính phủ chuyển tiếp để đáp ứng các nhu cầu của phe đối lập Syria”.

Tình hình chiến sự căng thẳng ở Hama đang khiến kế hoạch hòa bình gồm 6 điểm ở Syria có nguy cơ đổ vỡ.   Ảnh: AFP.

Ông Nofal Dawalibi, người có cha từng làm Thủ tướng Syria trước khi Đảng Baath của Tổng thống Bashar al-Assad lên nắm quyền năm 1963 cho biết: "Tình hình ở Syria đang xấu đi từng ngày. Bạo loạn đang gia tăng. Chúng tôi đã quyết định thay thế những cấu trúc hiện hành bằng một cấu trúc hành pháp đơn thuần phối hợp hoạt động của các bộ phận đấu tranh vì tự do và thể theo ý nguyện của người dân Syria có chủ quyền”.

Hiện chưa rõ "chính phủ chuyển tiếp" này sẽ phối hợp ra sao với Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), được coi là cơ quan chính trị có tính đại diện cao nhất của phe đối lập Syria do học giả sống lưu vong Burhan Ghalioun đứng đầu. Dẫu vậy, nguồn tin từ AFP khẳng định, nhiều thành viên của SNC và Quân đội Syria Tự do (FSA) – lực lượng nòng cốt của phe đối lập vũ trang chống đối chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ủng hộ “chính phủ chuyển tiếp” của ông Nofal Dawalibi.

Các mục tiêu của “chính phủ chuyển tiếp” là vũ trang cho các chiến binh chống chế độ, tiến hành "sự can thiệp quân sự quốc tế trực tiếp" và đảm bảo khôi phục an ninh, ổn định ở Syria. 35 người Syria trong "chính phủ chuyển tiếp," được miêu tả là các công dân và binh sỹ ở bên trong Syria, sẽ được công bố trong vài ngày tới. Một số nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng, “chính phủ chuyển tiếp” của ông Nofal Dawalibi thành lập dưới sự hậu thuẫn của một số quốc gia phương Tây.

Cách đây 3 ngày, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã đề xuất biện pháp can thiệp quân sự để giải quyết vấn đề Syria, đồng thời thúc ép LHQ sớm thông qua việc này nếu kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên LHQ Kofi Annan bị thất bại. Theo ông Alain Juppe, Hội đồng Bảo an LHQ có thể ra nghị quyết trừng phạt Damascus theo chương 7 của Hiến chương LHQ, áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt từ ngoại giao, kinh tế đến can thiệp quân sự

Sông Thương
.
.
.