Pháp nhận máy bay vận tải A400M đầu tiên

Thứ Ba, 01/10/2013, 15:58
Ngày 30/9, tại nhà máy sản xuất quân sự ở Seville, miền Nam Tây Ban Nha, hãng Airbus đã cung cấp chiếc máy bay vận tải A400M đầu tiên cho không quân Pháp.

Phát biểu tại lễ bàn giao có sự tham gia của Hoàng tử Tây Ban Nha Felipe, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean- Yves Le Drian đã ca ngợi A400M là một máy bay có hiệu suất cao. Sau lễ bàn giao, chiếc A400M đầu tiên của Pháp đã bay tới căn cứ quân sự ở Orleans.

Theo ông Jean- Yves Le Drian thì Pháp vẫn có kế hoạch trang bị tới 50 máy bay A400M cho quân đội nước này. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2014 - 2019, nước này sẽ chỉ mua 15 máy bay trên.

Trước đó, Pháp đã từng đồng ý mua 35 máy bay A400M và cắt giảm đơn đặt hàng gây lo ngại cho Airbus vì nhiều quốc gia khác như Tây Ban Nha hay Đức cũng có thể hành động tương tự.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã trấn an rằng, đây chỉ là việc điều chỉnh chứ không thay đổi mục tiêu ban đầu trong kế hoạch trang bị loại máy bay vận tải A400M.

Máy bay vận tải A400M là sản phẩm của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng châu Âu (EADS) – hãng con của Airbus. Dự án chế tạo máy bay vận tải A400M đã kéo dài hơn 10 năm, một trong các dự án tham vọng nhất của nghành công nghiệp quân sự châu Âu với sự tham gia của 7 đối tác trong NATO là Bỉ , Pháp, Anh, Đức, Luxembourg, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ.

Máy bay vận tải A400M.Nguồn: AFP.

Theo lịch trình trong vòng 1 tháng tới, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ nhận được chiếc A400M đầu tiên của họ, Pháp sẽ nhận chiếc thứ hai sau đó. Tổng cộng các đơn hàng của loại máy bay này là 174 chiếc và dự kiến nhà sản xuất sẽ mất 10 năm để hoàn tất các đơn đặt hàng này. Airbus dự định sẽ sản xuất A400M trong vòng 30 năm tới.

Dự án A400M đã vấp phải nhiều khó khăn từ các vấn đề kỹ thuật cũng như các yêu cầu từ các yêu cầu của các quốc gia khách hàng. Với tham vọng cạnh tranh với 2 loại máy bay C130 và C17 của Mỹ, các nhà sản xuất châu Âu đã tích hợp nhiều công nghệ hiện đại vào đứa “con chung” này. Ngoài buồng lái hiện đại, A400M với 4 động cơ turbo cánh quạt có khả năng cất cánh trên đường băng dã chiến và vận chuyển một khối lượng hàng hóa tới 37 tấn trên quãng đường 3.300 km

Bình Nguyễn (theo channelnewsasia.com)
.
.
.