Phạm nhân già nhất nước Mỹ

Thứ Sáu, 04/01/2008, 15:48
Thượng tuần tháng 10/2007, phạm nhân Charles E. Friedgood nộp đơn lên Cục quản lý Tha tù có điều kiện tiểu bang New York (SDP), xin được trả tự do sau 31 năm thụ án chung thân. Ở tuổi 89, ông là phạm nhân cao tuổi nhất nước Mỹ bị kết án vì tội giết vợ.

Ngày 6/11/2007, một hội đồng gồm 3 người của Cục SDP thông qua lệnh trả tự do cho ông ta và ngày 11/12 vừa qua, Charles E. Friedgood chính thức trở về sống cùng đại gia đình tại tiểu bang Florida. Như vậy, ông chỉ được chấp nhận trả tự do sau tất cả 5 lần xin tha tù trước thời hạn (4 lần trước đơn xin đều bị bác bỏ).

Năm 1975, một nhà phẫu thuật tài ba và giàu có ở Long Island (Mỹ) - bác sĩ Charles E. Friedgood - đã tiêm một liều thuốc giảm đau đủ chết người cho bà vợ tàn phế 48 tuổi của mình. Giấy chứng nhận tử vong ghi bà mẹ có 6 đứa con này chết vì đột  quị. Thế nhưng ngay từ đầu, cảnh sát nghi ngờ đó là một vụ án mạng, bởi lẽ người ký giấy chứng nhận chính là chồng bà Sophie Friedgood.

Lý do thứ hai khiến cảnh sát nghi ngờ là ông ta nhanh chóng đưa xác vợ đi chôn cất ở một nơi khác. 5 tuần sau, ông ta bị bắt tại sân bay quốc tế Kennedy, trong lúc tìm cách bỏ trốn với hơn 450.000 USD tiền mặt, trái phiếu và một số đồ nữ trang của vợ.

Trong nhiều cuộc phỏng vấn sau khi bị bắt năm 1976, ông nhất mực cho rằng ông không cố ý giết vợ mình. Thế nhưng các công tố viên khẳng định họ có đủ bằng chứng, vị bác sĩ phẫu thuật này đã tiêm cho người vợ nằm liệt giường của mình một liều thuốc giảm đau quá mức bình thường ngay trong căn nhà 18 phòng của hai vợ chồng họ ở Great Neck.

Hơn 4 tuần sau đó, ông ta bán đi căn nhà và gom góp hết tư trang mà bà vợ dày công mua sắm, và bỏ trốn sang châu Âu sống cùng nhân tình mới.

Năm 1976, Charles E. Friedgood bị kết tội giết người mức độ 2 sau một trong những phiên tòa nổi tiếng nhất thế kỷ, và nhận mức án chung thân. Friedgood không kháng án, chấp nhận thụ án tù nhưng lúc nào cũng tuyên bố bản thân vô tội.

Thấm thoát đã 30 năm trôi qua, ngày nay, vị bác sĩ phẫu thuật đó trở thành phạm nhân nhiều tuổi nhất nhà tù của tiểu bang New York. Mắc quá nhiều thứ bệnh trong cơ thể và có cảm giác gần như hối hận, lần thứ 5 kể từ khi chấp hành xong 25 năm án phạt tù, đầu tháng 10/2007 Friedgood lại nộp đơn xin tha tù có điều kiện.

Charles Friedgood được trả tự do vào ngày 11/12 vừa qua.

Trong phiên đối chất ngày 6/11 vừa qua, ông Friedgood - hiện bị ung thư giai đoạn cuối - nói trước tòa: “Ngay lúc này, thậm chí tôi không thể tin rằng tôi từng làm một chuyện ngu xuẩn đến thế. Có lẽ do sự quyến rũ của một người đàn bà không phải là vợ tôi, và lòng tham tiền bạc.

Nếu như cho tôi trẻ lại vài chục tuổi, tôi cũng đoán chắc rằng không bao giờ lặp lại hành động điên rồ như vậy nữa. Tôi đã được cải tạo tốt, nhận biết tội lỗi của mình. Đêm nào, tôi cũng khóc khi nhớ về vợ tôi, cầu xin hương hồn bà ấy tha thứ cho mọi tội lỗi tôi đã gây ra 32 năm về trước”.

Năm 1975, ông chích quá liều thuốc giảm đau Demerol (5 ống tiêm) cho bà Sophie khi bà bị bệnh khiến bà tử vong ngay sau đó.

Cựu công tố viên Stephen Scaring, hiện làm việc tại Văn phòng chưởng lý ở quận Nassau và chuyên điều tra án mạng giết người, cho rằng chỉ có những kẻ ác ghê gớm mới đủ tỉnh táo ký giấy tử vong cho vợ và nhanh chóng phi tang xác (chôn ở một nơi xa tiểu bang ông ta cư ngụ). Giấy phép hành nghề y của bác sĩ Charles E. Friedgood bị thu hồi vĩnh viễn kể từ năm 1980.

Theo điều tra của Stephen Scaring vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, bác sĩ Friedgood có nhân tình là một y tá người Đan Mạch. Cô y tá này chăm sóc cho bà Friedgood trong nhiều năm bại liệt, có với bác sĩ Friedgood 2 đứa con, và thông đồng với ông bán tài sản của bà Sophie.

Cô này có lẽ không chủ ý giết bà Sophie, mà mọi chuyện do ông Friedgood tự ý hành động để sớm đoàn viên với người tình ở châu Âu.

Trong những năm ngồi tù, bản thân ông có nhiều suy nghĩ tích cực và xin được làm việc thiện để tỏ lòng hối cải. Ông trở thành thầy dạy chữ cho các phạm nhân khác trong tù, cứu được nhiều sinh mạng trong lúc nguy cấp trong trại giam, kể cả một lính canh tù bị suy tim và một phạm nhân bị sốc.

“Chính vì nhận thức được việc làm tội lỗi của mình, tôi mới cố gắng sống trọn vẹn hơn 30 năm trong tù một cách vui vẻ và làm việc thiện để bù đắp lại những tháng ngày “ma xui quỷ khiến” trước kia”, ông tâm sự. Ông hy vọng tiếp tục sống tốt phần đời còn lại để mong được Thượng đế tha thứ...

Ngay sau khi đoàn tụ với đại gia đình 6 con, 20 cháu nội ngoại và 4 cháu cố, ông Friedgood sẽ được nhập viện tại Bệnh viện Veterans Affairs để tiếp tục điều trị chứng bệnh ung thư giai đoạn cuối

Lệ Đào (tổng hợp) - ANTG số 718
.
.
.