Tiếp vụ tiết lộ bí mật của cựu nhân viên CIA Edward Snowden:

Phải chấm dứt hoạt động do thám điện tử

Thứ Sáu, 20/12/2013, 12:22
Ngày 18/12, 193 thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt hoạt động do thám điện tử, đồng thời bày tỏ quan ngại về tác động của hoạt động này đối với việc bảo vệ các quyền con người. Nghị quyết do Đức và Brazil soạn thảo tuy không đề cập tới quốc gia cụ thể nào, nhưng xuất hiện sau khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ những thông tin nhạy cảm liên quan tới bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Nghị quyết kể trên cũng được 5 quốc gia tham gia chiến dịch do thám "Five Eyes" (gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand) ủng hộ. Tuy các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc không mang tính ràng buộc, nhưng thể hiện sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế nên có tác động đáng kể về đạo đức và chính trị đối với từng quốc gia thành viên.

Cũng trong ngày 18/12, Ủy ban đánh giá hoạt động tình báo Mỹ do Nhà Trắng thành lập đã công bố báo cáo dày 308 trang, trong đó đưa ra nhiều đề xuất nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của NSA. Theo quy định, những đề xuất trong báo cáo này phải chờ Tổng thống và Quốc hội Mỹ thông qua trước khi chính thức trở thành luật. Ủy ban này do Tổng thống Barack Obama thành lập và báo cáo dày 308 trang đã được đệ trình lên Nhà trắng hồi tuần trước và được công bố ngày 18/12. 5 thành viên của Ủy ban kể trên cho rằng, việc chính phủ sở hữu những thông tin này có thể làm tổn hại tới lòng tin của công chúng và vi phạm tự do cá nhân. Do đó cần giao lại cho các nhà cung cấp viễn thông hoặc một bên trung gian thứ ba. Chính phủ Mỹ cũng phải xin lệnh của Tòa án điều tra tình báo nước ngoài khi cần tiếp xúc với những thông tin kể trên.

Ngoài ra, chính phủ cần cân đối giữa bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và hoạt động thu thập thông tin tình báo với việc đảm bảo quyền riêng tư, tự do dân sự và quy định của luật pháp. Được biết, trong số 46 kiến nghị do Ủy ban này đưa ra có đề xuất kiểm tra kỹ lưỡng trên diện rộng hoạt động của NSA, đồng thời yêu cầu cơ quan này ngừng hoạt động thu thập “siêu dữ liệu” điện thoại. Ủy ban này cũng cho rằng, tuy hoạt động tình báo không thể chấm dứt hoàn toàn, nhưng cần dựa trên căn cứ xác đáng, tuân theo một số tiêu chuẩn nhất định và theo chỉ đạo của giới hoạch định chính sách cấp cao. Do đó cần có những cơ chế giúp tiến trình này minh bạch hơn để củng cố lòng tin của cộng đồng.

Brazil cho biết chưa nhận được đề nghị chính thức xin tị nạn của cựu nhân viên CIA Edward Snowden.

Những động thái kể trên có liên quan nhất định tới Edward Snowden bởi cựu nhân viên CIA là người đã “khai hoả” những bê bối có liên quan tới tình báo Mỹ với thế giới bên ngoài. Bởi đang có nhiều ý kiến khác nhau sau khi xuất hiện tin nói rằng, cựu nhân viên CIA Edward Snowden đang tìm cách xin tị nạn ở Brazil. Trên tài khoản Twitter của mình, Thượng nghị sỹ Ricardo Ferraso cho rằng, Brazil không nên bỏ lỡ cơ hội cấp tị nạn cho Edward Snowden, người đang nắm giữ chìa khóa để làm sáng tỏ chương trình do thám của Mỹ có liên quan tới Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Nhưng một số thành viên khác trong Quốc hội Brazil lại cho rằng, đây là việc lợi bất cập hại.

Theo tờ Folha de S.Paulo số ra ngày 17/12, một quan chức giấu tên của Brazil cho biết, nước này không muốn theo đuổi việc điều tra các chương trình do thám của Mỹ được tiết lộ từ hồi tháng 6 và từ chối cấp tị nạn cho Edward Snowden. Việc này diễn ra sau khi Edward Snowden đề nghị giúp đỡ Brazil điều tra các hoạt động theo dõi gián điệp của Mỹ. Đổi lại, Brazil cho phép cựu nhân viên CIA tị nạn.

Trong bức thư được công bố trên tờ Folha de S.Paulo, Edward Snowden khẳng định, sẵn sàng trợ giúp đối với những đề nghị hợp lý và hợp pháp, nhưng nhấn mạnh sẽ chỉ thực hiện điều đó nếu Brazil chấp nhận cho cựu nhân viên CIA tị nạn vĩnh viễn bởi chính phủ Mỹ vẫn không ngừng theo dõi và can thiệp mọi hoạt động của mình. Chính quyền Brazil cho biết, chỉ có thể xem xét cấp quy chế tị nạn cho Edward Snowen cho đến khi nhận được yêu cầu chính thức từ cựu nhân viên CIA.

Ngày 16/12, phát ngôn viên Nhà trắng Jay Carney khẳng định, đã bác bỏ khả năng ân xá cho Edward Snowden sau khi ông Rick Leggett, quan chức cấp cao của NSA đề nghị một thỏa thuận ân xá để cựu nhân viên CIA không tiết lộ thêm thông tin bí mật nào nữa và có thể trở về Mỹ. Ông Jay Carney cũng tiếp tục yêu cầu Nga trao trả Edward Snowden về cho Mỹ xét xử.

Trong khi Edward Snowden ca ngợi phán quyết hôm 16/12 của Thẩm phán Liên bang Mỹ khu vực Thủ đô Washington, ông Richard Leon - chương trình bí mật của NSA là vi hiến, xâm phạm điều luật về quyền riêng tư của cá nhân, đồng thời ra lệnh chấm dứt các hoạt động này đối với khách hàng của một số công ty dịch vụ điện thoại, thì chính phủ Mỹ lại phản đối. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein đã chỉ ra những trường hợp do thám bí mật nhằm chống lại các phần tử khủng bố có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, và khẳng định hoạt động tình báo này là hợp pháp. Bà Dianne Feinstein cũng cho biết, có ít nhất 15 thẩm phán của các tòa án khu vực không đồng tình với phán quyết của thẩm phán Richard Leon, đồng thời nhấn mạnh: chỉ Tòa án tối cao mới có thể quyết định về tính hợp pháp của chương trình do thám của NSA.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/12, Tổng thống Obama đã họp kín tại Nhà trắng với các lãnh đạo của một số hãng công nghệ thông tin hàng đầu nước Mỹ nhằm tháo gỡ những rắc rối từ vụ bê bối do thám gần đây của NSA. Bởi lãnh đạo các tập đoàn công nghệ như Sheryl Sandberg của Facebook, Tim Cook của Apple, Marissa Mayer của Yahoo, Dick Costolo của Twitter và Chủ tịch điều hành Eric Schmidt của Google lo ngại chương trình do thám của NSA đã vượt giới hạn đỏ của luật pháp, ảnh hưởng không tốt tới công việc kinh doanh của họ. Cuộc họp trên diễn ra một tuần sau khi 8 hãng công nghệ lớn có trụ sở tại Mỹ viết thư kêu gọi Tổng thống Obama và các thành viên Quốc hội nhanh chóng kiện toàn các đạo luật liên quan

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.