Pakistan: Taliban đánh bom trả thù cho Bin Laden

Thứ Bảy, 14/05/2011, 09:29
Hai vụ đánh bom liều chết nhằm vào trung tâm huấn luyện bán quân sự ở phía Tây Bắc Pakistan sáng 13/5 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 80 người. Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu kể từ sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt hôm 2/5. Nhóm Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm và đe dọa đây là hành động trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Al-Qaeda.

Cho đến chiều 13/5, chính quyền tỉnh Peshawar đã xác nhận rằng, các nạn nhân thiệt mạng phần lớn đều là những sinh viên đang theo học tại căn cứ Frontier Corps ở thị trấn Charsadda. 120 người khác bị thương đang được điều trị tại bệnh viện. Hai vụ đánh bom xảy ra ngay trước cửa chính dẫn vào căn cứ và thủ phạm đã kích hoạt khối thuốc nổ quấn quanh người.

Theo CNN, trung tâm bán quân sự ở Charsadda cũng như các học viện quân sự ở khắp Pakistan đều do Mỹ tài trợ. Phát ngôn viên của nhóm Taliban tại Pakistan là Ahsanullah Ahsan đã điện thoại tới trụ sở hãng thông tấn AP và nói rằng: "Chúng tôi đánh bom để trả thù cho những gì đã xảy ra ở Abbottabad". Cảnh sát trưởng Charsadda Nisar Sarwat cho hay, những kẻ đánh bom chọn đúng thời điểm các học viên tan học, có đông người qua lại bên ngoài.

Ít nhất 80 người đã thiệt mạng trong hai vụ đánh bom ở Pakistan ngày 13/5.

Qua tìm hiểu, cảnh sát xác nhận rằng, có một kẻ đi xe máy đã chở hai kẻ đánh bom liều chết tới trước cửa căn cứ Frontier Corps. Sau vụ nổ, tên này đã cao chạy xa bay. Vụ tấn công khủng bố đã khiến giới chức Pakistan lo ngại về một làn sóng bạo lực có nguy cơ lan tràn ở nước này sau cái chết của Osama Bin Laden.

Hiện, chính quyền Islamabad đang phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ phe đối lập và sự "giận dữ" của Mỹ về việc đã để cho trùm khủng bố lẩn trốn trên lãnh thổ nước mình suốt 7 năm mà không hề hay biết.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và Mỹ cùng một loạt nước đồng minh còn cáo buộc Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) đã hỗ trợ, giúp đỡ các hoạt động của Al-Qaeda cũng như làm ngơ để Osama Bin Laden có thể sống yên bình trong tòa nhà trị giá hàng triệu USD ở Abbottabad, chỉ cách Học viện Quân sự chưa đầy 1km. Sau Thủ tướng Yousaf Raza Gilani, Tư lệnh quân đội Pakistan Ashfaq Kayani cũng đã phải điều trần trước Quốc hội xung quanh vấn đề này.    

Chính phủ Pakistan đã lệnh cho lực lượng cảnh sát thắt chặt an ninh trên khắp cả nước. Quân đội cũng nhận lệnh phải hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh với cảnh sát và luôn trong tư thế trực chiến. Cách đó hàng ngàn kilomet, Mỹ cũng đã điều động thêm lực lượng tuần tra tại những khu vực trọng điểm.

Hãng BBC cho biết, nhằm tránh những đòn tấn công tiếp theo của mạng lưới Al-Qaeda hay Taliban, Mỹ còn cho tăng cường bảo vệ tòa nhà ở Virginia, nơi có trụ sở của lực lượng đặc nhiệm SEALs - đơn vị đã tham gia vụ tấn công chớp nhoáng và hạ sát Osama Bin Laden. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho hay, không chỉ các thành viên của lực lượng SEALs mà ngay cả vợ con, người thân trong gia đình họ cũng được bảo vệ cẩn mật.

Trong khi đó, hãng AFP dẫn một nguồn tin từ Nhà Trắng khẳng định, Mỹ cũng đã yêu cầu Kenya cử thêm cảnh sát tới bảo vệ ngôi nhà của người bà Tổng thống Barack Obama là Sarah Obama ở miền Tây nước này. Bà Sarah Obama là người vợ thứ 3 của ông Hussein Onyango Obama, một người ông có quan hệ họ hàng với cha của Tổng thống Barack Obama.

Người bà của Tổng thống Barack Obama, Sarah Obama đang trở thành mục tiêu trả thù của nhóm Shebab ở Somalia có quan hệ với mạng lưới Al-Qaeda.

Được biết, hôm 11/5, nhóm Shebab ở Somalia có quan hệ với mạng lưới Al-Qaeda đã gửi một lá thư đe dọa tới bà Sarah Obama và lời cảnh báo tới Tổng thống Barack Obama cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton. Hiện, CIA và FBI đang xem xét để cử nhân viên của mình tới hỗ trợ công tác bảo vệ bà Sarah Obama cùng với lực lượng cảnh sát Kenya.

Liên quan đến kết quả điều tra về hoạt động của Osama Bin Laden trong thời gian sinh sống ở Pakistan, mới đây, Nhà Trắng đã tiết lộ cách thức liên lạc với thành viên Al-Qaeda của trùm khủng bố. Theo đó, dù cả hai ngôi nhà của y ở Pakistan đều không kết nối Internet, truyền hình cáp hay điện thoại, song Osama Bin Laden vẫn liên tục viết thư và gửi tới nhiều nơi trên khắp thế giới.

Các thành viên lực lượng đặc nhiệm SEALs của Mỹ và thân nhân trong gia đình cũng được tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa trả thù của Al-Qaeda.

Những bức thư này đều được y soạn trên một máy tính, lưu vào USB rồi chuyển cho người đưa tin đáng tin cậy. Người này sau đó tới một quán café và gửi tới những địa chỉ email theo yêu cầu. Quá trình nhận thư của trùm khủng bố cũng được thực hiện tương tự như vậy. Chính vì quy trình khép kín này mà trong suốt 10 năm qua, CIA đã không thể nào tìm được nơi trú ẩn của Osama Bin Laden cho dù đã tung những lực lượng tinh nhuệ nhất của mình.

Hãng AP cho biết, lực lượng SEALs trong đêm đột kích đã thu được khoảng 100 USB trong đó có chứa nhiều email quan trọng và một danh sách dài thư điện tử. Từ đây, tình báo Mỹ hy vọng có thể điều tra rộng hơn và phát hiện thêm nhiều hoạt động cũng như các âm mưu khác của mạng lưới Al-Qaeda.

Một nguồn tin khác cũng đang được phía Mỹ tăng cường khai thác chính là việc thẩm vấn các bà vợ của Osama Bin Laden sống trong tòa nhà ở Abbottabad và đang bị Pakistan thẩm vấn. Hãng tin CNN cho hay, chiều 13/5, phía Pakistan đã cho phép tình báo Mỹ được thẩm vấn những người này dưới sự giám sát của ISI. Tuy nhiên, cả 3 phụ nữ nói trên đều không có thái độ hợp tác với người Mỹ.

Dù vậy, Mỹ cũng nắm thêm được thông tin rằng, trùm khủng bố có tới 6 người vợ, trong đó có 2 người đã li dị. Người vợ cả là Najwa Ghamen, người Syria, kết hôn với Osama Bin Laden năm 15 tuổi. Người vợ thứ hai là Khadijah Sharif, làm nghề giáo viên và đã ly hôn với trùm khủng bố sau hơn 10 năm chung sống. Khairiah là người vợ thứ 3 của Osama Bin Laden, kết hôn năm 1985. Hai năm sau đó, trùm khủng bố lại lấy Shiman Sabar. Người vợ trẻ nhất Amal Ahmed là người vợ cuối cùng của Osama Bin Laden. Người vợ thứ 5 của trùm khủng bố là người gốc Sudan nhưng không rõ danh tính

Sông Thương
.
.
.