Pakistan: Gian nan tìm kiếm tân Tổng thống

Thứ Bảy, 06/09/2008, 10:14
Ngày 6/9, các nghị sĩ ở Pakistan phải thực hiện trọng trách nặng nề là lựa chọn ra người kế nhiệm vị trí Tổng thống mà ông Pervez Musharraf vừa mới từ chức hồi tháng trước.

Điều mà dư luận quan tâm nhất không phải là việc ai sẽ là tân Tổng thống mà chính là việc, liệu nhà lãnh đạo mới có thành công hơn người tiền nhiệm trong việc đối phó với sự khủng hoảng kinh tế và bạo lực đang ngày càng leo thang.

Cuộc đấu tay ba

Trước giờ G, các ứng viên Tổng thống ở Pakistan đều nỗ lực tìm kiếm thêm sự ủng hộ nhằm giành được chiếc ghế quyền lực nhất đất nước. Tuy nhiên, cho đến chiều 5/9, nhận định chung của mọi người là phu quân cố Thủ tướng Benazir Bhutto vẫn là ứng cử viên sáng giá nhất.

Song điều đó cũng không có nghĩa là ông sẽ chắc chắn giành phần thắng bởi hiện tại, ông Asif Ali Zardari đang đứng trước những cáo buộc tham nhũng mới và những vụ scandal từ cách đây hàng chục năm. Theo ghi nhận của phóng viên nước ngoài, do tình hình xã hội bất ổn, liên tục xảy ra các vụ bạo động, chém giết nên an ninh đã được thắt chặt ở thủ đô Islamabad.

Riêng Chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan (PPP), sau khi có lời đồn ông bị bệnh tâm thần và rút khỏi danh sách ứng viên Tổng thống, lực lượng an ninh Pakistan đã buộc phải "sơ tán" ông tới một ngôi nhà an toàn nhằm bảo vệ tính mạng cho ông trước những kẻ Hồi giáo cực đoan quá khích.

Trong danh sách ứng viên Tổng thống được chốt vào ngày 30/8, ông Asif Ali Zardari có hai đối thủ là Saeeduzzaman Siddiqui, cựu Bộ trưởng Tư pháp  do đảng PLM-N của cựu Thủ tướng Nawar Sharif đề cử và Mushahid Hussain Sayed, cựu Bộ trưởng Chính phủ, quan chức cấp cao của đảng thân với ông Pervez Musharraf.

Nguồn tin từ báo chí Pakistan, em gái của ông Zardari là Faryal Talpur, thành viên của PPP trong Quốc hội đã đột ngột từ bỏ ý định tranh cử hôm 28/8 vì có lời đồn rằng bà chỉ là "ứng viên vỏ bọc" cho anh trai.

Chiểu theo luật pháp nước này, các thành viên của hội đồng bốn tỉnh, Thượng viện và Hạ viện sẽ bầu chọn Tổng thống. PPP và các đảng đồng minh nhiều khả năng giành được chiến thắng và vì thế họ đang cố gắng giành được sự ủng hộ của các đảng nhỏ hơn và các cử tri độc lập.

Yếu tố đồng minh Mỹ

Có thể nói rằng, trong số 3 ứng viên, Washington "ưng" nhất là Asif Ali Zardari. Một khi ông này lên nắm quyền, Pakistan sẽ vẫn là đồng minh chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Song chính điều này cũng lại là một trở ngại không nhỏ đối với đồng Chủ tịch PPP bởi chỉ cách đây vài hôm, cuộc vây ráp của lực lượng quân đội Mỹ tại vùng biên giới với Afghanistan đã làm chết 15 người Pakistan.

Sự kiện này đã thực sự trở thành nỗi kinh hoàng đối với PPP khi mà một số quan chức ở North Waziristan và Munir Khan Orakzai - thủ lĩnh nhóm nghị sĩ thuộc các bộ lạc vùng biên giới với Afghanistan cùng kêu gọi không bỏ phiếu cho ông Asif Ali Zardari.

Đảng PLM-N của cựu Thủ tướng Nawar Sharif cũng nhân cơ hội này kêu gọi người dân Pakistan chống lại sự có mặt của lính Mỹ trên đất nước họ. Zafar Ali Shah, một thành viên của đảng này nói: "Đã đến lúc người Pakistan nên thẳng thắn với người Mỹ rằng: thế là đủ rồi, chúng tôi không giúp các người nữa nếu các người cứ bắn giết dân chúng tôi. Cuộc chiến tranh chống khủng bố của người Mỹ đã trở thành cuộc chiến chống lại Pakistan".

Giới phân tích cho rằng, trước thềm bầu cử Tổng thống, những yếu tố mang tính nhạy cảm này có thể làm thay đổi cục diện trên chính trường Pakistan. Rõ ràng, Asif Ali Zardari không thể gạt bỏ vai trò của người Mỹ bởi sự ủng hộ của họ sẽ đảm bảo chắc chắn cho chiếc ghế Tổng thống mà ông theo đuổi.

Song nếu chống lại nguyện vọng của người dân Pakistan và càng xa rời với đảng PLM-N, ông cũng sẽ khó có thể cầm quyền một cách suôn sẻ. Hiện tại, kinh tế Pakistan đang tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao, đồng rupee đã giảm tới 1/4 giá trị so với đồng USD, thị trường chứng khoán cũng giảm 36%.

Giới phân tích cho rằng, dù cuộc bầu cử được hy vọng là sẽ đặt dấu chấm hết cho những bất ổn, song không ai có thể dám chắc một điều là tân Tổng thống có thể mở ra một giai đoạn ổn định hơn cho quốc gia Nam Á này nếu một khi các đảng phái trong Quốc hội vẫn tiếp tục bị chia rẽ và tranh giành quyền lực

Huyền Chi
.
.
.