Osama Bin Laden, phần ngọn hay gốc rễ của khủng bố?

Thứ Bảy, 07/05/2011, 21:41
Thế giới có thể cảm thấy an toàn hơn khi một tên khủng bố bị tiêu diệt. Nhưng thế giới sẽ chỉ thực sự an toàn khi nguyên nhân tạo nên khủng bố được xóa bỏ.
>> Tăng mâu thuẫn giữa Mỹ - Pakistan sau cái chết của Bin Laden

"Tối nay tôi có thể thông báo với toàn thể nhân dân Mỹ và thế giới rằng một chiến dịch do Hoa Kỳ thực hiện đã giết chết Osama bin Laden - lãnh tụ Al-Qaeda và là kẻ khủng bố phải chịu trách nhiệm cho các vụ tàn sát hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội". Bằng lời khẳng định đanh thép được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình lúc 23h36' giờ Washington ngày 1/5, Tổng thống Mỹ Obama đã chính thức mang đến cho nhiều triệu người dân Mỹ một niềm vui đã được chờ đợi rất lâu: niềm vui khi kẻ thù số 1 của nước Mỹ bị tiêu diệt.

Nhưng điều quan trọng hơn đã không được ông Obama đề cập tới trong diễn văn này. Đó là câu hỏi tên khủng bố nguy hiểm đó đã được tạo nên như thế nào? Trong suốt hơn một tuần qua, thế giới truyền thông bùng nổ hàng triệu bài viết, hàng ngàn bản tin với những cảm xúc lẫn lộn, những dấu hỏi chia rẽ và những cố gắng giải mã một cái chết, một mối đe dọa, một bóng ma lởn vởn trên bầu trời tự do của nước Mỹ.

Tổng thống Barack Obama và các trợ lý thân cận nhất trong Chính phủ Mỹ theo dõi trực tiếp 40 phút thực hiện chiến dịch của SEAL Team Six tại Pakistan ngày 1-5.

Trước khi trở thành một kẻ khủng bố, Bin Laden đã từng là một con người. Hơn một con người bình thường, Bin Laden có một điều kiện rất tốt để có thể lựa chọn cho mình bất kỳ cuộc sống nào mà y mong muốn. Osama Bin Laden sinh ra ở Riyadh, Arab Saudi, con của Mohammed Bin Laden, một thương gia giàu có. Osama Bin Laden là người con trai thứ 17 trong tổng số hơn 55 người con của ông Mohammed. Bin Laden được thừa kế gần 300 triệu USD từ cha mình. Cách đây hơn 20 năm, đó là số tiền đủ để có cuộc sống của một ông hoàng.

Trong cuốn sách có tựa đề "Osama - kẻ tạo ra những tên khủng bố" (Nhà xuất bản Albin Michel năm 2004), tác giả Jonathan Randal, nhà báo Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Đông từng giới thiệu Bin Laden tuy là một tín đồ Hồi giáo, rất cố chấp và không khoan dung nhưng tuyệt đối trung thành với niềm tin của mình và có đầu óc logique với các vấn đề chính trị. Thế nhưng, cả cuộc đời Bin Laden đã trở thành một cuộc thánh chiến kéo dài. Việc từ bỏ một cuộc sống hưởng thụ để lựa chọn hiểm nguy và gian khổ hẳn phải có những lý do sâu xa của nó. Nếu mục đích chỉ đơn giản là tiền bạc và quyền lực, Bin Laden đã có thể có những con đường khác.

CIA cùng Các lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ phối hợp với một số lực lượng khác đã biến Osama Bin Laden cùng những Mujahadeen trở thành những người hùng trong cuộc chiến chống lại quân Liên Xô. Nhưng những người hùng đó đã làm những gì? Các nhóm Mujahadeen thường có từ ba tới năm người. Sau khi nhận nhiệm vụ giết hại một ai đó trong chính phủ, họ bỏ nhiều thời gian nghiên cứu thói quen và các chi tiết về đời sống của người đó để tìm ra phương pháp hoàn thành nhiệm vụ thích hợp nhất. Họ ám sát từ trên ôtô, bắn vào ôtô, đặt mìn tại các cơ sở, hay tòa nhà chính phủ, dùng thuốc độc, và đặt mìn trên các phương tiện vận tải.

Ngày 2/5, hàng ngàn người ăn mừng ở quảng trường Times (New York) sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố cái chết của Osama bin Laden.

Tháng 3/1982, một quả bom phát nổ tại Bộ giáo dục, làm hư hại nhiều toà nhà. Tháng 6/1982, khoảng 1.000 đảng viên trẻ được gửi tới làm việc tại thung lũng Panjshir đã bị phục kích ngay 20 dặm ngoài Kabul. Ngày 4/9/1985, quân nổi dậy bắn hạ một máy bay nội địa thuộc Bakhtar Airlines khi nó cất cánh từ sân bay Kandahar, giết hại 52 người trên khoang… Năm 1986, Bin Laden đã trở thành người nối tiếng trong nước, luôn được giới truyền thông ca ngợi và tán tụng, được quốc vương đón tiếp. Thời điểm ấy, Bin Laden được coi như một anh hùng dân tộc.

Như vậy không cần đợi đến ngày 11/9 Bin Laden mới trở thành một tên khủng bố nguy hiểm. Nói một cách chính xác, dòng máu khủng bố đó đã được người Mỹ tham gia tạo dựng từ những năm 1979. Chỉ có điều khi đó, do phục vụ quyền lợi của nước Mỹ, Bin Laden và các đồng đội được coi như những anh hùng thánh chiến. Còn giờ đây, vẫn những hành động đấy, vẫn những cuộc thánh chiến đấy nhưng khi nó nhằm vào người Mỹ thì Bin Laden và các đồng đội trở thành những kẻ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử.

Những người đã bị lực lượng Mujahadeen giết hại và những công dân Mỹ đã ngã xuống trong ngày 11-9 đều là những người vô tội. Trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, các bậc lập quốc đã viết rằng "Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc". Nếu thật sự có sự bình đẳng ấy, những người Afghanistan vô tội đã ngã xuống có quyền được bảo vệ và được trả thù những hành động khủng bố mà nước Mỹ đã gián tiếp gieo rắc không? Không ai trả lời câu hỏi đó.

Trung đoàn thủy quân lục chiến xem truyền hình Tổng thống Barack Obama công bố cái chết của Osama bin Laden.Tổng thống Barack Obama và các trợ lý thân cận nhất trong Chính phủ Mỹ theo dõi trực tiếp 40 phút thực hiện chiến dịch của SEAL Team Six tại Pakistan ngày 1/5.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận vấn đề như vậy chúng ta hiểu trong lòng những đất nước yếu thế đã mang những vết thương trong lịch sử. Hành động khủng bố của Bin Laden không chỉ là hành động của một thời khắc mà là kết quả của một quá trình va chạm trong lòng một tôn giáo, một quốc gia, một dân tộc đã bị tác động mãnh liệt bởi những tính toán chính trị của quốc gia khác. Bin Laden vừa là một tên khủng bố nhưng cũng vừa là một nạn nhân.

Có thể mục tiêu đầu tiên của hắn chỉ là bảo vệ văn hóa tôn giáo mà hắn vẫn tôn sùng. Nhưng hắn đã chọn phương thức khủng bố là phương thức bảo vệ niềm tin, bảo vệ một giá trị văn hóa bằng cách tiêu diệt các giá trị văn hóa xung đột khác. Và cuối cùng, hành động khủng bố của hắn nhắm vào chính cái chính thể đã góp phần tạo ra hắn như một quân bài, một quân bài sẵn sàng bị vứt đi không thương tiếc khi đã hết giá trị sử dụng.

Ngày 11/9, lương tri nhân loại đau lòng trước cái chết của hàng ngàn công dân vô tội. Nhân dân thế giới chia sẻ với nhân dân Mỹ nỗi mất mát lớn lao. Nhưng trước sự hy sinh của bao con người ấy, chính những công dân Mỹ có quyền và có trách nhiệm tự hỏi tại sao họ lại phải chịu đựng sự căm thù ấy nếu nước Mỹ thực sự thủy chung với tuyên ngôn lập quốc, coi giá trị của Tự do và Bình đẳng là ngọn đuốc dẫn đường cho đất nước giàu mạnh của mình?

Thể chế chính trị Mỹ đã chỉ tập trung khắc họa hình ảnh của tên khủng bố Bin Laden kể từ ngày 11/9. Họ đã quên hoặc cố tình quên lịch sử lâu dài của hắn. Thái độ đó không thể giúp họ trả lời một câu hỏi quan trọng hơn. Đó là làm sao để thế giới không tiếp tục sản sinh ra những tên khủng bố?

Giết một con người chỉ là giải pháp mang tính bạo lực. Nhưng nếu xem xét ở khía cạnh những mâu thuẫn văn hóa và quyền lợi thì nước Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề lớn hơn. Trong lòng một số người Hồi giáo và những người chống Mỹ, Bin Laden vẫn là một anh hùng. Không quan trọng hắn còn sống hay đã chết. Chỉ đơn giản vì Bin Laden đã trở thành biểu tượng cho một tinh thần: tinh thần chống Mỹ. Một tinh thần không tự nhiên sinh ra. Nó sinh ra từ sự va chạm và sự áp đặt của nước Mỹ đối với các quốc gia khác. Điều đó đã bắt nguồn từ lịch sử và giờ vẫn đang tiếp tục với Palestin, Iraq, Syria…

Nó đụng chạm đến một sự thật của lịch sử. Đó là sự thao túng của một quốc gia lớn với một quốc gia yếu thế hơn cho những tính toán của mình. Và quá trình này đã đẩy nhiều người dân vô tội vào những cuộc chiến đẫm máu, đặt nhiều nền văn hóa trước thách thức bị xâm lấn và đồng hóa cũng như biến nhân tính thành công cụ của kẻ mạnh. Đặt giả thiết nếu Mỹ không tham gia vào cuộc chiến tại Afghanistan năm 1979, cũng như cuộc chiến Iraq năm 1990, có thể Bin Laden đã không trở thành một tên khủng bố đẫm máu. Nhưng nước Mỹ giàu có đã bao giờ từ bỏ quyền lợi của mình?

Người Mỹ tự hào với giá trị của tự do và dân chủ mà họ được thụ hưởng. Nhưng bản thân tự do và dân chủ vốn không thể là hàng hóa xuất khẩu và càng không thể là nhãn mác dán lên những cuộc chiến tranh. Việc nước Mỹ hùng mạnh săn lùng và tìm diệt Bin Laden trong suốt 10 năm ròng rã chỉ thể hiện nước Mỹ chỉ muốn giải quyết phần ngọn mà chưa đối mặt với phần gốc của vấn đề.

Nói cách khác, nước Mỹ chỉ tập trung cho tâm lý khao khát được trả thù mà bỏ quên vấn đề cốt lõi là liệu sự trả thù đó có thực sự tiêu diệt được vấn nạn khủng bố? Nếu cứ tiếp tục tránh đối diện với chính mình, nước Mỹ sẽ chưa thể tìm thấy phương pháp tiến bộ hơn "hard power" cho mục đích đảm bảo vị thế cường quốc từ sau Thế chiến. Cũng như khi chưa tìm được một giải pháp nhân tính mà chỉ đối mặt với khủng bố bằng bạo lực, nước Mỹ đã không thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Không ai dám chắc rằng sau cái chết của Bin Laden sẽ không còn những tòa tháp chọc trời sụp đổ, cũng như không ai đoán trước được rằng Obama có thêm được những phiếu bầu trong đợt bầu cử sắp tới hay không? Người Mỹ vẫn đang ăn mừng với chiến thắng trong khi những ngọn lửa hận thù đang nhen nhóm trong lòng những người dân ở các quốc gia Hồi giáo.

Người phát ngôn Mỹ nói Bin Laden bị bắn vào đầu và ngực. Trong những thông tin sơ sài được đưa ra, các quan chức Mỹ nói rằng Bin Laden chết trong đấu súng. Tuy nhiên, mới đây Nhà Trắng lại tiết lộ Bin Laden không mang vũ khí khi bị giết. Thậm chí, người vợ đã ở cùng hắn trong những phút cuối cùng còn khẳng định người Mỹ hoàn toàn có khả năng bắt sống Bin Laden. Những luồng tin mâu thuẫn và cách bắn tiêu diệt này khiến mỗi chúng ta đều có quyền nghi ngờ việc nước Mỹ không muốn có thêm bất kỳ cơ hội nào để Bin Laden có quyền được nói. Biết đâu từ những điều hắn có thể nói ra, chúng ta lại nhìn thấy những mảnh lịch sử đã bị giấu kín của nước Mỹ. Và những mảnh lịch sử ấy có thể sẽ không chỉ là lời kết tội với riêng Bin Laden.

Thế giới có thể cảm thấy an toàn hơn khi một tên khủng bố bị tiêu diệt. Nhưng thế giới sẽ chỉ thực sự an toàn khi nguyên nhân tạo nên khủng bố được xóa bỏ.

Bin Laden từng bị CIA sử dụng chống Liên Xô

Năm 1979, khi đó Chiến tranh lạnh cùng xung đột ý thức hệ đã đẩy Afghanistan trở thành điểm nóng với cuộc chiến dằng dai giữa hai lực lượng: lực lượng quân sự Liên Xô ủng hộ chính phủ của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) Mác xít chống lại lực lượng Mujahadeen Afghanistan chiến đấu để lật đổ chính quyền theo chủ nghĩa cộng sản.

Cũng vào thời gian này, Osama đến biên giới giữa Pakistan và Afghanistan, bắt đầu tài trợ tiền xây dựng trường học, nhà ở cho dân tị nạn Afghanistan ở Pakistan. Với sự sùng đạo và những quan hệ trong chính giới Arab, Osama ủng hộ các phiến quân Hồi giáo Mujahadeen chống lại Liên Xô. Có thể nói, cuộc thánh chiến đầu tiên của Bin Laden đã bắt đầu từ đó để bảo vệ văn hóa Hồi giáo.

Nhưng đặc biệt hơn trong giai đoạn này, một trong những đồng minh quan trọng nhất của các Mujahadeen là nước Mỹ. Với ý đồ kéo Liên Xô sa lầy vào một cuộc chiến tranh, nhiều thành phần Hồi giáo cực đoan đã trở thành những con bài trong tay người Mỹ. Họ được cung cấp hậu cần và vũ khí, đào tạo và huấn luyện. Osama bin Laden được coi như là cầu nối trung gian giữa ba bên: lực lượng Mujahadeen chiến đấu lật đổ chính quyền thân Xôviết ở Afghanistan, CIA của Mỹ và Arab Saudi ủng hộ Mỹ.

Vinh quang từ cái chết của Bin Laden tất nhiên thuộc về Obama, người luôn phát động chiến dịch chống lại Al-Qaeda, tiêu diệt Bin Laden, người đã kiên trì theo đuổi mục tiêu trả thù cho những người dân vô tội Mỹ thiệt mạng trong sự kiện 11/9 bằng bất cứ giá nào. Từ cái chết của Bin Laden, Tổng thống Mỹ Obama đã cho cả thế giới thấy rằng cuộc chiến của mình đã mang lại kết quả chứ không thất bại như chính sách "cuộc chiến tổng thể chống lại nỗi sợ hãi" được đề ra bởi vị tổng thống tiền nhiệm George Bush.

Quý Thanh
.
.
.