Ông Francois Hollande đắc cử Tổng thống Pháp

Thứ Ba, 08/05/2012, 10:31
Thắng lợi của ông Francois Hollande được đánh giá là bước ngoặt, mở ra một viễn cảnh chính trị mới ở Pháp cũng như trên toàn châu Âu.
>> Bầu cử Tổng thống Pháp: Ưu thế nghiêng về ông Francois Hollande

Với 51,67% số phiếu ủng hộ, ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande đã chính thức giành chiến thắng trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và trở thành người đầu tiên của đảng Xã hội lãnh đạo nước Pháp kể từ khi ông Francois Mitterrand rời nhiệm sở vào năm 1995. Thắng lợi của ông Francois Hollande được đánh giá là bước ngoặt, mở ra một viễn cảnh chính trị mới ở Pháp cũng như trên toàn châu Âu.

Theo ghi nhận của các phóng viên quốc tế, nước Pháp đã chia hai nửa vui buồn ngay sau khi kết quả bầu cử được Bộ Nội vụ Pháp công bố trên màn hình lớn được truyền hình trực tiếp. Những người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy lẳng lặng trở về nhà còn hàng vạn người ủng hộ ứng viên Francois Hollande thì hò reo, cổ vũ “Hollande, Tổng thống của chúng tôi”.

Thậm chí, đám đông người ủng hộ còn mở những bữa tiệc nhỏ trước cửa trụ sở đảng Xã hội trên phố Solférino, quảng trường Bastille ở thủ đô Paris... để chào mừng chiến thắng sau 17 năm của đảng Xã hội. Họ cùng hát vang bài Quốc tế ca, Quốc ca của Pháp, giơ cao những bông hoa hồng (biểu tượng của đảng Xã hội) cùng biểu ngữ “Thay đổi là bây giờ”.

Thắng lợi của ông Francois Hollande được cho là sẽ tạo bước ngoặt mới ở châu Âu.

Từ thành phố Tulle, Tổng thống mới đắc cử Francois Hollande đã chính thức tuyên bố chiến thắng và nhấn mạnh: “Ngày 6/5 là thời khắc lớn đối với nước Pháp, một sự khởi đầu mới cho châu Âu và một niềm hy vọng mới cho thế giới. Tôi dám chắc rằng, phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều vui mừng trước những thay đổi to lớn của nước Pháp. Tôi cam kết phụng sự đất nước với thái độ tận tụy và gương mẫu". Ông Francois Hollande còn nói sẽ là Tổng thống của mọi người dân trong một quốc gia đoàn kết có chung một số phận.

Đồng thời, ông Francois Hollande cũng đề ra hai cam kết cơ bản trong nhiệm kỳ của mình để người dân theo dõi và giám sát, đó là các ưu tiên cho công lý, công bằng và ưu tiên cho thế hệ trẻ. Chưa hết, Tổng thống mới đắc cử còn khẳng định sẽ sớm có chuyến công du các quốc gia ở châu Âu, gặp gỡ các nhà lãnh đạo để đưa ra những giải pháp tích cực cho vấn đề tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm... Có thể ông Francois Hollande sẽ tới thăm Đức để cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel bàn thảo lại về gói ngân sách chống thâm hụt của châu Âu.

Sau bài diễn văn của mình, ông Francois Hollande cũng đáp chuyến bay nhanh về Paris và đến quảng trường Bastille để nhận những tràng pháo tay, những tiếng hò reo cuồng nhiệt từ người ủng hộ.

Như vậy, cánh cửa điện Elysee đã mở rộng chào đón nhân vật đại diện cho đảng Xã hội sau 17 năm, kể từ thời ông Francois Mitterrand làm Tổng thống. Báo chí châu Âu và thế giới mô tả chiến thắng của ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande là một bước ngoặt của châu Âu. Tờ Độc lập của Anh còn nói, chiến thắng của ông Francois Hollande, và kết thúc của ông Nicolas Sarkozy cho thấy “một sự thay đổi trong cách châu Âu đối phó với các khoản nợ và cách Pháp sẽ cư xử trên toàn thế giới”.

Niềm vui của những người ủng hộ đảng Xã hội sau chiến thắng của ông Francois Hollande trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Trong khi đó, tờ Thời báo Tài chính lại bình luận rằng, ông Nicolas Sarkozy là nguyên thủ thứ 11 ở châu Âu trở thành nạn nhân mới nhất của hiện tượng chống người đang tại vị kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu (EU). Một số tờ báo khác phân tích, ông Francois Hollande đắc cử là nhờ tập trung vào những vấn đề khó khăn của kinh tế Pháp và vạch ra những điểm yếu của Tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy.

Ngay trong ngày 7/5, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp và kỳ vọng tới ông chủ tương lai của điện Elysee. Chẳng hạn như Thủ tướng Anh David Cameron đã điện thoại cho ông Francois Hollande và khẳng định sẽ hợp tác với người đứng đầu đảng Xã hội để thúc đẩy quan hệ Anh-Pháp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel dù trước bầu cử công khai ủng hộ Tổng thống Nicolas Sarkozy, song khi kết quả được công bố, bà cũng đã mời Tổng thống mới đắc cử đến thăm Đức. Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ hy vọng ông Francois Hollande sẽ đến thăm Nhà Trắng vào cuối tháng này. Vừa gửi điện mừng, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và Thủ tướng Canade Stephen Harper vừa bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với ông Francois Hollande...

Các nhà phân tích nhận định, 5 năm một nhiệm kỳ là khoảng thời gian không dài nhưng nó cũng đủ để người dân Pháp xem xét và đánh giá những gì ông Francois Hollande đã cam kết trong cương lĩnh tranh cử và sẽ thực hiện trong thời gian cầm quyền. Điều này cũng có nghĩa là Tổng thống mới đắc cử sẽ không có nhiều thời gian để nhâm nhi kết quả đạt được.

Trước mắt ông là một loạt thách thức to lớn buộc ông phải tập trung giải quyết ngay sau khi thành lập chính phủ mới của cánh tả. Thách thức đầu tiên là làm sao thúc đẩy kinh tế Pháp hồi phục và tăng trưởng với mục tiêu của năm 2012 là 1,7%; giảm tỷ lệ thất nghiệp được dự báo là có thể vượt ngưỡng 10% vào mùa hè này và bổ sung thêm 214.000 người trong cả năm nay; giảm thâm hụt mậu dịch với mức kỷ lục 70 tỷ euro trong năm 2011; giảm thâm hụt ngân sách và nợ công với mục tiêu là thu hẹp xuống còn 4,5% GDP trong năm 2012 so với 5,2% của năm 2011... Theo kế hoạch, ông Francois Hollande sẽ nhậm chức Tổng thống vào cuối tháng 5.

Nhân dịp ông Francois Hollande được bầu làm Tổng thống Pháp, ngày 7/5, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã gửi điện chúc mừng tới ông Francois Hollande.         

Tổng thống mới đắc cử Francois Hollande sinh ngày 12/8/1954, có cha là bác sỹ, tại thành phố tây bắc Rouen của nước Pháp. Từ thời sinh viên ông đã hoạt động chính trị sôi nổi, tham gia đảng Xã hội năm 1979 và từng làm cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Francois Mitterrand. Ông trở thành nghị sĩ năm 1988, đại diện cho khu vực Correze miền trung nam. Sau đó, ông trở thành lãnh đạo đảng Xã hội năm 1997, thay thế ông Lionel Jospin và đảm nhiệm vị trí này trong hơn 1 thập kỷ. Ông từng là Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp từ năm 1997, là Thị trưởng Tulle từ năm 2001 đến năm 2008, Chủ tịch Hội đồng Corrèze từ năm 2008.

Phan Hiển
.
.
.