OPEC họp khẩn cấp để bình ổn giá dầu

Thứ Hai, 23/06/2008, 08:42

Hội nghị các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ nhằm thảo luận các biện pháp kiểm soát giá dầu tăng cao đã diễn ra hôm 22/6 tại thành phố Jedda của Arab Saudi. Bộ trưởng của hơn 30 quốc gia xuất khẩu và tiêu thụ dầu mỏ đã tới dự hội nghị không nằm trong dự kiến.

Đây là cuộc họp khẩn, không nằm trong dự kiến của cả các nước thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lẫn các nước tiêu thụ dầu. Do đó thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hơn nữa, việc giá dầu tăng gần 11 USD trong một ngày, lên gần 140 USD/thùng cũng là dấu hiệu bất thường khiến tất cả các nước sản xuất và tiêu thụ dầu phải quan tâm.

Ngoài ra, trước cuộc họp này Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait từng tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác dầu cho dù OPEC chưa nhóm họp. Theo giới truyền thông, Arab Saudi dự kiến sẽ tăng sản lượng lên 9,7 triệu thùng/ngày kể từ 1/7 tới và sẽ tăng lên 12,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Nhờ thông tin này nên giá dầu đã giảm nhẹ trong vài ngày qua. Ngoài ra, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait cũng đang xem xét việc tăng sản lượng, nhưng con số cụ thể vẫn chưa được công bố.

Tham dự cuộc họp lần này ngoài Bộ trưởng dầu mỏ các nước OPEC, còn có Chủ tịch, Giám đốc các tập đoàn và hãng dầu lớn trên thế giới. Điều này cho thấy, giá dầu tăng đã và đang khiến cho cả thế giới phải quan tâm. Giá dầu tăng cao không những đe dọa tới sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu, mà còn gây bất ổn tại nhiều quốc gia bởi hàng trăm cuộc biểu tình phản đối đã và đang diễn ra trên khắp thế giới. Tuy nhiên, OPEC vẫn cho rằng, giá dầu tăng cao là do đầu cơ, đồng USD yếu và sự bất ổn chính trị tại nhiều nước có tiềm năng về dầu chứ không phải là do nguồn cung thiếu.

Việc vắng mặt đại diện Venezuela không khiến cho cuộc họp bớt đi phần căng thẳng và phức tạp. Cách đây mấy hôm (18/6), Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez tuyên bố, OPEC không cần phải nhóm họp trước thời gian ấn định (tháng 9) chỉ để thảo luận về giá dầu.

Ông Rafael Ramirez cũng nhấn mạnh, Venezuela sẽ có quyết định về sản lượng trong khuôn khổ OPEC, nhưng hiện tại nước này cho rằng không cần thiết phải tăng sản lượng. Theo giới truyền thông, Venezuela không có kế hoạch tăng sản lượng dầu, chỉ có ý định thay đổi theo một thỏa thuận trong OPEC về sản lượng.

Trách nhiệm của những nước tiêu thụ?

Trước khi hội nghị này diễn ra 2 ngày, lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng đã nhóm họp tại Brusslls, Bỉ để thảo luận về những giải pháp nhằm làm giảm cơn sốt giá dầu. Một số quốc gia châu Âu cho rằng, muốn bình ổn tình trạng giá nhiên liệu tăng cao cần phải thông qua một chính sách thuế hợp lý như giảm thuế xăng dầu nhằm giúp đỡ, hỗ trợ những ngư dân, tài xế xe tải, chủ trang trại… Nhưng nhiều nước lại cho rằng, giải pháp thuế sẽ làm cản trở những thay đổi cần thiết phù hợp với tình hình thị trường biến động.

Phát biểu ở hội nghị đang diễn ra tại thành phố Jedda, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Samuel Bodman cho rằng, những quốc gia đang phát triển cần có trách nhiệm trong việc "tiêu thụ và trợ giá" dầu mỏ. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng Samuel Bodman không khiến dư luận quan tâm bởi ngay trong nước Mỹ, vấn đề khai thác dầu cũng không được giải quyết.

Trong bài diễn văn đọc trước Đài tiếng nói Hoa Kỳ hôm 21/6, Tổng thống Bush tiếp tục kêu gọi Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên bên ngoài thềm lục địa vốn kéo dài hàng thập niên. Tổng thống Bush muốn dỡ bỏ lệnh cấm để giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu - lệnh cấm đã lạc hậu và gây bất lợi cho kinh tế Mỹ. Được biết, những cuộc tranh cãi (từ 1982) về khoan khai thác dầu ngoài khơi tập trung chủ yếu vào chủ đề cho thuê các vùng nước của Chính phủ để thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt. Lệnh cấm khai thác có hiệu lực đến năm 2012.

Nhiều nhà kinh tế nhận định, kinh tế toàn cầu đang bất ổn bởi giá dầu leo thang. Theo thống kê của Hiệp hội Giao thông hàng không Mỹ, họ có thể mất tới 10 tỷ USD trong năm 2008. Đây là con số thiệt hại gần ngang với tổn thất lớn nhất trong lịch sử hàng không Mỹ cách đây 6 năm (2002). Và giá dầu tăng sẽ khiến cho ngành hàng không thế giới thiệt hại tới 61 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, đối phó với vấn đề này, mỗi quốc gia lại có cách riêng của mình. Chính phủ Ấn Độ đã phải chi tới 100 triệu USD/ngày để bù giá xăng dầu cho các công ty dầu khí hàng đầu. Chính phủ Hàn Quốc cũng vừa thông qua kế hoạch ngân sách bổ sung khoảng 4,4 tỷ USD nhằm giảm nhẹ gánh nặng do giá nhiên liệu tăng cao.

Nhưng Trung Quốc lại có cách làm khác. Kể từ ngày 20/6, Trung Quốc bắt đầu tăng giá xăng, dầu diezel, dầu máy bay. Đây là một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm điều chỉnh giá năng lượng đang gia tăng với tốc độ chóng mặt hiện nay trên thế giới.

Theo đó giá bán xăng và dầu diezel tăng thêm 1.000 NDT, khoảng 144,9 USD đối với một tấn thành phẩm. Còn giá xăng máy bay tăng 1.500 NDT/tấn. Điều này có nghĩa giá 1 lít xăng và dầu diezel tăng thêm 0,8 NDT và 0,92 NDT -1 lít xăng có giá bình quân 6,98 NDT, khoảng 19.500 đồng Việt Nam và 1 lít dầu diezel có giá bình quân 6,52 NDT, khoảng 18.200 đồng Việt Nam.

Theo Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia, thời gian qua giá dầu trên thế giới tăng mạnh nhưng Trung Quốc vẫn chưa điều chỉnh giá dầu thành phẩm trong nước và điều này khiến cho các doanh nghiệp chế biến và nhập khẩu xăng dầu thua lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp đã phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất.

Tuy nhiên, để tránh phản ứng dây chuyền do tác động của việc tăng giá xăng dầu, chính phủ sẽ trợ giá cho người nông dân trồng lương thực, ngành lâm ngư nghiệp, giao thông công cộng, và tăng trợ cấp cho những người có mức sinh hoạt phí tối thiểu. Đồng thời, không tăng giá gas, khí hóa lỏng và giá vé tàu hỏa

Quốc Trung
.
.
.