Nước Mỹ đã tránh được “cuộc chiến” ngân sách

Thứ Bảy, 13/12/2014, 09:35
Cụm từ này đã được báo giới Mỹ sử dụng đi sử dụng lại trong các thông tin đăng tải ngày 12/12. Nguyên do là vì trước đó (đêm 11/12), Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã thông qua khoản ngân sách 1.100 tỷ USD để tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ. Với việc cho phép một số cơ quan chính phủ sẽ nhận khoản chi tiêu khẩn cấp, đảng Cộng hòa đang kỳ vọng có thể gây sức ép làm thay đổi kế hoạch của Tổng thống Barack Obama khi Quốc hội mới nhóm họp vào đầu năm 2015.

Vào những ngày cuối năm 2014, mâu thuẫn giữa Chính phủ và Quốc hội, Nhà Trắng và đảng Cộng hòa đang có vẻ được giảm bớt. Bằng chứng là vào đêm 11/12, rạng sáng 12/12, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật về chi tiêu ngân sách tài khóa 2015 với 219 phiếu thuận và 206 phiếu chống. Điều này cũng có nghĩa là vài giờ trước khi kế hoạch chi tiêu tạm thời hết hạn, chính phủ liên bang ở Mỹ đã được “cứu” bằng khoản ngân sách trị giá 1.100 tỷ USD. Số tiền này được chi cho phần lớn các cơ quan liên bang tới ngày 30/9/2015.

Thành viên Hạ viện rời trụ sở Quốc hội sau cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách 1.100 tỷ USD hôm 11/12. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Barack Obama đã ngay lập tức ủng hộ kế hoạch này và đang thúc giục Thượng viện bỏ phiếu thông qua. Tuy nhiên, rắc rối lại xảy ra bởi lẽ hiện giờ, mâu thuẫn không bùng nổ giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa nữa, mà là trong nội bộ đảng Dân chủ. Cụ thể là bất chấp việc Tổng thống Barack Oabma và Phó Tổng thống Joe Biden cùng các quan chức chóp bu khác của Nhà Trắng đã phải mở chiến dịch vận động hành lang để các hạ nghị sĩ trong đảng Dân chủ ủng hộ “kế hoạch còn nhiều khiếm khuyết” này. Toàn bộ hạ nghị sĩ trong đảng Dân chủ cùng 16 hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa vẫn bỏ phiếu chống lại dự luật. Thậm chí, hạ nghị sĩ Nancy Pelosi còn kêu gọi các đồng nghiệp ngăn chặn dự luật này và yêu cầu đảng Cộng hòa loại bỏ 2 điều khoản là sự ưu đãi dành cho ngành tài chính - ngân hàng và cho phép người giàu được tăng đóng góp tài chính cho bầu cử. Cho đến chiều 12/12, lãnh đạo Thượng viện đã tuyên bố gia hạn thêm 2 ngày kế hoạch chi tiêu ngân sách tạm thời để xem xét dự luật mà đảng Cộng hòa đề xuất.

Theo các nhà phân tích, việc Hạ viện thông qua ngân sách 1.100 tỷ USD đã tạm thời giúp các cơ quan chính phủ liên bang thoát khỏi nguy cơ bị đóng cửa như đã từng xảy ra cách đây gần hai năm. Song, dự luật này quả thực là một phép thử đối với Tổng thống Barack Obama bởi lẽ, trong kế hoạch chi tiêu ngân sách được thỏa thuận, có 5 tỷ USD tăng thêm cho chương trình chống dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, nhưng lại giảm bớt ngân sách chi tiêu cho Cơ quan bảo vệ môi trường, nới rộng một số quy định trong luật năm 2010 về quản lý ngành tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, yêu cầu tăng ngân sách nhằm tăng cường an ninh dọc biên giới Mỹ trong thời gian tới của Tổng thống Barack Obama chưa được thông qua. Nghĩa là, trong khoản ngân sách 1.100 tỷ USD này, Bộ An ninh nội địa chỉ được cấp tiền hoạt động đến ngày 28/2/2015, một cách để đảng Cộng hòa tạo cớ nhằm ngăn cản những cải cách nhập cư mà Tổng thống Barack Obama vừa đưa ra trước đó. Bởi lẽ, vào năm 2015, khi Quốc hội mới khóa 114 nhóm họp, đảng Cộng hòa đã nắm được quyền kiểm soát cả lưỡng viện và có thể gây sức ép mạnh mẽ hơn đối với Tổng thống Barack Obama về vấn đề nhập cư.

Để củng cố thêm quyền lực cho Tổng thống trước những nguy cơ mới khi Quốc hội khóa 113 kết thúc cuộc họp cuối cùng, hôm 11/12, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã nhanh chóng biểu quyết dự luật trao quyền sử dụng quân đội, quyền chiến tranh cho Tổng thống Barack Obama trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Căn cứ theo yêu cầu của Tổng thống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã thông qua dự luật cho phép Tổng thống sử dụng lực lượng quân đội chống lại IS cũng như các cá nhân và thế lực tiến hành các hoạt động chống đối với danh nghĩa của IS. Dự luật cũng cho phép sử dụng lực lượng quân đội trong các trường hợp cần thiết như bảo vệ hoặc giải cứu lính Mỹ, công dân Mỹ, các chiến dịch tình báo, dẫn đường cho các vụ không kích, các kế hoạch tác chiến hoặc các hình thức quân sự khác như cố vấn và hỗ trợ. Đồng thời, Thượng viện Mỹ chính thức thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng 577 tỉ USD cho năm tài khoá 2015. Trong số tiền này, 495,5 tỉ USD sẽ được dành cho các chương trình nền tảng tại Bộ Quốc phòng Mỹ, 63,7 tỉ USD là ngân sách cho các hoạt động chống khủng bố ở nước ngoài và 17,5 tỉ USD sẽ dành cho các chương trình an ninh quốc gia tại Bộ Năng lượng và Cơ quan an toàn quốc phòng hạt nhân Mỹ.


Gia Nam
.
.
.