Nước Anh bị kiện vì tham gia chương trình nghe lén của Mỹ

Thứ Năm, 27/06/2013, 15:05
Không những nhận được chỉ trích mạnh mẽ từ các quốc gia láng giềng là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Anh còn đang đối mặt với nguy cơ bị kiện sau khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden hé lộ rằng, Cơ quan liên lạc Chính phủ Anh (GCHQ) tham gia vào chương trình nghe lén PRISM của Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch hãng AP Gary Pruitt cảnh báo, Washington sẽ không thể kiểm soát được “dòng chảy thông tin vô tận” mà Edward Snowden sẽ cung cấp cho báo giới về các chương trình tình báo bí mật của cả Mỹ và Anh.
>> Mỹ với chiến dịch truy lùng Edward Snowden

Gây áp lực nhiều nhất với Anh hiện nay là Đức. Tin từ hãng Telegraph cho hay, hôm 25/6, Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger đã gửi hai bức thư tới Bộ trưởng Tư pháp Anh Chris Grayling và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, yêu cầu hai người này giải trình cụ thể về chương trình do thám có mật danh Tempora mà GCHQ đã thực hiện trong vòng 18 tháng qua và rằng, các công dân Đức có trở thành mục tiêu do thám hay không.

Chưa hết, Bộ trưởng Sabine Leutheusser-Schnarrenberger còn cảnh báo rằng, hành động này xâm phạm nghiêm trọng những quy định của EU. Gọi chương trình Tempora giống như “cơn ác mộng Hollywood”, Bộ trưởng Tư pháp Đức đã đề nghị Anh cung cấp thông tin về việc ai cấp phép cho chương trình này và trách nhiệm xử lý khi có tình huống xấu xảy ra thuộc về đâu.

Trủ sở Cơ quan liên lạc Chính phủ Anh (GCHQ).

Đồng thời, bà Sabine Leutheusser-Schnarrenberger cũng yêu cầu Anh gửi trả lại Đức những thông tin đã thu thập được và khẳng định sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận trong cuộc họp cấp Bộ trưởng của EU. Nhiều chính trị gia Anh lo ngại, sau “phát súng đầu tiên” từ Đức, sẽ có thêm nhiều quốc gia khác trong EU phản đối chính quyền London về vấn đề này.

Còn theo thông tin do tờ Guardian cung cấp, với chương trình Tempora, GCHQ đã xâm nhập vào mạng lưới 200 đường dây cáp quang quốc tế nối từ Anh đến Bắc Mỹ để nghe lén các cuộc điện thoại và theo dõi hoạt động liên lạc trên Internet. Các dữ liệu này được GCHQ thu thập và lưu trữ trong vòng 30 ngày. Khoảng 500 chuyên viên của GCHQ và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) xử lý khối lượng tin tình báo này hằng ngày.

Điều này có nghĩa là chương trình Tempora là một phần trong chương trình PRISM của Mỹ. Tờ Guardian cũng khẳng định, NSA và GCHQ đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều thập kỷ qua, cùng chia sẻ thông tin tình báo theo một thỏa thuận có tên UKUSA. Ngoài ra, NSA và GCHQ còn hợp tác với các cơ quan tình báo Canada, Australia, New Zealand theo một thỏa thuận có tên Liên minh Năm con mắt được hình thành từ sau chiến tranh thế giới lần 2.

Cho đến chiều 26/6, Bộ Nội vụ Anh vẫn từ chối bình luận về thông tin nói trên, còn Bộ Tư pháp Anh khẳng định sẽ trả lời bức thư theo đúng trình tự. Phát biểu tại thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở thung lũng Simi, bang California trong chuyến thăm Mỹ, Ngoại trưởng Anh William Hague  khẳng định, GCHQ luôn tuân thủ luật pháp Anh khi thu thập dữ liệu tình báo. Trong khi đó, người phát ngôn GCHQ từ chối bình luận về thông tin trên tờ Guardian.

Nhưng một nguồn tin từ cơ quan tình báo MI5 của Anh cho biết, chương trình Tempora thực chất được kích hoạt từ năm 2009 dựa trên cái gọi là Những quy định trong quyền điều tra 2000 (RIPA). Nguồn thông tin này cũng khẳng định, không những cung cấp cho NSA 35 triệu gigabytes dữ liệu mỗi ngày, chương trình Tempora còn được GCHQ dùng để hỗ trợ cảnh sát khi cần thiết, nhất là trong trường hợp truy đuổi một mục tiêu quan trọng nào đó.

Theo các nhà quan sát, sau những thông tin mới nhất này, chính quyền Thủ tướng Anh David Cameron sẽ còn phải chịu thêm nhiều áp lực và sức ép mới. Người ta cũng không loại trừ khả năng, chính quyền London sẽ bị các quốc gia và các tổ chức nhân quyền, các nhà hoạt động xã hội kiện vì xâm phạm quyền riêng tư, một trong những quy định quan trọng trong EU.

Hồi giữa tháng 6, hãng Apple, Facebook, Google, Microsoft, YouTube, Yahoo, Skype và CEO của các hãng này cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị kiện vi phạm quyền riêng tư vì tham gia hoặc ủng hộ chương trình PRISM của NSA

Phan Hiển
.
.
.