Núi lửa lại phun trào ở Indonesia

Thứ Sáu, 05/11/2010, 09:58
Chưa hoàn hồn sau "cơn thịnh nộ" của núi lửa Merapi, chiều tối 3/11 và sáng 4/11, người dân Indonesia lại một phen kinh hoàng khi ngọn núi này tiếp tục những đợt phun trào mới. Những cột khói đen bốc lên cao kèm theo những tiếng nổ lớn khiến phụ nữ, trẻ em ở những làng xung quanh núi hoảng sợ, la hét. Tình trạng hỗn loạn xảy ra khắp nơi.

Khu vực quanh núi lửa Merapi bị bao phủ bởi một lớp tro bụi màu xám. Từ những trại sơ tán cách núi lửa vài km người ta vẫn nghe thấy những tiếng nổ. Các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải về những diễn biến ở núi lửa Merapi thời gian qua. Các kết quả kiểm tra cho thấy, đợt phun trào sáng 4/11 mạnh hơn rất nhiều so với 4 đợt phun trào khác và kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Vì vậy, nhiều người lo ngại rằng, tình hình núi lửa Merapi phun trào ở Indonesia còn diễn biến phức tạp và khó lường.

Một nhà chuyên nghiên cứu về núi lửa ở Indonesia tên là Surono nói: "Tình hình càng trở nên trầm trọng. Ngọn núi lửa Merapi đã phun trào hàng tuần mà không có dấu hiệu suy giảm. Dòng nham thạch đổ ra ngày càng gây tác hại mạnh tới môi trường. Chúng tôi chưa thể đưa ra lời giải thích hợp lý về những gì đang xảy ra". Theo ghi nhận của một số phóng viên có mặt tại hiện trường, ngọn núi lửa cao 2.914m này đã phun nham thạch cùng những cột mây tro bụi khổng lồ và khói nóng bốc cao hàng trăm mét. Chính quyền địa phương đã mở rộng giới hạn khu vực nguy hiểm xung quanh núi lửa Merapi lên 15km. Khoảng 75.000 cư dân phải sơ tán khẩn cấp.

Núi lửa Merapi phun trào gây kinh hoàng ở Indonesia, tạo nên những lớp khói đen dày đặc trên bầu trời và tro bụi màu xám dưới mặt đất. Ảnh: Reuters.

Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi núi lửa Merapi thức giấc, hơn 40 người đã thiệt mạng. Một số nhà phân tích đang lo ngại thảm kịch năm 1994 khiến 60 người thiệt mạng khi núi lửa phun trào ở Indonesia có thể lặp lại. Trước đó, hồi năm 1930, hàng chục ngôi làng đã bị thiêu cháy và 1.300 người thiệt mạng khi núi lửa Merapi chuyển động.

Trong lúc này, chính phủ Indonesia đã huy động cả quân đội và cảnh sát vào việc giúp đỡ người dân sơ tán. Nhiều xe hạng nặng phục vụ trong quân đội đã được trưng dụng để giúp vận chuyển dân làng nhằm tránh khả năng bụi núi lửa, đất, đá bị phun lên trời có thể rơi vào đầu dân chúng khi họ đang trên đường sơ tán. Nhiều chốt kiểm tra đã được thành lập. Những nhà khoa học hàng đầu Indonesia trong lĩnh vực núi lửa và địa chất cũng đã được tập hợp nhằm cùng tìm ra giải pháp hạn chế thiệt hại từ núi lửa Merapi.

Indonesia cũng đã buộc phải đóng cửa sân bay và đang nghiên cứu tạm dừng một loạt chuyến bay sau khi có sự cố máy bay của hãng hàng không Qantas bốc cháy và phải hạ cánh khẩn cấp ở Indonesia. Dù chưa có kết luận cụ thể về sự liên quan giữa việc động cơ của chiếc Airbus A380 gặp trục trặc và  việc núi lửa phun trào dữ dội, nhưng theo giới chức Indonesia, mọi khả năng đều có thể xảy ra.

Được biết, chiếc máy bay 2 tầng, chở 433 hành khách và 26 thành viên phi hành đoàn, cất cánh từ Singapore để tới Sydney, Australia thì gặp trục trặc về động cơ khi đang bay qua bầu trời Indonesia. Các mảnh vỡ của máy bay đã được tìm thấy trên đảo Batam của Indonesia sau vụ nổ giữa không trung.

Hãng AP dẫn lời ông Syamsul Rizalcho, một chuyên gia núi lửa của Chính phủ cho hay, Indonesia đã nâng mức cảnh báo đối với 129 núi lửa khác, trong đó hai ngọn núi có khả năng phun trào trong hai tuần tới và 19 núi đang rung chuyển ngày càng mạnh. Nhà địa vật lý của Đại học Iceland nhận định, việc 22 núi lửa hoạt động âm ỉ cùng lúc hiện nay cho thấy hoạt động địa chất ở Indonesia đang gia tăng và các núi lửa phun trào tác động tới nhau

Sông Thương
.
.
.