Chuyến công du 4 nước Đông Nam Á của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị:

“Nóng” vấn đề biển Đông

Thứ Sáu, 03/05/2013, 08:49
Việc Washington có phản ứng sau chỉ trích của ông Thôi Thiên Khải, tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ về phản ứng trước phát biểu hôm 29/4 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel diễn ra đúng thời điểm tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến công du tới Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei (từ 1 đến 6/5) khiến dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có vấn đề biển Đông.
>> Tìm giải pháp tối ưu cho tranh chấp biển đảo

Từ khẩu chiến Mỹ - Trung - Nhật

Ngày 1/5 (theo giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phản ứng sau phát ngôn của tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải xung quanh tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Theo đó, Mỹ mong các bên hữu quan tránh áp dụng những hành động làm cho tình hình căng thẳng.

Trước đó (chiều 30/4), ông Thôi Thiên Khải đã phản ứng trước phát biểu hôm 29/4 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ông Chuck Hagel nhấn mạnh: Tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là thách thức an ninh lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên cần giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan và Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, do đó Washington sẽ can thiệp nếu ai đó đơn phương làm suy yếu quyền kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo này.

Điều đáng nói là tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cho rằng, thực tế không có chuyện Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey phát ngôn: Mỹ sẽ can thiệp vào Senkaku/Điếu Ngư nếu ai đó động binh hoặc Washington có trách nhiệm bảo vệ Tokyo khi xảy ra xung đột tại quần đảo này như ông Chuck Hagel đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm 29/4. Trong khi đó, ông Itsunori Onodera khẳng định, Senkaku/Điếu Ngư thuộc chủ quyền Nhật Bản và Tokyo quyết bảo vệ quần đảo này.

Trước đó (28/4), Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi làm mới "hy vọng và quyết tâm" trong buổi lễ đánh dấu ngày phục hồi chủ quyền của nước này sau chiến tranh. Những động thái kể trên diễn ra sau tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi lần đầu tiên bà Hoa Xuân Doanh (Oánh) nhấn mạnh: Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là "lợi ích cốt lõi" và điều này cho thấy, Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trong tranh chấp biển Hoa Đông với Tokyo.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

Dư luận và giới chuyên môn quân tâm tới thông tin của tuần báo Defense News, Mỹ số ra ngày 29/4 cho biết, Trung tâm Nghiên cứu quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng quốc gia (Mỹ) vừa công bố báo cáo với tựa đề “Giới hạn chịu đựng của Trung Quốc: Tín hiệu đe dọa và trả đũa của Trung Quốc và những ẩn ý trong đối đầu quân sự Trung - Mỹ” của 2 tác giả Paul H.B. Godwin và Alice L. Miller. Trong đó nhấn mạnh tới 4 tín hiệu đáng quan tâm của Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ công khai kết hợp các hành động ngoại giao, chính trị với chuẩn bị quân sự. Thứ hai, Trung Quốc sẽ khẳng định tại sao sử dụng quân đội là hợp lý. Thứ ba, Trung Quốc sẽ tuyên bố sử dụng vũ lực không phải là giải pháp ưu tiên, nhưng buộc phải làm nếu đối phương phớt lờ cảnh báo của Bắc Kinh. Thứ tư, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh không nên xem sự chịu đựng và kiềm chế của Trung Quốc là yếu hèn và Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự nếu cần thiết.

Tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN

Vì chuyến công du 4 nước Đông Nam Á của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh ASEAN vừa hoàn tất hội nghị cấp cao tại Brunei và đạt được đồng thuận về việc thống nhất đàm phán với Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) nên dư luận đặc biệt quan tâm.

Ngày 2/5, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng xuất bản tại Hongkong cho rằng, Ngoại trưởng Vương Nghị đang “lobby” Thái Lan hỗ trợ Bắc Kinh xung quanh vấn đề biển Đông sau khi tới Bangkok, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước ASEAN của mình. Trong cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm 1/5, ông Vương Nghị tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo: Chỉ muốn thương lượng tay đôi với từng nước có tranh chấp ở biển Đông thay vì đưa vấn đề này ra ASEAN.

Ngày 30/4, tờ Asia Times (Thái Lan) đăng bài nhận định: ASEAN đã khởi động lại vấn đề biển Đông và Trung Quốc không muốn đẩy ASEAN về phía các cường quốc khác trong khu vực. Trước đó (27/4), Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkaew thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã đồng ý họp kín để thống nhất lập trường về tranh chấp biển Đông trước cuộc gặp với Trung Quốc dự kiến vào tháng 8 để đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Ông Sihasak Phuangketkaew nhấn mạnh, ASEAN không có ý định đối đầu với Trung Quốc, nhưng phải có lập trường chung để giữ mối quan hệ mang tính xây dựng. Giới học giả Đài Loan cho rằng, chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị nhằm khẳng định cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở biển Đông. Bởi biển Đông có giá trị chiến lược trọng yếu về địa - chính trị và địa - kinh tế,cùng nguồn dầu khí lớn tại khu vực này.

Theo chuyên gia nghiên cứu biển Đông của Viện Nghiên cứu Đài Loan Tống Yến Huy, ông Vương Nghị tới 4 quốc gia ASEAN nhằm phân hóa ASEAN và gia tăng áp lực đối với Philippines - muốn Manila phải rút đơn kiện đối với “đường lưỡi bò” phi pháp và các hành động leo thang gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.

Trong khi đó, nhà bình luận thời sự Hongkong Hà Lượng Lượng cho rằng, chuyến công du 4 nước ASEAN của ông Vương Nghị nhằm phân hóa ASEAN trong vấn đề biển Đông, cũng như chống lại những nỗ lực của các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp tại khu vực này thông qua con đường hòa bình, đối thoại giữa ASEAN với Trung Quốc

Tân Hồng - Tiên Du
.
.
.