Giải quyết khủng hoảng chính trị tại Ukraine:

Nóng bỏng trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea

Thứ Bảy, 15/03/2014, 10:52
Trước kế hoạch trưng cầu dân ý ngày 16/3 tới liên quan tới việc Crimea (Ukraine) sáp nhập vào Liên bang Nga, ngày 13/3 Mỹ đã đệ trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi các nước không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý này. Cùng ngày, tại phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đáp trả Nga bằng một loạt cái gọi là "những bước đi nghiêm trọng”.

Mỹ và đồng minh liên tục gây sức ép

Theo hãng tin Reuters, phát biểu trước báo giới sau cuộc họp 15 nước thành viên HĐBA LHQ, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samantha Power cho biết: “Nghị quyết trên sẽ hỗ trợ HĐBA hành động khi cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine một cách hòa bình, đảm bảo an ninh và hòa bình thế giới”.

Còn ông J. Kerry, trước khi diễn ra cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ngày 14/3, cho biết sẽ “gửi tới Ngoại trưởng Nga một số lựa chọn phù hợp” theo hướng vừa đảm bảo tôn trọng chủ quyền Ukraine, tuân thủ luật pháp quốc tế và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan. Nghị viện châu Âu (EP) thì liên tục giục EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga "trong thời gian sớm nhất".

Trong khi đó, nhóm G7 cũng đưa ra tuyên bố khẳng định mọi cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sáp nhập vào Nga đều không có hiệu lực pháp lý vì sẽ vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các hiệp định mà Nga đã ký kết với Ukraine trước đây, đồng thời kêu gọi Moskva ngừng ngay mọi sự ủng hộ đối với các nỗ lực thay đổi quy chế của Crimea. Cũng giống như Mỹ, G7 “đe dọa” sẽ “có thêm hành động đơn phương hoặc tập thể” nếu Moskva không đàm phán trực tiếp với Kiev để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.

Cũng trong ngày 13/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tuyên bố sẽ tạm ngưng các hoạt động liên quan đến quá trình Nga gia nhập OECD để tăng cường hợp tác với Ukraine. Còn Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk, trước HĐBA cũng lên tiếng chỉ trích Nga vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và cho rằng, Nga đang cố “chia Ukraine làm hai phần”. Trong khi đó tại châu Á, theo hãng tin Kyodo, cũng trong ngày 13/3, nghị sỹ đối lập cấp cao, cựu Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản, Seiji Maehara đã hối thúc Thủ tướng Shinzo Abe áp đặt trừng phạt Nga liên quan tới tình hình ở Ukraine.

Moskva hoàn toàn không muốn chiến tranh xảy ra cũng như không muốn tình hình tại Ukraine trầm trọng hơn.

Trước những sức ép như vậy, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin ngày 14/3 cho biết, trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani về tình hình Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, mọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine đều phải tính đến các lợi ích và nguyện vọng của người dân trên tất cả các khu vực thuộc lãnh thổ các nước thuộc Liên Xô trước đây.

Trước đó, tại cuộc họp của HĐBA LHQ có sự góp mặt của Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin khẳng định, Nga không muốn gây chiến tranh cũng như không muốn tình hình tại Ukraine trở nên căng thẳng hơn. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matvienko cũng nhấn mạnh, các vấn đề tại Ukraine không thể được giải quyết mà không có sự tham gia của Nga, ngoài lý do hai nước có chung đường biên giới dài 2.000km, còn có những cam kết quốc tế mà Nga có trách nhiệm thực hiện theo những thỏa thuận sau khi Liên Xô tan rã.

Bên cạnh đó, mặc dù OECD đã tuyên bố đình chỉ các hoạt động liên quan đến quá trình Nga tham gia vào tổ chức này nhưng Nga vẫn khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các công tác trong nước liên quan đến quá trình này, tuy nhiên, do ý thức được rằng, quyết định cho phép gia nhập OECD còn tùy thuộc vào quan điểm của các nước thành viên nên Nga chưa bao giờ đặt ra các thời hạn cho việc này. Nga cũng ủng hộ OSCE triển khai một phái bộ giám sát tới Crimea trong thời gian diễn ra cuộc trưng cầu ý dân và điều này nhận được hoan nghênh của các nhà lãnh đạo OSCE.

Ý nguyện của người dân Crimea

Cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân lần này được xem là cơ hội để người dân Crimea có thể đưa ra quyết định là liệu Crimea có muốn trở thành một bộ phận của nước Nga hay không. Theo ông, Alexander Dromashko, người đứng đầu Ủy ban bầu cử quận Lenin, thành phố Sevastopol, khoảng 97% người dân sẽ tham gia bỏ phiếu. Họ sẽ phải trả lời 2 câu hỏi: “Bạn có ủng hộ việc sáp nhập Crimea với Nga như một bộ phận của Liên bang Nga hay không?" và "Bạn có ủng hộ hiến pháp 1992 cũng như ủng hộ quy chế Crimea là một bộ phận của Ukraine hay không?". Tính tới thời điểm này, về cơ bản, các điểm bỏ phiếu đã hoàn tất.

Trong một tuyên bố ngày 13/3, nhà lãnh đạo mới được chỉ định của Cộng hòa tự trị Crimea, ông Sergei Aksyonov nhấn mạnh sẽ đảm bảo cho cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea diễn ra minh bạch và công bằng.

Theo đó, Crimea sẽ cho mời các quan sát viên của nhiều nước trên thế giới như: Israel, Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Hungary, Czech… tới để tham gia giám sát bầu cử.

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời người đứng đầu trung tâm báo chí ở Crimea, Margarita Bereznaia ngày 14/3 cho biết, đại diện của hơn 100 hãng truyền thông từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về nước cộng hòa tự trị của Ukraine này. Họ là các phóng viên đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Mỹ và Anh

Hà Khổng
.
.
.