Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên:

Nối lại đàm phán để tránh nguy cơ đối đầu quân sự

Thứ Hai, 24/08/2015, 08:25
Quan chức cấp cao hai nước Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã nối lại cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Seoul đã cáo buộc Bình Nhưỡng làm xói mòn tiến trình này khi tiếp tục các hoạt động trên biển và trên bộ.

Theo tờ Yonhap, trong khi hai bên đang đàm phán, thì CHDCND Triều Tiên đã tăng gấp đôi các đơn vị pháo binh tại khu vực biên giới và triển khai 50 tàu ngầm ở bên ngoài căn cứ của họ. 

Một quan chức quân đội Hàn Quốc giấu tên cho biết, việc Bình Nhưỡng điều động tàu ngầm với số lượng lớn như vậy vào thời điểm căng thẳng hiện nay là “hành động chưa từng có tiền lệ”, đồng thời nhấn mạnh “Seoul và Washington đang tăng cường giám sát để sẵn sàng đưa ra hành động đáp trả”: “Bên cạnh việc đảm bảo quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi cũng sẵn sàng đáp trả bất kỳ hình thức gây hấn nào của CHDCND Triều Tiên”. 

Thực tế cho thấy, trước tuyên bố này, hôm 22/8 bốn phi cơ F16 của quân đội Mỹ cùng bốn chiếc F-15K của quân đội Hàn Quốc đã cùng nhau cất cánh “để thể hiện sức mạnh của không quân” hai nước này. 

Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cáo buộc “những hành động khiêu khích” của CHDCND Triều Tiên chỉ làm gia tăng căng thẳng. “Những loại hành động khiêu khích chỉ làm căng thẳng leo thang. Chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế hành vi và lời lẽ đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”, ông John Kirby tuyên bố giới chức Mỹ đang giám sát chặt chẽ tình hình. 

Cuộc đàm phán cấp cao giữa hai miền Triều Tiên mới được nối lại. Ảnh: Reuters.

Về phần mình, ngay trước khi cuộc đàm phán được nối lại, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn nguồn từ một bài báo trên tờ Rodong Sinmun tuyên bố các kẻ thù của nước này sẽ bị tiêu diệt chỉ trong một trận nếu vẫn còn diễn ra những hành động thù địch. Theo KCNA, Bình Nhưỡng đã có phương án đối phó với bất cứ loại hình chiến tranh nào mà đối thủ đã xây dựng kế hoạch tác chiến và chỉ trong một trận chiến sẽ “loại bỏ hoàn toàn nguy cơ và căn nguyên chiến tranh để mang lại hòa bình”.

Mặc dù tình hình đang diễn ra hết sức căng thẳng, nhưng theo dự đoán của giới chuyên gia, chiến sự giữa hai miền Triều Tiên sẽ không xảy ra. 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhận định: “Thậm chí, nếu khi nào đó hai bên bắn nhau vài phát đạn qua biên giới cũng không có gì căng thẳng. Chỉ cần phát động chiến tranh, chưa cần biết ai, Bình Nhưỡng hay Seoul sẽ bị tàn phá, mà ngay nội bộ Triều Tiên sẽ có những xáo trộn trước”. 

Việc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán là cách để tháo ngòi căng thẳng. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhận xét: “Tình hình trên bán đảo Triều Tiên còn nhùng nhằng như thế này nữa, không thể giải quyết triệt để được. Sau đàm phán, tình hình sẽ ổn định trở lại, Hàn Quốc sẽ tiếp tục viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên và hai bên sẽ nối lại các vòng đàm phán về khu công nghiệp chung Kaesong”. 

Đồng quan điểm, PGS Hà Mỹ Hương, chuyên gia từng làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dự đoán rằng, xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ không xảy ra nếu đàm phán giữa hai bên thất bại. PGS Hà Mỹ Hương cũng cho rằng, hai miền Triều Tiên sẽ khó đạt được một sự thỏa hiệp vì không bên nào muốn “mất mặt”. Trong khi Hàn Quốc tuyên bố chỉ dừng chương trình tuyên truyền chống CHDCND Triều Tiên qua hệ thống loa nếu Bình Nhưỡng nhận trách nhiệm và xin lỗi về vụ nổ mìn trong khu phi quân sự khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương, thì giới chức CHDCND Triều Tiên khẳng định họ không cài mìn. 

Nhà phân tích Ken Gause nhấn mạnh: “Nếu Hàn Quốc một mực yêu cầu xin lỗi thì tôi cho rằng cơ hội đạt thỏa thuận không cao”. Còn ông Yang Moo-Jin, Giáo sư của Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên thì đưa ra bình luận: “Việc đạt được thỏa hiệp thực sự là một điều rất khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là họ đã nhất trí tiếp tục gặp mặt và thương lượng. Ngoài những thảo luận về cách để đưa hai miền thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, cả hai bên còn đề cập đến cách để phát triển mối quan hệ liên Triều trong tương lai. Đây là tin tốt lành”.

Về phía cộng đồng quốc tế, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 22/8 đã bày tỏ hoan nghênh cuộc đối thoại cấp cao giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, khuyến khích “cả 2 bên sử dụng cuộc thảo luận được nối lại này để mở đường cho việc xoa dịu tình hình” trong khu vực. 

Đại sứ Trung Quốc tại Seoul Qiu Guohong thì kêu gọi hai miền Triều Tiên kiềm chế và tìm cách giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Ông Qui Gouhong đồng thời nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh: “Chúng tôi phản đối mọi hành động khiêu khích đơn phương từ bất cứ phía nào. Chúng tôi mong muốn CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc tự đàm phán, thương lượng để đạt được mục tiêu thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên”.

Vòng đàm phán cao cấp Hàn - Triều đầu tiên kéo dài trong 10 giờ, từ 18h30 ngày 22/8 tới 4h15 ngày 23/8 (giờ địa phương) nhưng không đạt kết quả. Hai bên đã thảo luận cách giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên cũng như phát triển mối quan hệ liên Triều. 

Tham gia đàm phán, về phía Hàn Quốc có Cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo, còn về phía CHDCND Triều Tiên có Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so và quan chức hàng đầu phụ trách các vấn đề Hàn Quốc Kim Yang-gon. 

Các cuộc đàm phán này đạt được ngay trước thời hạn chót mà CHDCND Triều Tiên đặt ra để Hàn Quốc chấm dứt hoạt động phát loa tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua biên giới là 17h (15h giờ Việt Nam) ngày 22/8.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.