Những ưu tiên của tân Tổng thống Indonesia

Thứ Tư, 22/10/2014, 08:31
Ngày 20/10, trước sự chứng kiến của 8 nguyên thủ quốc gia và đại diện các nước trên thế giới cùng toàn thể giới chức và nhân dân Indonesia, ông Joko Widodo đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 7 của quốc gia ngàn đảo này. Ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống Indonesia lần này không chỉ là các vấn đề trong nước với những kế hoạch cải cách thực chất, phù hợp với lòng dân mà còn có cả những vấn đề quốc tế đáng quan tâm, đặc biệt là an ninh ở khu vực biển Đông.

Trung gian hòa giải

Ngay sau lễ nhậm chức được bảo vệ bởi hàng chục ngàn cảnh sát tại thủ đô Jakarta, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với các nhà lãnh đạo thế giới. Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, không những nhấn mạnh những nỗ lực và hợp tác của hai bên trong việc đối phó với các hoạt động khủng bố và chiêu mộ tân binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ông Joko Widodo còn thẳng thắn đưa vấn đề biển Đông ra bàn thảo.

Việc bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực cũng được tân Tổng thống Indonesia trò chuyện với Thủ tướng Australia Tony Abbot. Cụ thể, Indonesia không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng có vùng đặc quyền kinh tế xung quanh đảo Natuna, có chồng lấn với yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Vì thế, ông Joko Widodo khẳng định, Jakarta và Bắc Kinh sẽ không có đụng độ trên Biển Đông và mọi mâu thuẫn, bức xúc đều phải được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong niềm vui ủng hộ của người dân ngày nhậm chức 20/10. Ảnh: AP.

Đồng thời, tân Tổng thống Indonesia cũng bày tỏ quan điểm rằng, các quốc gia có tranh chấp trên biển Đông phải có những hành xử đúng, tôn trọng pháp luật, thực thi theo đúng Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Nhắc lại việc sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải để giảm bớt căng thẳng tại biển Đông, ông Joko Widodo nói: “Cần phải luôn luôn tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và Indonesia sẵn sàng hỗ trợ việc hoàn tất COC giữa ASEAN-Trung Quốc. Được biết, trước khi chính thức nhậm chức Tổng thống, ông Joko Widodo cũng đã có nhiều phát biểu về vấn đề biển Đông trong đó khẳng định tầm quan trọng của đàm phán và hòa bình và việc xây dựng, thông qua COC. Được biết, trong nỗ lực kêu gọi các quốc gia ứng xử hòa bình trong mọi tranh chấp, Indonesia cũng đã đi đầu trong việc đạt được thỏa thuận về tranh chấp trên biển với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Philippines và Malaysia.

Và nỗ lực cải cách

Hãng tin Strait Times cho hay, ông Joko Widodo, cựu Thống đốc Jakarta đã đắc cử  Tổng thống trong cuộc bầu cử hôm 9/7 với cương lĩnh tranh cử tập trung vào cải thiện an sinh cho dân nghèo, đồng thời cam kết xóa bỏ tham nhũng, cải cách y tế - giáo dục và coi đó là nền tảng cho sự thịnh vượng của Indonesia. Các nhà phân tích nhận định rằng, thử thách đầu tiên ngay sau khi lên nắm quyền của tân Tổng thống Indonesia là đưa ra quyết định cắt giảm trợ cấp nhiên liệu. Việc trợ cấp này đang giữ giá nhiên liệu rẻ nhưng lại tiêu tốn của chính phủ 30 tỷ USD trong năm 2014.

Chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á tại Ngân hàng ANZ ở Singapore cho rằng, kế hoạch của ông Joko Widodo trong việc cải cách y tế và giáo dục, cắt giảm bớt khoản trợ cấp nhiên liệu 21 tỉ USD và nâng cấp cơ sở hạ tầng có thể sẽ vấp phải trở ngại từ phía đối lập. Cắt trợ cấp có nghĩa là giá nhiên liệu tăng và kéo theo sự tăng giá của hàng loạt sản phẩm khác, ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo trong xã hội…

Tiếp theo, ông Joko Widodo còn phải cải thiện môi trường đầu tư đang ngày một đi xuống ở Indonesia và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là việc không đơn giản bởi Indonesia đang là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới nhưng lại tăng trưởng kinh tế ở tốc độ thấp 5,1%, tức là mức thấp nhất trong 5 năm qua sau khi đạt đỉnh 6,5% vào năm 2011.

Điều này từng được Raden Pardede, Phó Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Kinh tế của cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono phản ánh: “Indonesia có tiềm năng đạt đến tốc độ tăng trưởng 2 con số nếu chính phủ mới có thể thúc đẩy các cải cách cần thiết và thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu không hành động ngay, chúng ta sẽ mắc kẹt trong vòng xoáy đi xuống với tăng trưởng chậm lại, nhà đầu tư rút vốn khỏi Indonesia và càng có nhiều người hơn bị mất việc làm”.

Tân Tổng thống Indonesia là một người đàn ông trưởng thành từ trong hoàn cảnh khó khăn. Sau khi tốt nghiệp bằng kỹ sư tại trường Đại học Gadjah Mada vào năm 1995, ông đã rất thành công trong lĩnh vực bán lẻ đồ gỗ và xuất nhập khẩu. Phải 10 năm sau, năm 2005, ông Joko mới tham gia vào chính trường Indonesia và đã 2 lần được bầu làm Thị trưởng thành phố Solo. Trong lần bầu cử thứ 2, ông đã có chiến thắng vang dội với tỷ lệ phiếu bầu lên đến 90%. Tiếp đó, ông cũng có thời gian làm Thống đốc Jakarta và nhanh chóng trở thành một trong những Thống đốc được người dân yêu mến nhất.

Hôm 20/10, Đặc phái viên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đã tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống và Phó Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ 2014-2019 được tổ chức trọng thể tại thủ đô Jakarta.

Trong trao đổi với Tổng thống Indonesia tại buổi gặp, ông Đào Việt Trung đã chuyển lời chúc mừng nồng nhiệt của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Việt Nam tới Tổng thống Joko; đồng thời chuyển lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Tổng thống Joko Widodo và phu nhân sớm sang thăm chính thức Việt Nam.

Ông Đào Việt Trung bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của ngài Tổng thống Joko Widodo, Indonesia sẽ ngày càng phát triển phồn vinh, tiếp tục khẳng định được vai trò và vị thế quan trọng của mình ở khu vực và trên thế giới; đồng thời mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia sẽ tiếp tục không ngừng được củng cố và phát triển.

Tổng thống Joko Windodo đánh giá cao việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cử Đặc phái viên tham dự lễ nhậm chức của mình; coi đây là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước; cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có thư chúc mừng.

Phan Hiển
.
.
.