Những trang thiết bị thế hệ mới cho cảnh sát Mỹ

Thứ Năm, 03/01/2008, 16:26
Chiếc xe cảnh sát đặc chủng E7 có thể tăng tốc từ 0 lên 90km/h trong vòng 6 giây và đạt tốc độ tối đa khoảng 250km/h, E7 có giá dao động từ 20.000USD đến 70.000USD cùng với những thiết bị như camera đọc bảng số đăng ký và thậm chí là cảm ứng phòng thủ tên lửa. Đây là một số trang thiết bị tối tân cho cảnh sát Mỹ.

Carbon Motors E7

Chiếc xe hơi đặc chủng E7 là chiếc xe hơi đầu tiên trên thế giới chạy bằng động cơ diesel với nhiều ưu điểm, chẳng hạn cửa trước bọc thép và kính chống được đạn 9mm và camera hồng ngoại tiên tiến. Nhưng sự cách tân quan trọng ở đây là mẫu xe thương mại. William Li, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hãng Carbon Motors, có trụ sở tại thành phố Atlanta (Mỹ), cho biết: “Các cơ quan hành pháp không chi tiền để mua những thứ xa xỉ”. 

Các nhà chế tạo xe hơi lớn ít khi sản xuất xe đặc chủng vì chúng không mang lại lợi nhuận cao. Vì thế các sở cảnh sát vẫn phải mua những loại xe thông thường như Chevy Tahoes hoặc Crown Victorias (Hãng Ford) rồi gắn thêm đèn, còi hụ, bảng điều khiển và đồ dùng khác.

Với mục đích chiếm lĩnh thị trường xe đặc chủng, Carbon Motors - sáng lập bởi các cựu điều hành Hãng Ford - muốn tạo ra một dòng xe tuần tra hiệu suất cao, tích hợp đầy đủ các thiết bị tiên tiến với giá ngang bằng các loại xe hơi thông thường.

Theo William Li, bằng việc tiêu chuẩn hóa quy trình lắp ráp đối với những lựa chọn dành riêng cho xe cảnh sát và ứng dụng các quy trình sản xuất mới (bao gồm cả sử dụng nhựa dẻo nóng thay thế sơn), Hãng Carbon Motors có thể thu được lợi nhuận cao mà các hãng khác không thể.

Chiếc xe cảnh sát đặc chủng E7 có thể tăng tốc từ 0 lên 90km/h trong vòng 6 giây và đạt tốc độ tối đa khoảng 250km/giờ với nhiều cải tiến khác như chỗ ngồi được trang bị thêm máy thu phát vô tuyến. William Li cho biết, E7 có giá dao động từ 20.000USD đến 70.000USD cùng với những trang bị như camera đọc bảng số đăng ký và thậm chí là cảm ứng phòng thủ tên lửa.

Đặc biệt, chiếc E7 của Carbon Motors tiết kiệm được 40% nhiên liệu và hạn sử dụng được nâng lên 400.000km so với hầu hết các xe cảnh sát ở Mỹ hiện nay có hạn sử dụng là 115.000km.

Hệ thống khẩu lệnh Project54

Các nhà nghiên cứu tại Trường đại học New Hamshire vừa phát triển một hệ thống cho phép cảnh sát viên dùng khẩu lệnh để kiểm tra một biển đăng ký, bật đèn hụ còi, và đo tốc độ xe vi phạm. Hệ thống Project54 là một phần mềm chạy trên máy tính xách tay tương thích hệ điều hành Windows 2000, XP hoặc Vista và với những thiết bị hiện có như đèn, máy bộ đàm...

Cách sử dụng hệ thống Project54 cực kỳ đơn giản: khi cần buộc một chiếc xe tình nghi tấp vào lề đường, viên cảnh sát chỉ cần ấn nút khẩu lệnh của hệ thống và đọc bảng số đăng ký để xác minh lai lịch của chiếc xe.

Trong khi viên cảnh sát vừa tiếp tục đuổi theo chiếc xe, có thể nghe báo cáo về lai lịch nó từ tổng bộ. Nếu chiếc xe đó thình lình bỏ chạy thì viên cảnh sát chỉ cần ra lệnh “Pursuit” (tạm dịch là “Đuổi bắt”) để kích hoạt đèn chớp, còi hụ và hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Nếu cuộc đuổi bắt sang địa hạt khác thì viên cảnh sát có thể ra lệnh cho hệ thống Project54 chuyển tần số vô tuyến để phối hợp truy bắt, đồng thời ghi lại toàn bộ sự việc đang diễn ra.

Theo William Lenharth, Giáo sư của Trường đại học New Hamshire và là đồng Giám đốc nghiên cứu Project54, hệ thống này hiện mới được lắp đặt trên 1.000 xe tuần tra của cảnh sát, hầu hết là ở New Hamshire, nhưng sẽ gia tăng nhanh chóng.

Cảnh sát bang Texas hiện đang có nhu cầu trang bị công nghệ khẩu lệnh cho 2.000 xe môtô tuần tra của họ. Cảnh sát Bảo vệ bờ biển Mỹ cũng đang thử nghiệm Project54 trên tàu tuần duyên bằng bộ điều khiển chống thấm nước. Và Vệ binh Quốc gia Mỹ cũng đang thử nghiệm hệ thống này trên xe đi mọi địa hình.

Camera tự động kiểm tra bảng số đăng ký

Đây có lẽ là hệ thống nổi bật nhất trong các trang thiết bị công nghệ cao của Cảnh sát Mỹ. Theo Brian Shockley, Phó chủ tịch tiếp thị Công ty Công nghệ cao PIPS ở Tenessee (Mỹ), hệ thống tự động kiểm tra bảng số đăng ký xe (ALPR) bao gồm 3 camera tự động kiểm tra bất cứ bảng số xe nào nó “nhìn thấy”.

Các camera này được bố trí ở hai bên xe để quét làn đường bên phải và bên trái xe và một camera lắp ở vị trí dễ quan sát trong bãi đậu xe. Mỗi camera liên tục phát tia hồng ngoại quét và gửi hình ảnh đầy đủ màu sắc về bộ xử lý trong xe. Shockley cho biết: “Cảnh sát ngồi trong xe nhận được kết quả gần như tức thì với sai số khoảng 20mm/giây”.

Camera hoạt động ở tốc độ cao, với vi sai khoảng 280km/giờ, do đó nếu một chiếc xe lao tới  xe cảnh sát với tốc độ 220km/giờ hoặc vượt cùng chiều trong khi 2 xe đang chạy với tốc độ 150km/h thì camera vẫn chụp được bảng số của chiếc xe tình nghi. Lai lịch chiếc xe và chủ nhân của nó nhanh chóng được kiểm tra và báo cáo về tổng bộ để có biện pháp xử lý. Hệ thống ALPR hiện đang được sử dụng rộng rãi trên khắp nước Mỹ.

Thiết bị phóng máy dò tìm

 Hệ thống này hiện chưa được công bố, nhưng StarChase - sản phẩm của một công ty cơ khí kỹ thuật cao ở Virginia, Mỹ - đang thử nghiệm giai đoạn cuối tại Sở Cảnh sát Los Angeles để chính thức triển khai vào năm tới. Công dụng của StarChase là phun vào chiếc xe đang chạy trốn một chất dính mang theo bộ dò GPS.

Đối với các tên tội phạm xảo quyệt, khi phát hiện bị gắn máy theo dõi, có thể dừng xe lại và gỡ miếng keo có mang bộ dò ra rồi tiếp tục chạy trốn. Tuy nhiên, trong thời gian đó, cảnh sát đã triển khai phong tỏa khu vực để bắt gọn bọn chúng

Lê Hiếu (theo PM) - ANTG số 720
.
.
.