Những tổ chức Hồi giáo cực đoan đe dọa hòa bình châu Phi - Trung Cận Đông

Thứ Bảy, 04/04/2015, 10:09
Vụ thảm sát 147 người tại trường Đại học Garissa ở Kenya hôm 2/4 đã dấy lên những lo ngại mới về sự gia tăng hoạt động khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở châu Phi, nhất là khi những nhóm này tuyên bố “trung thành” với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo thống kê của cơ quan tình báo Mỹ, có ít nhất 4 tổ chức Hồi giáo cực đoan đang “làm mưa làm gió” ở châu Phi, Trung Cận Đông.
Al Shabaab và cuộc đổ bộ sang Kenya

Cho đến chiều tối 2/4 (theo giờ địa phương), tổ chức Hồi giáo vũ trang Al-Shabaab đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công trường Đại học Garissa ở phía Đông Bắc Kenya. Phát ngôn viên của Al-Shabaab, Ali Mohamud Rage cho biết, hành động này nhằm trả đũa cho việc quân đội Kenya tham chiến ở Somalia. Bộ trưởng Nội vụ Kenya Joseph Nkaissery cho biết, một nhóm gồm 5 tay súng của Al-Shabaab đã bất ngờ ập vào khuôn viên trường Đại học Garrisa từ một thánh đường Hồi giáo gần đó.

Chúng giết hai bảo vệ trường và tấn công vào các khu ký túc xá, nổ súng vào nhóm sinh viên tới hành lễ cầu nguyện buổi sáng tại một thánh đường trong khuôn viên trường. Những kẻ tấn công đã đấu súng với lực lượng bảo vệ trường trong nhiều giờ, bắt cóc và sau đó giết hại gần 150 học sinh.

Theo các nhà phân tích, việc Al-Shabaab mở rộng hoạt động từ Somalia sang Kenya cho thấy nhóm này đang ngày càng lớn mạnh, nhất là trong hoàn cảnh Somalia chìm trong nội chiến và nạn đói. Được thành lập trong 3 năm nội chiến ở Syria, Al-Nursa ngay lập tức đã nổi lên là một trong những tổ chức Hồi giáo cực đoan tàn bạo ở châu Phi. Thành viên của tổ chức này phần lớn là những chiến binh Hồi giáo đến từ Iraq và một số quốc gia khác ở Trung Đông, châu Phi.

Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện, Al-Nursa đã ngay lập tức gia nhập mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và nhận là chi nhánh tại Bắc Syria. Đầu năm 2015, Al-Nursa còn sát nhập thêm một tổ chức Hồi giáo khác tên là Jaish al-Muhajireen wal-Ansar để mở rộng hoạt động ra các khu vực ở vùng Vịnh. Tham vọng của Al-Nursa là một sự thay đổi chính trị ở Syria và thiết lập một nhà nước ở Syria và khu vực các quốc gia ven Địa Trung Hải.

Trong các thông điệp được gửi lên mạng Internet, Al-Nursa thường kêu gọi các tổ chức thánh chiến trên thế giới đoàn kết chống lại phương Tây và các nước Arab có liên quan. Theo đánh giá của các chuyên gia, Al-Nusra hiện nay có từ 5.000 tới 7.000 tay súng.

Al-Nusra, chi nhánh mạng lưới Al-Qaeda tại Syria có các hoạt động tàn sát không kém gì IS. Ảnh: patdollard.com.

Hoạt động ngầm của Ansar al-Sharia

Mặc dù ít được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, song Ansar al-Sharisa lại là một tổ chức khủng bố khét tiếng ở Libya và Tunisia. Tên của nó có nghĩa là “Những người ủng hộ luật pháp Hồi giáo”.

Ansar al-Sharisa có trụ sở chính đặt tại thành phố Benghazi và đây cũng là thủ phạm vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ hồi tháng 9 năm 2012 làm 4 công dân Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libya. Tổ chức này đã bị Liên Hợp Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh liệt vào danh sách những tổ chức khủng bố cần phải bị tiêu diệt. Hôm 30/3 vừa qua, tân thủ lĩnh của Ansar al-Sharisa  Abdullah Al-Libi đã tuyên bố gia nhập IS.

Boko Haram – nỗi ám ảnh của cả thế giới

Những ngày này, Boko Haram đã vượt qua cả IS để trở thành chủ đề bàn thảo khẩn cấp trong các cuộc họp và hội nghị quốc tế. Gần đây nhất, vào 1/4, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tiến hành phiên họp đặc biệt về "những vi phạm nhân quyền do nhóm khủng bố Boko Haram gây ra" theo yêu cầu của 20 nước thành viên và quan sát viên hội đồng này.

Với vùng lãnh thổ kiểm soát rộng trên 52.000km², tổ chức Boko Haram đang ngày càng phát triển và tham vọng sẽ trở thành “một tiểu IS” ở châu Phi. Đáng lo ngại nhất là việc Boko Haram mở rộng thêm hoạt động ở các quốc gia láng giềng với Nigeria và sẵn sàng tàn sát không thương tiếc người dân vô tội, kể cả những em nhỏ dưới 15 tuổi. Dã man hơn, chúng còn hành hạ phụ nữ và sử dụng các em nhỏ dưới 12 tuổi làm “bom sống” cho các vụ đánh bom liều chết.

Theo tin từ hãng Telegraph, Boko Haram được Mohammed Yusuf thành lập năm 2002 tại bang Borno với tôn chỉ hoạt động là áp dụng luật Hồi giáo tại Nigeria, đấu tranh cho bình đẳng xã hội và tố cáo nạn tham nhũng. Tuy nhiên, vào năm 2009, sau khi quân đội Nigeria mở đợt trấn áp quy mô lớn nhằm vào nhóm này và bắt giữ, giết chết không xét xử Mohammed Yusuf, Boko Haram bắt đầu chuyển hướng sang hoạt động ngầm và gia tăng tư tưởng cực đoan.

Dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh mới Abubakar Shekau, các thành viên của Boko Haram khi đó đã truyền bá tư tưởng thù địch phương Tây và thể hiện sức mạnh thông qua các vụ bắt cóc, giết người, đánh bom trường học và bệnh viện. Tháng 9/2010, Boko Haram bắt đầu được cả thế giới biết đến khi tiến hành một vụ cướp ngục ở Nigeria và tiếp đó là một loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào đồn cảnh sát, văn phòng của Liên Hợp Quốc tại Abuja năm 2011. Năm 2013, Boko Haram bị  Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài nguy hiểm…

Đặc biệt, từ giữa năm 2014, các cuộc tấn công đẫm máu của Boko Haram gần như đã nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền, tạo nên một thế đối lập không thể cân bằng giữa cộng đồng người Hồi giáo ở phía Bắc và người Thiên chúa giáo ở phía Nam Nigeria.

Các con số thống kê mới nhất cho thấy, từ tháng 7 năm 2009 đến tháng 12 năm 2014, Boko Haram đã sát hại gần 8.000 dân thường, trong đó có ít nhất 4.000 người bị sát hại trong năm 2014. Gần 1.000 người khác cũng đã bị Boko Haram bắt cóc, trong đó hơn nửa là trẻ em và phụ nữ. Bên cạnh đó, ít nhất 1,5 triệu người đã phải sơ tán khỏi các khu vực do Boko Haram đánh chiếm.

Ngọc Khuê
.
.
.