Những tín hiệu tích cực từ cuộc chiến chống đại dịch

Thứ Hai, 08/02/2021, 06:43
Đó là tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đang chậm lại cũng như số người được tiêm vaccine COVID-19 trên thế giới đã vượt số ca mắc.


Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Maria van Kerkhoven mới đây thông báo, theo ghi nhận của WHO, tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới có vẻ như đang chậm lại. Theo chuyên gia này, đây có thể xem là tín hiệu tốt lành, khi số ca nhiễm mới được phát hiện có xu hướng giảm mỗi ngày tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Điều này đạt được chủ yếu thông qua việc sử dụng các biện pháp làm gián đoạn các chuỗi lây truyền của virus. Một “công cụ vô cùng mạnh mẽ” khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, phải kể đến việc hàng loạt nước triển khai chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Song chuyên gia của WHO vẫn kêu gọi người dân các nước tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bà Maria van Kerkhoven đồng thời hối thúc các nước sát sao hơn nữa trong việc thông báo tới người dân về các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch, đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ nhân viên y tế cũng như tăng cường các chiến dịch tiêm chủng vốn đóng vai trò hết sức quan trọng.

Tiêm vaccine COVID-19 tại một bệnh viện ở Kathmandu, Nepal. Ảnh: AP

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, vaccine hiện được xem là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lấy làm lo ngại về vấn đề phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới hiện nay; hối thúc các nước và các hãng sản xuất chia sẻ vaccine đồng đều hơn.

Theo ông, bên cạnh việc duy trì những biện pháp chống dịch cần thiết, việc phân phối vaccine cần được bảo đảm công bằng và các kế hoạch tiêm phòng cần có sự phối hợp thực hiện giữa các quốc gia nhằm tạo ra nỗ lực chung đẩy lùi đại dịch. Cùng với đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng thông báo, số người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới đã vượt qua số ca mắc kể từ khi đại dịch bùng phát.

Theo ông, về một mặt nào đó, đây là một tin tốt và là một thành tựu đáng kể mà thế giới đạt được trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Tuy nhiên, mặt khác, hơn 3/4 trong số này là ở 10 quốc gia chiếm gần 60% GDP toàn cầu. Liên quan vấn đề này, người đứng đầu cơ quan y tế Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi các quốc gia đã tiêm chủng cho những nhóm nguy cơ cao hãy chia sẻ vaccine với những nước khác.

Theo ông, đây sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ phần dân số còn lại của chính những nước này. Bởi thời gian tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao nhất càng lâu, thì chúng ta càng tạo cơ hội cho virus đột biến và lẩn tránh vaccine. Gần 130 quốc gia, với 2 tỷ 500 triệu người, vẫn chưa được sử dụng một loại vaccine nào.

Do mất dần kiên nhẫn, nhiều nước đã “tự thân vận động” bảo đảm nguồn vaccine COVID-19 theo những thỏa thuận riêng. Giới chuyên gia lo ngại nỗ lực “tự thân vận động” này có thể gây ảnh hưởng đến các chương trình do LHQ ủng hộ về việc phân phối công bằng vaccine COVID-19 trên toàn thế giới. Những nước như Serbia, Bangladesh và Mexico gần đây tiêm vaccine COVID-19 cho người dân qua các thỏa thuận thương mại hoặc quyên góp. Lựa chọn này được cho sẽ khiến nguồn cung vaccine cho những chương trình như COVAX (Chương trình đảm bảo phân phối vaccine phòng COVID-19 toàn cầu) trở nên ngày càng khan hiếm hơn bởi các nước giàu vốn đã thu mua lượng lớn nguồn cung vaccine COVID-19 của năm nay. Nhà ngoại giao của Nam Phi tại LHQ - Mustaqeem De Gama nghi ngờ rằng các quốc gia đăng ký tham gia COVAX có nguy cơ chỉ nhận được “10% lượng họ yêu cầu”.

Ngay cả khi đạt được thành công thì mục tiêu đề ra của COVAX cũng chỉ ở mức tiêm vaccine COVID-19 cho khoảng 30% người dân ở những nước nghèo. Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng, nước này buộc phải cắt giảm thỏa thuận sau khi những quốc gia giàu có thâu mua lượng lớn vaccine COVID-19. Ông Aleksandar Vucic than phiền rằng những nước giàu đã mua quá nhiều so với lượng thực tế họ cần. Nhà lãnh đạo đánh giá: “Cứ như thể họ định tiêm cho tất cả chó mèo trong nước vậy”.

Anh đã đảm bảo được 360 triệu liều và dự kiến mua thêm 150 triệu liều, trong khi dân số nước này chỉ là 56 triệu người. EU cũng đảm bảo 1,6 tỷ liều, đủ để tiêm cho số người gấp 3 lần dân số hiện tại của khối. Canada cũng đặt hợp đồng mua vaccine với số lượng gấp 4 lần dân số nước này. Serbia đã chi 4 triệu USD cho COVAX từ năm 2020 nhưng vẫn chưa được nhận vaccine và từ tháng 1, nước này đã khởi động chiến dịch tiêm chủng với vaccine mua của công ty dược Pfizer (Mỹ), Nga và Trung Quốc.

Vào đầu tháng 2, Liên minh châu Phi đã hoàn thành thỏa thuận 400 triệu liều vaccine AstraZeneca (Anh) do Viện Serum tại Ấn Độ sản xuất. Đây là số liều bổ sung cho 600 triệu liều mà châu Phi dự kiến được nhận từ COVAX. Theo AP, để đảm bảo được nhận vaccine AstraZeneca nhanh chóng, chính phủ Nam Phi đành miễn cưỡng trả mức giá cao hơn. COVAX trong khi đó kỳ vọng gửi những liều vaccine đầu tiên đến châu Phi vào cuối tháng này nhưng kế hoạch còn phụ thuộc vào năng lực nhà sản xuất.

Nhà cố vấn cấp cao Kate Elder tại Tổ chức Bác sĩ không biên giới đánh giá, không nên chỉ trích những nước đang phát triển về thỏa thuận vaccine riêng bởi đó chính là điều những nước giàu đã thực hiện từ năm 2020. Bà Kate Elder nói: “Mọi quốc gia có thể làm điều mà họ cho là cần thiết để bảo vệ người dân”. Tuy nhiên, việc những nước nghèo tự tiếp nhận vaccine nhanh hơn COVAX có thể gây tác động đến các nỗ lực trong lương lai của LHQ.

Ấn Độ ký hợp đồng cung cấp hàng triệu vaccine cho COVAX nhưng WHO chưa thông qua điều này, đồng nghĩa với việc New Delhi chưa thể chuyển vaccine cho chương trình của LHQ. Cùng thời điểm này, Ấn Độ tặng các nước láng giềng Sri Lanka, Bangladesh và Nepal trên 5 triệu liều vaccine.

Tổng thư ký Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây cảnh báo rằng thế giới đang trên “bờ vực xuống cấp đạo đức” nếu vaccine COVID-19 không được phân phối công bằng. WHO không có thẩm quyền buộc các nước giàu có chia sẻ vaccine. Norway cho biết sẽ gửi vaccine đến các quốc gia đang phát triển nhưng không công bố chi tiết số lượng quyên góp. Anh cũng cho biết sẽ chỉ đóng góp vaccine sau khi hoàn thành chương trình tiêm chủng riêng của nước này.

Khổng Hà
.
.
.