Những tín hiệu lạc quan của cuộc chiến chống dịch Ebola

Thứ Năm, 23/10/2014, 08:26
Các khoa học gia Pháp ngày 21/10 cho biết, vừa hoàn thiện một thiết bị mới cho phép trong vòng 15 phút có thể chẩn đoán nhanh những bệnh nhân nghi nhiễm virus Ebola. Cùng ngày, chính quyền Tây Ban Nha chính thức thông báo nữ y tá bị lây nhiễm Ebola tại Madrid đã được chữa khỏi. Bên cạnh đó, cả Nga, Anh và Mỹ cùng đưa ra tuyên bố đang điều chế thành công vaccin chống loại virus chết người này. Cuộc chiến chống đại dịch Ebola đã phát đi những tín hiệu tích cực.

Những tín hiệu tích cực

Ngày 21/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra tuyên bố cho biết, hàng chục nghìn người tại Tây Phi có thể được tiêm thử nghiệm vaccin chống virus Ebola bắt đầu từ tháng 1/2015, bởi những kết quả tích cực mà họ thu được từ loại hai loại vaccin - một loại của Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) thuộc Anh và loại còn lại của New Link Genetics (Newlink) thuộc Mỹ, hiện đang được xem là hai ứng cử viên tiềm năng nhất để giúp chống lại virus Ebola lây nhiễm trên diện rộng.

WHO cho biết, họ đã đưa hai loại vaccin này thử nghiệm với 500 tình nguyện viên thuộc các nước ở châu Mỹ, châu Âu và châu Phi. Các kết quả thử nghiệm về tính an toàn cho người sử dụng sẽ được công bố vào tháng 12 tới trước khi được chính thức đưa vào sử dụng trên diện rộng vào đầu năm tới. Trước đó, GSK đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccin của họ tại Mỹ, Anh, và thử nghiệm vaccin của Newlink được tiến hành tại Mỹ, Đức.

Bên cạnh hai loại vaccin trên, các nhà khoa học Nga cũng đang thành công trong việc điều chế một loại vaccin mới có khả năng chống virus Ebola và một số virus khác theo công nghệ kỹ thuật gen. Tuy chưa thể dự báo thời gian thử nghiệm mất bao lâu, nhưng Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova khẳng định, khi có kết quả thử nghiệm khả quan, vaccine sẽ được chuyển ngay đến châu Phi. Theo bà Skvortsova, các nhà khoa học Nga đã thử nghiệm virus chống Ebola trên động vật từ đầu năm 2013.

Cũng trong ngày 21/10, Cơ quan năng lượng hạt nhân Pháp xác nhận là các nhà nghiên cứu của họ vừa hoàn chỉnh một dụng cụ xét nghiệm, cho phép phát hiện virus Ebola trong vòng 15 phút sau khi thực hiện trên người tình nghi nhiễm bệnh. Dụng cụ xét nghiệm này là có thể được dùng ngay trên hiện trường, không cần thiết bị đặc biệt và dựa trên mẫu máu, mẫu huyết thanh plasma hay mẫu nước tiểu. Đây là một bước tiến đáng kể, vì cho đến nay, các phương thức xét nghiệm hiện hành đòi hỏi ít nhất hai giờ mới cho kết quả và chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Tăng cường triển khai các biện pháp soi chụp và kiểm tra thân nhiệt của các hành khách để phát hiện virus Ebola tại nhiều sân bay quốc tế. Ảnh: AP.

Trước đó, ngày 20/10, WHO tuyên bố, Nigeria đã chính thức thoát khỏi dịch Ebola sau 42 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm mới. Đại diện WHO tại Nigeria, ông Rui Gama Vaz đã ca ngợi đây là một thành công ngoạn mục trong cuộc chiến chống loại virus chết người này và cũng là thành công lớn nhất chứng minh với thế giới rằng Ebola có thể kiểm soát được.

Chính quyền Tây Ban Nha cũng đã chính thức thông báo nữ y tá bị lây nhiễm Ebola tại Madrid đã được chữa khỏi. Việc chữa lành được bệnh nhân này rất có ý nghĩa vì đây là trường hợp lây nhiễm Ebola đầu tiên ngoài lãnh thổ châu Phi. Một nữ bác sĩ người Norway, bị nhiễm Ebola tại Sierra Leone cũng đã được lành bệnh.

Còn tại Mỹ, nơi xuất hiện hai ca lây nhiễm tiếp theo, mà bệnh nhân cũng là hai nữ y tá chăm sóc cho một bệnh nhân Ebola từ châu Phi đến Mỹ, không khí cũng có vẻ lạc quan hơn khi không có ca lây nhiễm mới nào được phát hiện từ 5 ngày qua và toàn bộ những người tiếp xúc với bệnh nhân từ châu Phi đến đã chấm dứt thời kỳ cách ly 21 ngày mà vẫn hoàn toàn vô sự.

Cuộc chiến vẫn đang tiếp tục

Ngày 21/10, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ra thông báo cho biết, từ ngày 22-10, tất cả du khách, bao gồm cả công dân Mỹ, từ ba nước Liberia, Sierra Leone và Guinea khi vào Mỹ chỉ được phép nhập cảnh qua cửa khẩu 5 sân bay lớn của Mỹ, những nơi từ ngày 11/10 đã triển khai các biện pháp soi chụp và kiểm tra thân nhiệt của các hành khách từ các quốc gia Tây Phi.

Việc soi chiếu nhằm phát hiện hành khách nhiễm virus Ebola bắt đầu được thực hiện tại 2 sân bay quốc tế lớn nhất ở thủ đô London, Anh, là Gatwick và Heathrow từ ngày 21/10, theo đó những hành khách được Cục Đường biên Anh xác nhận đã đi tới những nước xảy ra dịch là Sierra Leone, Guinea và Liberia sẽ được yêu cầu đi qua máy soi chiếu.

Tại châu Á, cũng trong ngày 21/10, Chính phủ Philippines cho biết, đã đưa vào hoạt động Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm để chuẩn bị ứng phó tốt hơn với virus Ebola đang hoành hành tại Tây Phi. Tại Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định vào đầu tháng sau sẽ cử một đoàn tiền trạm đến vùng dịch Ebola tại Tây Phi để đánh giá tình hình.

Việt Nam lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Ebola trên toàn quốc

Để ứng phó với nguy cơ dịch bệnh do virus Ebola có khả năng xâm nhập nước ta, Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Ebola cấp quốc gia tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam và khu vực Tây Nguyên. Các đội đáp ứng nhanh có nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống dịch bệnh Ebola trên địa bàn phụ trách, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh Ebola xảy ra trên địa bàn.

Đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh Ebola khu vực miền Bắc ngoài trách nhiệm phụ trách địa bàn, còn có trách nhiệm đáp ứng, hỗ trợ các khu vực khác trên phạm vi toàn quốc khi có yêu cầu hoặc tình hình dịch bệnh Ebola có diễn biến phức tạp. Đội trưởng các đội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại địa phương, cơ sở, nơi có trường hợp mắc bệnh Ebola xảy ra để chỉ đạo, điều phối các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn một cách hiệu quả.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.