Những tiết lộ mới về chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden

Thứ Bảy, 25/08/2012, 14:00
Mới đây người ta vừa xác định ông Matt Bissonnette, người giải ngũ cuộc đời biệt kích Navy SEAL hồi mùa hè năm 2011 là người đã viết cuốn sách về chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden. Tên cuốn sách là “No Easy Day: The Firsthand Account of the Mission that Killed Osama bin Laden (tạm dịch: Ngày không dễ dàng: Cận cảnh chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden), dự định được nhà xuất bản Dutton phát hành nhân dịp tưởng niệm 11 năm vụ tấn công (11/9/2001 – 11/9/2012), Matt Bissonnette sử dụng bút danh là Mark Owen.

Theo Reuters, Matt Bissonnette đã thay đổi tên tuổi của các biệt kích Navy SEAL khác trong cuốn sách tham gia chiến dịch tiêu diệt Bin Laden. Những nội dung được đề cập trong cuốn sách này là đáng tin cậy bởi Matt Bissonnette là một trong những thành viên của biệt đội SEAL số 6 tham gia chiến dịch đột kích và tiêu diệt Osama bin Laden ở Abottabad, Pakistan.

Mặc dù trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại tư dinh của hắn ở Abbottabad, Pakistan đã hơn 1 năm (đêm mùng 1, rạng sáng 2/5/2011), nhưng những thông tin hữu quan vẫn tiếp tục được tiết lộ.

Ngoài cuốn “No Easy Day: The Firsthand Account of the Mission that Killed Osama bin Laden” chuẩn bị xuất bản, dư luận cũng quan tâm tới cuốn “Thế lực đằng sau: Tổng thống bất đắc dĩ và các cố vấn quyết định thay ông” của tác giả Richard Miniter, phóng viên nổi tiếng từng làm việc cho tờ The Wall Street Journal, Washington Times của Mỹ và Sandy Times của Anh xuất bản hôm 21/8.

Cuốn “No Easy Day: The Firsthand Account of the Mission that Killed Osama bin Laden” (trái) và cuốn “Thế lực đằng sau: Tổng thống bất đắc dĩ và các cố vấn quyết định thay ông”.

Bởi cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden chỉ diễn ra trong vòng 38 phút sau khi biệt đội SEAL số 6 gồm 24 người, không kể 2 phi công nhận được chỉ thị từ CIA và chỉ 3 tháng sau khi tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế, 15 thành viên của biệt đội SEAL số 6 đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng ở Afghanistan. Biệt đội SEAL số 6 là đơn vị tinh nhuệ nhất của lực lượng Hải quân SEAL và họ được đánh giá là những sát thủ bí ẩn nhất của Mỹ khi hành động.

Trong cuốn “Thế lực đằng sau: Tổng thống bất đắc dĩ và các cố vấn quyết định thay ông”, tác giả Richard Miniter tiết lộ thông tin khiến dư luận quan tâm bởi Ngoại trưởng Hillary Clinton là người phải nhiều lần cố gắng thuyết phục Tổng thống Barack Obama ký lệnh tiêu diệt Osama bin Laden. Tổng thống Barack Obama nhiều lần hoài nghi về chiến dịch đặc biệt nhằm vào Osama bin Laden bởi nếu thất bại thì hậu quả khôn lường.

Tổng thống Barack Obama đã 3 lần hoãn thực hiện kế hoạch này từ tháng 1 đến tháng 3/2011. Cố vấn Valerie Jarrett có tác động không nhỏ tới quyết định của Tổng thống Barack Obama bởi bà từng tuyên bố: “Nếu không cần thiết, đừng trao lợi thế cho các đối thủ chính trị bằng chính những thất bại của chúng ta” - lo ngại hậu quả có thể xảy ra nếu kế hoạch tiêu diệt Osama bin Laden thất bại.

à Valerie Jarrett cho biết, Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng với nguyên Giám đốc CIA nay là Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và David Petraeus, người đứng đầu lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan nay là Giám đốc CIA đã đóng vai trò quyết định trong việc lên kế hoạch và thuyết phục Tổng thống Barack Obama ký lệnh tiêu diệt Osama bin Laden. Được biết, trong năm 2009, Tổng thống Barack Obama luôn yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ phải có những thông tin chắc chắn về Osama bin Laden, nhưng sau khi xác định chính xác trùm khủng bố quốc tế đang ẩn náu ở Abottabad, Pakistan thì ông lại do dự.

Giới truyền thông cho rằng, cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden ở Abottabad, Pakistan vẫn là con bài trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Barack Obama. Nhận định này được đưa ra sau khi một nhóm cựu nhân viên tình báo và lực lượng đặc nhiệm Mỹ mở chiến dịch chỉ trích Tổng thống Barack Obama lợi dụng cái chết của Osama bin Laden để hâm nóng tên tuổi trước thềm cuộc bầu cử.

Cựu thành viên lực lượng Hải quân SEAL Ben Smith tuyên bố: với tư cách công dân, nhiệm vụ của tôi là yêu cầu Tổng thống ngừng rò rỉ thông tin cho kẻ thù bởi hành động này sẽ giết chết người Mỹ. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng cáo buộc Tổng thống Barack Obama đã làm lộ bí mật quốc gia khi đề cập tới chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden. Cách đây 4 tháng (26-4), Thẩm phán liên bang James Boasberg từng bác yêu cầu của tổ chức Quan sát tư pháp (Mỹ) về việc công bố hình ảnh cái chết của Osama bin Laden bởi lo ngại việc này có thể đe dọa tới an ninh quốc gia.

Trước khi cuốn sách “Thế lực đằng sau: Tổng thống bất đắc dĩ và các cố vấn quyết định thay ông” được xuất bản, trang Defensetech.org đưa tin, ngày 29/4/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta khi đó với tư cách Giám đốc CIA đã ký lệnh tử hình Osama bin Laden. Tờ giấy viết tay đề ngày 29/4/2011 của Giám đốc CIA Leon Panetta khi đó đã được Đô đốc William McRaven, người phụ trách chiến dịch săn lùng Osama bin Laden với tư cách chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặc biệt hỗn hợp (JSOC) thực hiện.

Được biết, ông Leon Panetta đã đưa ra quyết định kể trên sau khi nhận được điện thoại của Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon thông báo Tổng thống Barack Obama đã có quyết định đối với Osama bin Laden. Giới chức Mỹ cho biết, không ai được nhận 25 triệu USD, khoản tiền thưởng cho cái đầu của Osama bin Laden bởi việc tiêu diệt trùm khủng bố ở Pakistan là kết quả của công tác tình báo điện tử, chứ không phải của người đưa tin nào.

Sau khi tiêu diệt và an táng Osama bin Laden theo nghi thức của người Hồi giáo, đã có những thông tin khác nhau xung quanh vấn đề này. Nhất là khi WikiLeaks tiết lộ những thư điện tử lấy từ Công ty phân tích tình báo tư nhân Stratfor. Trong đó có một bức của Phó Chủ tịch Stratfor Fred Burton viết rằng: thi thể của Osama bin Laden đang hướng đến Dover, bang Delaware trên máy bay của CIA.

Còn theo một bức khác, xác của thủ lĩnh Al Qaeda được chuyển tiếp đến Viện Bệnh lý thuộc quân đội Mỹ ở Bethesda, bang Maryland. Do đó, ngày 12/3, Mỹ đã phủ nhận thông tin cho rằng, thi thể của Osama bin Laden đang ở nước này chứ không phải an táng trên biển như tuyên bố

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.