Những thách thức đối với tân Thủ tướng Nhật Bản

Thứ Hai, 24/09/2007, 09:52
Thách thức đầu tiên cho tân Thủ tướng là việc duy trì hoạt động quân sự của Nhật Bản tại Ấn Độ Dương, nơi binh sĩ nước này làm hậu cần cho quân đội Mỹ tại Afghanistan - ủng hộ hậu cần cho cuộc chiến tại Afghanistan bất chấp sự phản đối của dư luận Nhật Bản.

Theo kết quả kiểm phiếu vừa được công bố, cựu Chánh Văn phòng Nội các Yasuo Fukuda, 71 tuổi đã đắc cử chức Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP), trở thành người kế vị Thủ tướng Shinzo Abe sau khi giành được 330 phiếu (chiếm 63%), bỏ xa cựu Ngoại trưởng Taro Aso, 66 tuổi, chỉ giành được 197 phiếu (chiếm 37%) trong tổng số 527 phiếu bầu.

Với chiến thắng này "Bồ câu" Yasuo Fukuda sẽ trở thành Thủ tướng thứ 58 của đất nước mặt trời mọc. Phát biểu sau khi đắc cử, tân Chủ tịch LDP khẳng định sẽ khôi phục sự ủng hộ của công chúng đối với đảng cầm quyền, tiếp tục duy trì trật tự trong đảng, tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, cũng như thúc đẩy các chính sách liên quan tới CHDCND Triều Tiên, tiếp tục cải cách kinh tế và giải quyết những vấn đề bất bình đẳng khác…

Ngoài ra, ông Yasuo Fukuda cũng không quên khẳng định, theo đó quan hệ Nhật - Mỹ sẽ tiếp tục là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình. Dư luận cho rằng, "Bồ câu" đã thắng trong cuộc chạy đua với "Diều hâu" khi ông Yasuo Fukuda luôn khẳng định sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm - tăng cường quan hệ với các nước láng giềng châu Á, nhất là với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tuy chỉ là "Ngoại trưởng trong bóng râm" (theo cách gọi của giới truyền thông), nhưng tân Chủ tịch LDP Yasuo Fukuda lại được dư luận coi là một chính trị gia có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao. Chính những kinh nghiệm trên chính trường đã giúp cho những lập luận của ông Yasuo Fukuda tỏ ra thuyết phục hơn so với cựu Ngoại trưởng Taro Aso.

Ông Yasuo Fukuda là người giữ chức Chánh Văn phòng Nội các lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản (1.289 ngày). Dư luận cho rằng, ngoài những thế mạnh kể trên, một trong những yếu tố giúp ông Yasuo Fukuda đắc cử bởi cựu Chánh Văn phòng Nội các đã tuyên bố sẽ giữ nguyên nội các hiện nay nếu trở thành người thay thế Thủ tướng Shinzo Abe.

Trong ngày vận động tranh cử cuối cùng (diễn ra hôm 22/9), ông Yasuo Fukuda đã tuyên bố sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các khu vực nghèo khó ở nông thôn với những đô thị giàu có. Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu của LDP hiện nay là thực hiện các biện pháp nhằm lấy lại lòng tin của người dân, kể từ sau thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện hồi tháng 7 vừa qua.

Được biết, ông Yasuo Fukuda đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật quan trọng như cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, cựu Tổng thư ký LDP Makoto Koga, cựu Bộ trưởng Tài chính Sadakazu Tanigaki, Bộ trưởng Quốc phòng Masahiko Komura, Ngoại trưởng Nobutaka Machimura, Bộ trưởng Tài chính Fukushiro Nukaga…

Ngoài ra, ông Yasuo Fukuda còn nhận được sự ủng hộ của các đại diện cơ sở LDP ở địa phương nên việc đắc cử chức Chủ tịch LDP của cựu Chánh Văn phòng Nội các đã được định sẵn.

Có người nói rằng, ông Yasuo Fukuda sẽ là người "trừ tà" cho những vấn đề mà người tiền nhiệm Shinzo Abe gặp phải và là người có thể đem lại ổn định trên chính trường sau một năm đầy sóng gió và bê bối. Nhiều người cho rằng, ông Yasuo Fukuda có thể không vấp phải những sai lầm của người tiền nhiệm Shinzo Abe bởi cựu Chánh Văn phòng Nội các là người ôn hòa và có nhiều kinh nghiệm trên chính trường.

Được biết, cách đây 31 năm (năm 1976) bố của ông Yasuo Fukuda, cựu Thủ tướng Takeo Fukuda là người đã vực dậy nền kinh tế trì trệ bằng cách tạo thêm nhiều việc làm và đầu tư. Giới chuyên môn nhận định, tân Chủ tịch LDP Yasuo Fukuda là một nhà hoạch định chính sách ngoại giao giỏi và từng phản đối việc thăm đền Yasukuni, do đó khả năng lấy lại uy tín cho đảng cầm quyền là điều không quá khó.

Thách thức đầu tiên cho tân Thủ tướng là việc duy trì hoạt động quân sự của Nhật Bản tại Ấn Độ Dương, nơi binh sĩ nước này làm hậu cần cho quân đội Mỹ tại Afghanistan - ủng hộ hậu cần cho cuộc chiến tại Afghanistan bất chấp sự phản đối của dư luận Nhật Bản.

Thách thức tiếp theo là sự chia rẽ trong quốc hội, nơi đảng đối lập đang kiểm soát Thượng viện

Quốc Trung
.
.
.