Những sự kiện nổi bật đánh dấu năm 2012

Thứ Năm, 27/12/2012, 08:00
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu, cuộc nội chiến tại Syria và các cuộc bầu cử tại Venezuela và Mỹ... là một số trong những sự kiện đánh dấu năm 2012.

1. Tổng thống Mỹ Barrack Obama tiếp tục nắm giữ quyền lực

Tổng thống Mỹ đã giành chiến thắng sít sao trước ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney sau khi chiếm được sự ủng hộ rộng rãi của giới trẻ, phụ nữ và người Latinh. Ông Obama sẽ tiếp tục ngồi lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2, bắt đầu từ tháng 1/2013.

Trong nhiệm kỳ mới của mình, ông Obama sẽ phải đối mặt với vấn đề hóc búa của nước Mỹ hiện nay là "vách đá tài chính" và điều chỉnh chính sách đối ngoại trong bối cảnh Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

2. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tại vị

Năm 2012 đối với Tổng thống Chavez có hai cột mốc khó quên là căn bệnh ung thư và chiến dịch bầu cử tổng thống Venezuela.

Với tỉ lệ 55%/44% số phiếu bầu, ông Chavez đã “đè bẹp” Thống đốc trẻ tuổi của bang Miranda Henrique Capriles để tiếp tục cương vị thuyền trưởng của con thuyền Venezuela.

Tổng thống Chavez đã chiến thắng với 55% số phiếu bầu so với 44% của ứng viên Capriles.

Trong nhiệm kỳ thứ ba của mình, Tổng thống Chavez đang tìm cách thúc đẩy dự án "Chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XXI" qua chính sách trợ cấp và quốc hữu hóa các công ty, việc mà trước đó bị gián đoạn do ông phải sang Cuba chữa bệnh ung thư.

3. Chính phủ Colombia bắt đầu đàm phán với FARC

Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia FARC tuyên bố bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột nội bộ tại nước này.

Theo đó, giai đoạn đầu của cuộc đàm phán sẽ được tổ chức ở La Habana, thủ đô Cuba.

Trước đó, vào tháng 11/2012, FARC tuyên bố một lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài trong 2 tháng như một động thái thiện chí.

Trong tháng 12, các cuộc đàm phán bước vào giai đoạn thứ hai. Hai bên sẽ tiếp nhận những yêu cầu của công dân Colombia về việc làm thể nào để thực hiện cải cách ruộng đất. Vấn đề sở hữu đất đai là một trong những mục tiêu mà hai bên tập trung trong cuộc đàm phán.

4. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu

Tình hình kinh tế tại Hy Lạp và Tây Ban Nha không còn là những tiêu điểm của năm 2012 khi mà Chính phủ của cả 2 nước đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính.

Các biện pháp kinh tế khắc nghiệt được hai chính phủ áp đặt đã gây ra những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng hai nước.

Tây Ban Nha, với tỉ lệ thất nghiệp gần 25%, đã thực hiện một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bung cũng như cải cách tài chính và lao động với nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách và thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ có thể tự quản lý được vấn đề tài chính của mình mà không cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp và Tây Ban Nha sẽ bị thu hẹp hơn nữa trong khu vực đồng Euro trong năm 2013.

Tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha sẽ giảm 1,3% trong năm 2013 trước sức giảm 1,5% của năm 2012 và sức tăng 0,4% trong năm 2011. Tương tự như vậy, tăng trưởng kinh tế Hy Lạp sẽ giảm 4% trong năm 2013, trong khi vào năm 2012, con số này là 6%.

5. Syria và Ai Cập, tàn dư của mùa xuân Ả Rập

Tình trạng xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập ở nước này leo thang nghiêm trọng làm hơn 42.000 người thiệt mạng, hơn 3 triệu người phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Trong khi Liên Hợp Quốc chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng, thì Tổng thống Assad kiên quyết không thoái lui.

Tương tự như vậy, ở Ai Cập, dân chúng đổ xô ra đường sau những quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Mohamed Morsi.

Tháng 11/2012, vị Tổng thống này ban hành một sắc lệnh  nhằm bảo vệ các quyết định của ông trước các thách thức về pháp luật cho tới khi quốc hội mới được bầu. Sắc lệnh mới này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của Thượng viện, trao cho Tổng thống quyền hạn mới nhằm cho phép ông sa thải Công tố trưởng dưới thời cựu Tổng thống Mubarak và bổ nhiệm công tố mới.

Quyết định này của ông Morsi chính là nguyên nhân chính của các cuộc biểu tình bạo lực ở Cairo.

6. Liên Hợp Quốc nâng cao vị thế của Palestine

Ngày 29/11, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên phi thành viên.

Cuộc đối đầu của lực lượng Israel và các chiến binh Hamas kéo dài trong 8 ngày.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau cuộc đối đầu của lực lượng Israel và các chiến binh Hamas kéo dài trong 8 ngày, làm thiệt mạng 160 người, chủ yếu là dân thường ở Dải Gaza.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau đó đã ngay lập tức cho bắt đầu xây dựng các khu định cư mới của Israel tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Động thái này được xem sự trả đũa sau cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc.

Với vị thế mới của mình, chính quyền Palestine lần đầu tiên có quyền đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý quốc tế, đồng thời tiến sát hơn một bước đến mục tiêu thành quốc gia độc lập.

7. Trung Quốc bầu lãnh đạo mới

Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 8 đến 14/11 đã hoàn thành việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 5 của nước này. Theo đó, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân Ủy Trung ương.

Sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc diễn ra giữa cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản.

8. Bộ đôi Putin - Medvedev tiếp tục lãnh đạo Nga

Tại cuộc bầu cử Tổng thống Nga ngày 4/3/2012, ông Putin đã giành thắng lợi và trở lại cương vị người đứng đầu điện Kremlin và người tiền nhiệm Dimitry Medvedev trở thành Thủ tướng.

Trên cương vị Tổng thống, ông Putin đặt trọng tâm phát triển đất nước vào vấn đề đại đoàn kết dân tộc, phát triển nước Nga hiện đại, toàn diện và tăng cường các nỗ lực liên kết trong không gian hậu Xô Viết.

9. "Nóng" chủ quyền biển đảo ở Biển Đông và Đông Bắc Á

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á cũng như giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quân đảo Điếu Ngư/Senkaku và giữa Nhật Bản - Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokdo gây ra căng thẳng chưa từng có trong khu vực.

Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, trên nguyên tắc còn đang trong tình trạng chiến tranh, không thể đồng ý về đường phân ranh giới trên vùng biển phía Tây. Mối căng thẳng này không chỉ ở khía cạnh ngoại giao, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của các bên liên quan

Hà Khổng (Tổng hợp)
.
.
.