Những lo lắng đáng quan tâm sau trận động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc

Thứ Hai, 22/04/2013, 14:28
Mặc dù số người chết, mất tích và mất nhà cửa trong trận động đất mạnh 7 độ richter xảy ra lúc 8h2' ngày 20/4 tại huyện Lư Sơn, thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên ít hơn nhiều so với trận động đất cách đây gần 5 năm tại huyện Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên (12/5/2008) nhưng những quan ngại xung quanh vấn đề này không vì thế mà giảm bớt.

Bởi người dân sống gần 3 hồ chứa nước ở tỉnh Tứ Xuyên đã được sơ tán sau khi xuất hiện những vết nứt, một số khu vực đã xuất hiện tình trạng lở đất, chấn động của trận động đất lan tới các tỉnh, thành như Thiểm Tây, Quý Châu, Trùng Khánh và Cam Túc, hơn nữa đã có 1.165 dư chấn sau trận động đất ngày 20/4. Dư luận cũng lo ngại, các dư chấn và thảm họa phụ sẽ xảy ra như lở đất, lũ bùn, sập hang động, sạt lở bờ sông…

Từ những con số biết nói

Tuy thành phố Nhã An được coi là nơi khai sinh ra văn hóa trà của Trung Quốc, nhưng khoảng 1,53 triệu dân tại đây là những người nằm gần tâm chấn nhất của trận động đất ngày 20/4 và điều này khiến người ta nhớ tới trận động đất tại huyện Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên (12/5/2008) từng khiến 87.000 người thiệt mạng, mất tích, hơn 4,8 triệu người mất nhà bởi 7.789.100 nhà cửa bị hư hại, cùng 13.685 dư chấn. Tâm chấn động đất hôm 20/4 nằm ở một khu vực nông thôn, cách thủ phủ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên khoảng 115km. Vì động đất xảy ra ở độ sâu 12km nên có sức tàn phá mạnh.

Giới chuyên môn cho rằng, trận động đất ở huyện Lư Sơn giống trận động đất ở huyện Vấn Xuyên ở chỗ cả hai trận động đất đều hình thành từ một khu vực đứt gãy địa chất ở núi Long Môn (tỉnh Tứ Xuyên). Khu vực đứt gãy dọc theo vành đai 500 km của dãy núi Long Môn tuy ít xảy ra nhưng thường có cường độ mạnh.

Giới truyền thông cho biết, số người chết trong trận động đất mạnh 7 độ richter (Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho rằng, trận động đất này chỉ 6,6 độ richter) tiếp tục tăng. Tính đến 10 giờ ngày 21/4 đã có 203 người chết và 24 người vẫn mất tích, 11.492 người bị thương, trong đó có 960 người bị thương nặng, nhưng lực lượng cứu hộ cũng đã cứu được 93 người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Trận động đất làm hơn 10.000 ngôi nhà bị phá hủy, hệ thống điện và nước tại khu vực này bị tê liệt. Tại Bảo Hưng, huyện có dân số 58.000 người, hầu như mọi ngôi nhà đều bị hư hại, trong đó có nhiều ngôi nhà mới xây dựng lại sau trận động đất cách đây gần 5 năm.

Các nhà mạng Trung Quốc đã tăng cường dịch vụ di động và dịch vụ 3G để hỗ trợ công bố tìm kiếm nạn nhân và người sống sót. Bởi chỉ 2 giờ sau khi động đất xảy ra, đã có hơn ba triệu lượt đăng tải tìm người thân mất tích trên trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Weibo và các trang mạng xã hội khác.

Theo tờ Times of India, những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất đã gửi tin nhắn điện thoại SMS và tin nhắn trên các trang mạng xã hội để cầu cứu. Một trong các mối quan tâm nhất hiện nay là vấn đề dân sinh của người dân vùng thiên tai, nhất là những người mất nhà cửa. Ngoài những thiệt hại vật chất, phải tính tới các di sản văn hoá bởi trận động đất ở huyện Vấn Xuyên từng cướp đi 127 di vật văn hoá cấp quốc gia và 192 di vật văn hoá cấp tỉnh. Cách đây gần 5 năm, khoảng 70.000 người sống ở vùng tâm chấn động đất ở huyện Vấn Xuyên, lại bắt đầu một cuộc sơ tán khẩn cấp mới bởi nguy cơ lở đất sau nhiều ngày mưa lớn diễn ra…

Ngay sau khi biết tin, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã chỉ thị, yêu cầu lực lượng quân đội và cảnh sát vũ trang làm tốt công tác tìm kiếm cứu trợ thiên tai, nhấn mạnh thiên tai động đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho nhân dân địa phương, do đó phải nhanh chóng huy động lực lượng ra tuyến đầu, triển khai công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai. Các lực lượng cứu trợ thiên tai cần phải phát huy tinh thần của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là “biết đánh trận và phải thắng trận”, dốc sức tìm kiếm cứu trợ người dân bị mắc kẹt, dốc sức cứu chữa những người bị thương, nỗ lực đề phòng thiên tai tiếp theo, tích cực phối hợp với địa phương làm tốt công tác bố trí sắp xếp người dân ổn định trật tự xã hội khu vực thiên tai, ngoài ra, các lực lượng cứu trợ thiên tai nhất định phải chú ý vấn đề an toàn của bản thân.

Công tác cứu hộ sau trận động đất mạnh 7 độ richter ngày 20/4.

Về phần mình, ngay sau khi đến khu vực thiên tai, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trực tiếp chỉ huy công tác cứu trợ thiên tai tại Quảng trường Chính quyền xã Long Môn, huyện Lư Sơn, thành phố Nhã An, với yêu cầu nhanh chóng thông suốt con đường đi tới Bảo Hưng, để khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm cứu trợ.

Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu trong 24 giờ sau khi động đất xảy ra là cứu mạng người gặp nạn. Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Vương Đông Minh đã tuyên bố tình trạng phản ứng khẩn cấp cấp một để huy động lực lượng chữa cháy, y tế của tỉnh đến ứng cứu nạn nhân tại các khu vực động đất. Tư lệnh không quân Mã Hiểu Thiên đã thành lập trung tâm cứu trợ không quân tại huyện Cung Lai (tỉnh Tứ Xuyên), còn Bộ Tư lệnh Không quân đã điều 2 máy bay trinh sát đến khu vực động đất để chụp ảnh. Được biết, Trung Quốc đã triển khai hơn 6.000 binh lính, cảnh sát và nhân viên cứu hộ cùng xe cơ giới, máy bay trực thăng tới khu vực thiên tai để tham gia công tác cứu hộ. Hơn 10.000 binh sĩ của Quân khu Thành Đô được đặt trong tình trạng sẵn sàng để chi viện khi cần thiết.

Tới những trận động đất lớn từng xảy ra

Tháng 5/2008, 69.181 người chết, 374.171 người bị thương và 8.498 người mất tích sau trận động đất mạnh 8 độ richter tại tỉnh Tứ Xuyên.

Tháng 7/2006, 22 người thiệt mạng, 106 người bị thương sau trận động đất mạnh 5,1 độ richter ở tỉnh Vân Nam.

Tháng 11/2005, 13 người chết và hàng trăm người bị thương sau trận động đất mạnh 5,7 độ richter ở tỉnh Hồ Bắc.

Tháng 7/2003, 16 người chết và khoảng 300 người bị thương sau trận động đất mạnh 6,2 độ richter ở tỉnh Vân Nam.

Tháng 2/2003, 268 người chết và bị thương sau trận động đất mạnh 6,8 độ richter ở tỉnh Tân Cương.

Tháng 2/2001, 10 người chết và khoảng 50.000 người rơi vào tình trạng không nhà cửa sau trận động đất mạnh 6 độ richter ở tỉnh Tứ Xuyên.

Tháng 1/1998, gần 50 người chết và hơn 2.000 người khác bị thương sau cơn địa chấn mạnh 6,2 độ richter làm rung chuyển tỉnh Hà Bắc.

Tháng 4/1997, khoảng 40 người chết sau trận động đất mạnh 6,6 độ richter tại tỉnh Tân Cương.

Tháng 1/1997, khoảng 50 người thiệt mạng và 40 người khác bị thương sau trận động đất ở tỉnh Tân Cương.

Tháng 5/1996, 15 người chết và hơn 200 người khác bị thương sau trận động đất mạnh 6,4 độ richter tại Khu tự trị Nội Mông.

Tháng 2/1996, 304 người chết và hơn 16.000 người khác bị thương sau trận động đất mạnh 7 độ richter ở tỉnh Vân Nam.

Tháng 4/1990, 126 người chết sau trận động đất mạnh 6,9 độ richter ở tỉnh Thanh Hải.

Tháng 11/1988, 730 người chết và khoảng 400.000 ngôi nhà bị phá huỷ sau trận động đất mạnh 7,6 độ richter ở tỉnh Vân Nam.

Tháng 8/1985, 67 người và 100 người bị thương sau trận động đất mạnh 7,4 độ richter ở tỉnh Tân Cương.

Tháng 1/1981, khoảng 150 người chết sau trận động đất mạnh 6,7 độ richter ở tỉnh Tứ Xuyên.

Tháng 7/1976, khoảng 270.000 người chết (có tài liệu nói hơn 240.000) khi trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại thành phố Đường Sơn. Đây là một trong những trận động đất lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tháng 2/1975, khoảng 1.300 người chết sau trận động đất mạnh 7,3 độ richter ở tỉnh Liêu Ninh.

Tháng 5/1974, khoảng 10.000 người chết sau trận động đất mạnh 7,1 độ richter ở tỉnh Vân Nam.

Tháng 1/1970, 15.621 người chết sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở tỉnh Vân Nam.

Tháng 12/1932, khoảng 70.000 người chết sau trận động đất mạnh 7,6 độ richter ở tỉnh Cam Túc.

Tháng 5/1927, khoảng 41.000 người chết sau trận động đất mạnh 8 độ richter ở tỉnh Cam Túc.

Tháng 12/1920, khoảng 230.000 người chết sau trận động đất mạnh 8,5 độ richter ở tỉnh Cam Túc.

Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ chia buồn với lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc về trận động đất mạnh 7 độ Richter xảy ra sáng 20/4 tại tỉnh Tứ Xuyên. Tổng thống Nga Putin đã gửi điện thăm hỏi tới Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Bức điện viết, trận động đất mạnh xảy ra tại huyện Lư Sơn, thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên đã gây thương vong nghiêm trọng, tôi xin gửi lời thăm hỏi tới Chủ tịch và Nga sẵn sàng hỗ trợ và phối hợp trong công tác khắc phục hậu quả động đất với Trung Quốc khi cần thiết. Tổng thống Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete cũng thay mặt chính phủ và nhân dân Tanzania cùng cá nhân bày tỏ sự chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân trận động đất. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi điện tới Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, bày tỏ cảm thông đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng có những hỗ trợ tối đa. Các nước Đức, Thái Lan, Nepal… cũng đã bày tỏ sự chia buồn tới Trung Quốc.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.