Những "kỷ lục Guinness" của Fidel Castro

Thứ Ba, 26/02/2008, 17:48
Năm 1986, Chủ tịch Fidel Castro lập một kỷ lục thế giới khi diễn thuyết liền 7 giờ 10 phút tại Quảng trường La Habana. Tài hùng biện thiên bẩm cùng khả năng diễn thuyết của Chủ tịch Fidel Castro là một trong những điều bí ẩn đầy thuyết phục đối với mọi người cũng như đối với nhiều chính khách nổi tiếng khác trên thế giới...

Dư luận thế giới đã có những phản ứng khác nhau xung quanh quyết định của Chủ tịch Fidel Castro, thôi không đảm đương các chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba.

Một trong những nguyên nhân khiến thế giới đặc biệt quan tâm tới vấn đề này bởi Chủ tịch Fidel Castro được coi là huyền thoại duy nhất đang sống trong lịch sử nhân loại, (lời của Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva hôm 20/2/2008).

Bức thư tâm huyết chiều 18/2/2008

Trong bức thư dài viết hồi 17h30 ngày 18/2/2008 được đăng trên website trang điện tử tờ Granma, nhật báo chính thức của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba hôm 19/2/2008 (được công bố trên mạng mà không có sự thông báo trước), Chủ tịch Fidel Castro đã bày tỏ mong muốn không đảm đương các chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Cuba. Bức thư có đoạn viết:

“Thưa đồng bào, hôm thứ sáu vừa qua, ngày 15/2, tôi đã hứa với đồng bào rằng, sắp tới tôi sẽ giải quyết một vấn đề vì lợi ích nhân dân. Vì thế, đây còn hơn một thông điệp. Giờ đã đến thời điểm đề cử và bầu chọn Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, các Phó chủ tịch và thư ký".

Sau khi đã bình phục hoàn toàn trí lực của mình, tôi đã đọc và suy nghĩ rất nhiều, mặc dù vẫn phải nghỉ dưỡng. Thể lực của tôi vẫn đủ để ngồi viết hàng giờ liên tục song song với việc phục hồi sức khỏe với một chương trình bình phục kèm theo.

Nhưng khi nói về sức khỏe của mình, tôi luôn chú ý tránh ảo tưởng, để nếu xảy ra một kết cục xấu sẽ không gây sốc cho nhân dân. Trách nhiệm hàng đầu của tôi là chuẩn bị cho sự vắng mặt, cả về tâm lý lẫn chính trị, bởi tôi chưa bao giờ cho rằng quá trình phục hồi lại "không có rủi ro". Tôi luôn có ý nguyện thực thi nghĩa vụ của mình đến hơi thở cuối cùng và đó là điều tôi có thể khẳng định”.

Từ những suy nghĩ kể trên nên Chủ tịch Fidel Castro đã khẳng định: “Tôi xin thông báo với đồng bào rằng, tôi sẽ không ra ứng cử và cũng sẽ không nhận, tôi xin nhắc lại, tôi sẽ không ra ứng cử và cũng sẽ không nhận chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng tư lệnh quân đội Cuba".

Chủ tịch Fidel Castro cho rằng: "Sẽ là phản bội lương tâm của chính mình nếu nắm giữ một trách nhiệm đòi hỏi phải đi lại nhiều và toàn tâm toàn ý trong khi điều kiện sức khỏe không cho phép”.

Chủ tịch Fidel Castro tin tưởng, chế độ Cuba có thể dựa vào những cán bộ trong đội vệ quốc trước đây cùng những người trẻ tuổi hiện nay để chọn người thay thế ông. Tuy nhiên, Chủ tịch Fidel Castro cũng nhắc nhở: “Đường đi luôn luôn khó khăn, đòi hỏi nỗ lực tài trí của mọi người. Tôi chẳng tin có những con đường dường như dễ dàng theo cách biện giải tôn giáo hoặc cách tự phê phán khắt khe như một phản đề. Luôn luôn phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Thận trọng với thành tích và kiên định với kẻ thù là một nguyên tắc không thể quên. Kẻ thù mà chúng ta phải đánh thắng còn rất mạnh, nhưng chúng ta đã kìm chân chúng trong nửa thế kỷ qua".

Tuy nhiên, Chủ tịch Fidel Castro cũng nêu rõ, Chủ tịch không ra ứng cử các chức vụ không phải là sự từ biệt và khẳng định sẽ vẫn tiếp tục sự nghiệp cách mạng của mình. Chủ tịch Fidel Castro viết: “Tôi không chia tay với đồng bào. Tôi chỉ mong muốn chiến đấu như một chiến sĩ tư tưởng. Tôi sẽ tiếp tục viết bài dưới tiêu đề “Những suy ngẫm của đồng chí Fidel”".

Cho dù tuyên bố nghỉ hưu nhưng đối với người dân Cuba, Chủ tịch Fidel Castro luôn là người anh hùng và là một huyền thoại, cả đời ông đã cống hiến cho cách mạng, chiến đấu vì độc lập dân tộc và vì sự đoàn kết của giai cấp vô sản trên thế giới. Trong lòng nhân dân Cuba, Chủ tịch Fidel Castro mãi mãi là lãnh tụ tinh thần, là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Việc rút lui khỏi chính trường của Chủ tịch Fidel Castro đã được dư luận đề cập từ lâu sau khi ông hầu như không xuất hiện trên truyền hình và trong các hoạt động chính trị lớn của Cuba kể từ tháng 7/2006 sau cuộc phẫu thuật ruột.

Điều này càng được khẳng định sau khi Chủ tịch Fidel Castro một lần nữa viết thư cho biết, ông không phải là người "ham hố quyền lực" và sẽ mở đường để những thế hệ trẻ hơn tiếp tục nắm quyền từ tháng 12/2007.

Chủ tịch Fidel Castro và quyền chủ tịch Raul Castro.

Sự thừa nhận muộn màng của Mỹ và những mưu đồ đen tối chống lại Chủ tịch Fidel

Ngày 19/2/2008, hơn 100 hạ nghị sĩ Mỹ gồm cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã ký tên vào một bức thư gửi Ngoại trưởng Rice, đề nghị chính quyền xem xét lại chính sách bao vây cấm vận chống Cuba, được các đời tổng thống Mỹ thực hiện gần 50 năm qua.

Trong thư các hạ nghị sĩ thừa nhận, gần 50 năm qua Mỹ đã thi hành chính sách bao vây kinh tế và cô lập ngoại giao nhằm mục tiêu thay đổi Chính phủ Cuba. Tuy nhiên, sự kế tục có trật tự ở Cuba cho thấy chính sách này không thành công. Các hạ nghị sĩ cũng cho rằng, chính sách của Mỹ đã không gây được bất kỳ ảnh hưởng nào ở thời điểm quan trọng này và cũng không mang lại lợi ích quốc gia nào cho Mỹ.

Cách đây gần 2 năm, Trung tâm McConnell của Trường đại học Louisville, Mỹ đã đưa ra một đánh giá gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Theo đó, Tổng thống John Kennedy đã quyết định ủng hộ các phần tử lưu vong phản động Cuba (1.500 tên) đổ bộ vào vịnh Con Lợn nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp của Chủ tịch Fidel Castro.

Ngay từ ngày 11/12/1959, Giám đốc đầu tiên của CIA là Allen Dulles đã kiến nghị với Tổng thống Dwight Eisenhower - cần phải lựa chọn ngay một kế hoạch để trừ khử Fidel Castro.

Và ngày 13/1/1960, một “Nhóm đặc trách” đã ra đời để lên kế hoạch ám sát Chủ tịch Fidel Castro. Thành viên của "Nhóm đặc trách” gồm nhiều nhân vật quan trọng, trong đó có Giám đốc CIA Allen Dulles, Cố vấn An ninh quốc gia Gordon Gray và Đô đốc chỉ huy tác chiến thủy quân Arleigh Burke.

Tướng Maxwell Taylor cũng từng tuyên bố: “Chúng ta đều có cảm tưởng chung là không thể có sự chung sống lâu dài với Fidel Castro như một người hàng xóm". Theo tướng Fabian Escalande, cựu Trưởng ban Phản gián An ninh quốc gia Cuba, trong mấy chục năm qua, CIA đã tìm đủ mọi cách sát hại bằng được Chủ tịch Fidel Castro.

CIA đã áp dụng tất cả mọi ngón nghề - từ những thủ đoạn hèn hạ như tẩm độc vào xì gà, rải chất nổ trong các vỏ sò, tặng bộ đồ bơi giết người, cho đến những kế hoạch hãm hại quy mô lớn như thả chất độc gây rối loạn thần kinh hòng khiến Chủ tịch Fidel Castro mất tự chủ trong các buổi diễn thuyết, sử dụng các tập đoàn mafia trong thế giới ngầm ở Mỹ để giết Chủ tịch Fidel Castro, kích động, mua chuộc các phần tử khủng bố cướp máy bay gây bất ổn tình hình Cuba... Nhưng tất cả những mưu đồ này đều thất bại.

Những "kỷ lục Guinness" Chủ tịch Fidel Castro...

Tên đầy đủ của Chủ tịch Fidel Castro là Fidel Alejandro Castro Ruz. Ông sinh ngày 13/8/1926 tại nông trang Manacas nằm ngay trong thành phố Biran, tỉnh Oriente trong một gia đình chủ đồn điền mía giàu có.

Tháng 9/1960, Chủ tịch Fidel Castro đã lập kỷ lục Guinness khi diễn thuyết liền 4 giờ 29 phút tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Sau đó (1986), Chủ tịch Fidel Castro lại lập một kỷ lục thế giới mới khi diễn thuyết liền 7 giờ 10 phút tại Quảng trường La Habana. Tài hùng biện thiên bẩm cùng khả năng diễn thuyết của Chủ tịch Fidel Castro là một trong những điều bí ẩn đầy thuyết phục đối với mọi người cũng như đối với nhiều chính khách nổi tiếng khác trên thế giới.

Khi bị chính quyền của Tổng thống Fulgencio Batista bắt và phải ra tòa năm 1953, Chủ tịch Fidel Castro đã có bài tự bào chữa nổi tiếng với tên gọi "Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi". Chủ tịch Fidel Castro là nhà lãnh đạo quốc gia nước ngoài duy nhất đã vào tận vĩ tuyến 17, Quảng Trị của Việt Nam để động viên đồng bào, chiến sĩ ta nơi tuyến lửa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Fidel Castro: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" đã trở thành bất hủ. Chủ tịch Fidel Castro là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, là người đã luôn ở bên cạnh, ủng hộ, gắn bó với nhân dân Việt Nam trong những năm tháng khó khăn, khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Và Chủ tịch Fidel Castro đã trải qua cuộc đối đầu với 10 đời tổng thống Mỹ - từ Dwight Eisenhower đến George W.Bush. Theo ông Fabian Escalante, người từng làm nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Fidel Castro, đã có tới 638 lần Mỹ và các thế lực thù địch mưu sát ông, song đều bất thành. Đây là một kỷ lục về ám sát trên thế giới nhằm vào một chính khách.

Chủ tịch Fidel Castro còn là một trong những chính khách nhận lời chúc mừng sinh nhật một cách độc đáo. Ngày 13/8/2007, Chủ tịch Fidel Castro đã nhận được lời chúc sinh nhật lần thứ 81 của 5 sĩ quan tình báo Cuba đang bị giam giữ ở nhà tù Mỹ. Những lời chúc mừng này được đăng trên tờ Granma.

Và nếu những tiên đoán của bác sĩ Eugenio Selman Housein, người đứng đầu đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Fidel Castro trở thành sự thật thì ông sẽ là chính khách đầu tiên trên thế giới có thể sống tới 140 tuổi.

Có một chi tiết rất đáng chú ý, đó là sau khi biết tin Chủ tịch Fidel Castro lâm trọng bệnh, bà Mirta Diaz Balart, 78 tuổi, người vợ đầu tiên của ông đã quyết định trở về nước sau 40 năm sống ở Tây Ban Nha.

Điều đáng nói là bà Mirta Diaz Balart là con gái của nhà độc tài Fulgencio Batista. Và kể từ khi chuyển đến thủ đô Madrid của Tây Ban Nha sinh sống, bà Mirta Diaz Balart đặc biệt kín tiếng về quãng thời gian sống với Chủ tịch Fidel Castro.

Có một vấn đề cũng được nhiều người nhắc tới là, tạp chí Forbes đã thông tin Chủ tịch Fidel Castro đang “sở hữu một số tiền khổng lồ” – 900 triệu USD năm 2006 và 550 triệu USD năm 2005. Chủ tịch Fidel Castro khẳng định, thu nhập của ông chỉ vẻn vẹn có 53 USD/tháng – thật lố bịch khi nói tôi có tới 900 triệu USD, số tài sản không có người thừa kế.

Thậm chí Chủ tịch Fidel Castro còn tuyên bố, sẽ từ chức nếu Forbes chứng minh được ông có tài sản gửi ở nước ngoài, dù đó chỉ là 1 USD. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cuba Francisco Soberon cho rằng, Cơ quan Tình báo Mỹ đứng đằng sau thông tin trên tạp chí Forbes với mục đích bôi nhọ Chủ tịch Fidel Castro.

Người có khả năng kế nhiệm Chủ tịch Fidel Castro

Vì Chủ tịch Fidel Castro quyết định nghỉ hưu trước thời điểm Quốc hội mới khai mạc (24/2/2008) để bầu Ban lãnh đạo mới nên vấn đề ai sẽ là người kế tục sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Fidel Castro đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, dư luận chung đều cho rằng, người có khả năng sẽ thay thế Chủ tịch Fidel Castro, lãnh đạo đất nước Cuba là quyền Chủ tịch Raul Castro. Được biết, Chủ tịch Fidel Castro đã tạm chuyển giao quyền lực cho em trai mình là Raul Castro từ hôm 31/7/2006.

Ông Raul Castro, 76 tuổi, người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong một thời gian dài đã điều hành đất nước gần 2 năm nay với tư cách là quyền Chủ tịch. Mặc dù cực lực phản đối Mỹ đã cấm vận Cuba gần 50 năm qua, nhưng quyền Chủ tịch Raul Castro vẫn để ngỏ việc cải thiện quan hệ với Mỹ.

Ông Raul Castro từng tuyên bố: “...Chúng ta một lần nữa khẳng định, Cuba muốn giải quyết những bất đồng lâu nay với Mỹ trên cơ sở thương lượng, nếu họ chấp nhận điều kiện của chúng ta rằng, Cuba là một đất nước không chấp nhận bất cứ ai phủ bóng đen lên nền độc lập của mình”.

Ông Raul Castro được kỳ vọng sẽ tiến hành cải cách kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và bên cạnh ông, Chủ tịch Fidel Castro vẫn có thể giữ vai trò cố vấn với cương vị Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba và chính khách lớn tuổi. Hơn nữa, Chủ tịch Fidel Castro vẫn tiếp tục vai trò của một cố vấn cho chính phủ trong những vấn đề trọng yếu.

Giới bình luận cho biết, quyền Chủ tịch Raul Castro đã nói, Ban lãnh đạo tương lai của Cuba sẽ thuộc về một số cán bộ cấp cao khác. Nhưng chưa rõ ai sẽ là người được lựa chọn để kế nhiệm ông Raul Castro.

Dư luận tin rằng, trước mắt ông Raul Castro sẽ thúc đẩy cuộc cải cách kinh tế cùng những cải tổ khác. Ông Raul Castro thậm chí đã bày tỏ sự quan tâm đối với kinh nghiệm xây dựng Chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc khi có chuyến thăm Bắc Kinh cách đây 11 năm (tháng 11/1997).

Năm 2007, quyền Chủ tịch Raul Castro đã tuyên bố, theo đó Cuba cần phải thay đổi cấu trúc và thừa nhận, lương nhà nước còn thấp không đáp ứng nhu cầu cơ bản.

Giới bình luận nhận định, tình hình Cuba trong 17 tháng qua cho thấy sự chuyển giao quyền lực ở quốc đảo này đang diễn ra suôn sẻ, quá trình cách mạng Cuba vẫn ổn định và điều này chứng tỏ khả năng lãnh đạo sáng suốt của quyền Chủ tịch Raul Castro

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp) - ANTG số 732
.
.
.