Điều tra cái chết của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjold:

Những giả thuyết mới về sự liên quan của tình báo phương Tây

Thứ Hai, 11/05/2015, 08:32
Cùng với việc mở lại cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay làm cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Dag Hammarskjold thiệt mạng, các nhà điều tra LHQ đã phát hiện ra những manh mối mới cho thấy có sự liên quan của tình báo Mỹ và châu Âu.

Bí ẩn vụ tử nạn máy bay

Là người duy nhất được trao tặng giải thưởng Nobel hòa bình sau khi mất, Dag Hammarskjold là cha đẻ của sứ mệnh gìn giữ hòa bình bằng vũ trang đầu tiên của LHQ, sau cuộc khủng hoảng ở Suez, Đông Bắc Ai Cập. Nhưng những cống hiến của vị cố Tổng thư ký LHQ người Thụy Điển được nhiều người yêu mến này đã đột ngột chấm dứt vào đêm 18/9/1961 sau khi chiếc máy bay DC 6 chở ông và 15 người khác gặp nạn tại Bắc Rhodesia (nay là Zambia). 

Nguồn tin từ tờ Telegraph cho hay, khi đó, ông Dag Hammarskjold đang trên đường tới cuộc đàm phán ngừng bắn tại một khu vực ly khai giàu khoáng sản ở Congo. Đây là nơi mà một trong số những sứ mệnh gìn giữ hòa bình khác của cố Tổng thư ký LHQ bị sa lầy trong những vấn đề chính trị phức tạp cũng như chịu ảnh hưởng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjold.

Cho đến nay, vụ tai nạn máy bay này vẫn chưa được lý giải một cách đầy đủ. Gần 10 cuộc điều tra riêng rẽ của chính quyền địa phương và sau đó là của Liên Hợp Quốc đều kết luận rằng không loại trừ có một âm mưu nhằm vào ông Dag Hammarskjold. 

Gần đây nhất, vào tháng 7 năm 2012, một nhóm các luật gia quốc tế gồm cựu thẩm phán Anh Stephen Sedley, cựu thẩm phán Nam Phi Richard Goldstone, nhà ngoại giao Thụy Điển Hans Corell và thẩm phán Hà Lan Wilhelmina Thomassen đã được ủy nhiệm tái điều tra về cái chết của Tổng thư ký LHQ. Họ đã điều tra rất kỹ quanh thông tin rằng người Mỹ định thủ tiêu ông Dag Hammarskjold nhưng một năm sau đó, cũng không thể xác định được nguyên nhân vụ tai nạn. 

Trong khi đó, tại châu Phi, một nhân viên của tổ chức nhân đạo làm việc tại đây tên là Goran Bjorkdahl đã bí mật tiến hành điều tra vụ tai nạn bí ẩn đối với cố Tổng thư ký LHQ và sau 3 năm, ông đưa ra câu trả lời với những bằng chứng là lời kể của những người chứng kiến vụ tai nạn. Theo đó, chiếc máy bay chở ông Dag Hammarskjold đã bị một chiếc máy bay khác nhỏ hơn bắn hạ ở phía Bắc Rhodesia (nay là Zambia). 

Gải thích của ông Goran Bjorkdahl là chỉ một vài giờ sau khi máy bay chở cố Tổng Thư ký LHQ bị rơi, lực lượng an ninh Bắc Rhodesia đã có mặt và phong tỏa hiện trường trước khi đưa ra những công bố chính thức về việc phát hiện mảnh vỡ của máy bay. Hành động này của chính quyền Bắc Rhodesia đã chứng tỏ ý định che giấu nguyên nhân thật sự vụ tai nạn của Anh, quốc gia khi đó đang nắm quyền lãnh đạo và điều hành ở khu vực. Hơn nữa, một vài người chứng kiến vụ tai nạn máy bay này sau đó đã bị bắt giam. 

Kết quả điều tra của ông Goran Bjorkdahl còn chỉ ra, sau khi máy bay bị bắn hạ và rơi xuống đất, vẫn còn một người trên máy bay còn sống. Nhưng người này sau đó cũng đã không qua khỏi trên đường đưa đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương.

Và 4 giả thuyết mới

Dựa vào những thông tin từ cuộc điều tra của Goran Bjorkdahl, hồi tháng 3 vừa qua, LHQ tiếp tục chỉ định một nhóm điều tra độc lập mới do luật sư người Tanzania Mohamed Othman đứng đầu với sự trợ giúp của Kerryn Macaulay, chuyên gia về hàng không người Australia và Henrik Larsen, người chuyên nghiên cứu, phân tích đường đạn của Hà Lan. 

3 nhân vật này đã trở lại hiện trường vụ tai nạn và đang cố gắng xây dựng chi tiết những gì đã xảy ra vào đêm 18/9/1961. Sau hơn một tháng điều tra, họ đã tìm ra được một số manh mối quan trọng cho thấy có sự liên quan mật thiết của tình báo Mỹ, phương Tây trong vụ tai nạn này. Đồng thời, đội điều tra còn dựng lên 4 giả thuyết khác nhau trong đó khả năng lỗi của phi công gần như đã được loại bỏ. 3 giả thuyết còn lại cho thấy thực sự có âm mưu sát hại cố Tổng thư ký Dag Hammarskjold. 

Hiện trường vụ tai nạn máy bay chở ông Dag Hammarskjold. Ảnh: AP.

Một trong những giả thuyết này là người Mỹ đã ra lệnh bắn hạ máy bay. Nguyên nhân của việc này, theo phân tích của luật sư Mohamed Othman là vì ông Dag Hammarskjold đã gửi lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tới ủng hộ, trợ giúp Thủ tướng Congo thời bấy giờ là Patrice Lumumba trong khi Tổng thống Mỹ John F.Kennedy lại coi Patrice Lumumba thuộc lực lượng chống phá và là đồng minh của Liên Xô. 

Bằng chứng cho việc này là một bức điện tín chỉ ra rằng, Mỹ và Anh rất tức giận về việc Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold đã cho phép tiến hành chiến dịch hòa bình nhằm ủng hộ chính quyền Congo và đoạn hội thoại ngắn qua sóng radio của hai nhân viên tình báo Mỹ nói: “Người Mỹ đã bắn máy bay của LHQ. Đó là một máy bay. Chúng ta đã bắn trúng. Nó đã bị rơi”. 

Giả thuyết thứ hai là lính bắn thuê của phương Tây hạ máy bay. Nguyên hai trợ lý của ông Dag Hammarskjold cũng từng công bố bức thư trong đó chỉ rõ, những tay súng bắn thuê đã bắn cảnh báo nhằm vào máy bay chở ông Dag Hammarskjold với ý định buộc máy bay của ông phải hạ cánh xuống khu vực khác theo yêu cầu của họ để tiến hành đàm phán. Tuy nhiên, lần bắn cảnh cáo này đã bất ngờ hạ luôn. Luật sư Mohamed Othman không loại trừ khả năng những tay súng bắn thuê này làm việc cho các nhà công nghiệp châu Âu và nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ Anh. 

Giả thuyết cuối cùng dựa theo quan điểm của viện sĩ Anh Susan Williams, người đã phát hành cuốn sách có tựa đề “Ai giết Hammarskjold?”. Trong đó, bà Susan Williams kết luận rằng có thể máy bay đã bị bắn rơi bởi một phi công người Bỉ. Chỉ ra phát hiện cụ thể là những bức ảnh của cố Tổng thư ký sau khi chết được chụp theo một cách nhằm che đi vùng quanh mắt phải của ông, hoặc chụp ở góc độ mà con mắt này không được nhìn thấy, bà Susan Willams còn cho rằng, có thể ông Dag Hammarskjold vẫn còn sống khi máy bay bị rơi nhưng sau đó có kẻ đã bắn phát đạn cuối cùng để ông ra đi mãi mãi... Điều này được cho là để giấu đi một vết thương. 

Chưa hết, người duy nhất sống sót sau vụ rơi máy bay, Harold Julian, nói rằng có một vụ nổ trước khi chiếc máy bay rơi xuống. Nhưng Lời khai này của Julian không được nhắc đến trong cuộc điều tra chính thức với lý do rằng ông không có đủ sức khỏe. Susan Williams đã tìm ra một báo cáo của bác sĩ chỉ ra rằng, ông Harold Julian hoàn toàn minh mẫn ở thời điểm đó. 

Một quan chức tình báo Mỹ tại một trạm thu phát sóng ở đảo Síp cho hay, ông đã nghe thấy một đoạn băng thu âm buồng lái máy bay từ Ndola. Trong đó, một phi công báo cáo việc áp sát chiếc máy bay DC6 của ông Hammarskjold. Những tiếng súng nổ được ghi nhận trong đoạn băng, và sau đó viên phi công nói: "Tôi vừa bắn trúng nó".

Chi Anh
.
.
.