Những điều ít biết về tân Giáo hoàng Francis đệ nhất

Thứ Sáu, 15/03/2013, 11:58
Vào 2h14 ngày 14/3 (theo giờ Việt Nam), Hồng y Jean-Louis Pierre Tauran xuất hiện trên ban công nhà thờ St. Peter, công bố tên Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo có lịch sử hơn 2.000 năm là Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, người Argentina.

Khoảng 60 phút trước đó, khói trắng bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine, công bố tới toàn thế giới rằng: 115 Hồng y đã bầu được tân Giáo hoàng để dẫn dắt giáo hội Công giáo. Được biết, các Hồng y đã bầu tân Giáo hoàng trong ngày thứ hai của Mật nghị Hồng y.

Những cái nhất của Giáo hoàng thứ 266

Theo hãng tin Reuters, ngay sau khi Hồng y Jean-Louis Tauran công bố tên hiệu mà tân Giáo hoàng đã chọn, các tín đồ tập trung tại quảng trường Thánh Peter hô to: "Giáo hoàng muôn năm". Sau lời giới thiệu của Hồng y Jean-Louis Pierre Tauran, tân Giáo hoàng với tên hiệu Francis đệ nhất (Francis I) đã xuất hiện trên ban công nhà thờ St. Peter, vẫy chào đám đông chào mừng tại quảng trường Thánh Peter đề nghị mọi người hãy cầu nguyện khi ngài ra dấu ban phước. Trong phẩm phục màu trắng, Giáo hoàng Francis đệ nhất tuyên bố: muốn cầu nguyện cho ngài Benedict XVI. Hãy cùng cầu nguyện để Chúa ban phước cho ngài và Đức Mẹ bảo vệ ngài. Sau khi chấp nhận trở thành Giáo hoàng thứ 266, các hồng y tuyên thệ trung thành với ngài và sau đó Giáo hoàng Francis đệ nhất cầu nguyện một mình.

Theo phát ngôn viên Vatican, Federico Lombardi, Giáo hoàng Francis đệ nhất đã gọi cho người tiền nhiệm Benedict XVI và dự kiến gặp ông. Vatican cũng hoan nghênh "sự dũng cảm" của các Hồng y khi bầu chọn Giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên tại mật nghị lịch sử ở nhà nguyện Sistine.

Giới truyền thông đưa tin, trong lần Mật nghị Hồng y năm 2005, Giáo hoàng Francis đệ nhất là người nhận được số phiếu cao thứ hai sau Giáo hoàng Benedict XVI. Tân Giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio đã trở thành người lãnh đạo của 1,2 tỷ tín đồ Công giáo sau 5 vòng bỏ phiếu ở Tòa thánh Vatican, nhiều hơn một vòng so với cuộc bầu chọn Giáo hoàng Benedict XVI cách đây 8 năm. Việc lần đầu tiên trong vòng 1.300 năm qua, Giáo hoàng không phải là người châu Âu đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận thế giới.

Tân Giáo hoàng được biết tới với một chân dung giản dị và khổ hạnh dù là Tổng giám mục - đi xe buýt công cộng, tự làm đồ ăn và nổi tiếng là người dễ gần, sống trong một căn hộ nhỏ chứ không phải cung điện. Những người quen biết tân Giáo hoàng mô tả Tổng giám mục Buenos Aires là người hiền lành, ít nói, khiêm nhường, bảo thủ về mặt giáo luật, có quyết tâm về công bằng xã hội và tránh xa tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Tân Giáo hoàng thường đi ngủ vào lúc 21h, thức dậy từ 4h30 sáng và được coi là người ít có đời sống xã hội.

Bà Francesca Ambrogetti, đồng tác giả cuốn tiểu sử của tân Giáo hoàng cho biết: ông có cuộc đời chỉn chu, mộc mạc và khi đến Rome bay hạng vé phổ thông. Còn ông Gustavo Boquin, cựu phát ngôn viên của tân Giáo hoàng cho biết: ông là một thầy tu thân thiện, gần gũi với mọi người, chọn tên Thánh Francis của thành Assisi - người có công cải cách nhà thờ và là người khiêm nhường, dùng lại phẩm phục của người tiền nhiệm, nhưng mong muốn đối thoại.

Lần đầu tiên trong lịch sử, người đứng đầu Vatican không phải là người châu Âu.

Ngoài ra, việc bầu chọn Giáo hoàng Francis đệ nhất cũng phủ nhận những đồn đoán trước đó bởi Giáo hoàng Francis đệ nhất là người cao tuổi nhất trong số những ứng cử viên sáng giá, các Hồng y đã không bầu Giáo hoàng mới trẻ tuổi sau khi Giáo hoàng Benedict XVI từ chức vì lí do tuổi tác và sức khoẻ. Hãng CNN cho biết, năm 2012, Giáo hoàng Francis đệ nhất vẫn là Tổng giám mục Buenos Aires trước khi rời chức vụ này vì tuổi cao (giữ chức Tổng giám mục Buenos Aires từ năm 1998 và trở thành Hồng y vào năm 2001). Ông được coi là người thẳng tính và thuộc dòng tu bảo thủ nhất của giáo hội. Tân Giáo hoàng từng va chạm với chính phủ của Tổng thống Argentina Fernandez de Kirchner xung quanh quan điểm chống đối hôn nhân đồng tính cũng như phân phát miễn phí thuốc ngừa thai.

Những thách thức của tân Giáo hoàng

Trên khắp Mỹ Latinh, người dân đón nhận tin này với niềm vui sướng pha lẫn ngạc nhiên. Bởi trước đó tên của Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio không nằm trong danh sách những ứng cử viên sáng giá. Trước khi Mật nghị Hồng y bắt đầu, không có người nào “tỏa sáng” để thay thế Giáo hoàng Benedict XVI, người vừa từ nhiệm hôm 28/2 vì lý do sức khoẻ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hy vọng có dịp hợp tác với Tòa thánh dưới "tài lãnh đạo anh minh" của Giáo hoàng Francis đệ nhất. Đồng thời tuyên bố, Liên hợp quốc và Giáo hội Công giáo La Mã có những "mục tiêu chung" trong phát triển hòa bình, công bằng xã hội và nhân quyền, cũng như việc trừ tận gốc nạn đói nghèo.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thay mặt người dân Mỹ gửi "những lời chúc nồng ấm" tới tân Giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio và ca ngợi ngài là "giáo hoàng đầu tiên của người dân châu Mỹ". Tổng thống Barack Obama còn nói: Sự lựa chọn tân Giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio thể hiện sức mạnh và sức sống của một khu vực đang ngày càng hình thành nên thế giới của chúng ta, và cùng hàng triệu người Mỹ gốc Tây Ban Nha xin chia sẻ niềm vui với ngày lịch sử này. 

Liên minh châu Âu (EU) cũng gửi những lời chúc mừng chân thành đến tân Giáo hoàng, đồng thời kêu gọi ông thúc đẩy hòa bình, đoàn kết và phẩm giá con người trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng. Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Jose Manuel Barroso cùng ra tuyên bố chung gửi lời chúc mừng chân thành đến Giáo hoàng Francis đệ nhất - Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ngài sẽ tiếp tục dùng lòng quyết tâm và sức mạnh từ những nỗ lực của những người tiền nhiệm để mang nhân dân và các tôn giáo trên thế giới xích lại gần nhau hơn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng ca ngợi và gửi lời chúc mừng. Từng đám đông tại quảng trường Thánh Peter đã hò reo và chuông đổ ồn ã khi làn khói trắng xuất hiện. Bất chấp trời đổ mưa, hàng chục ngàn người hành hương vẫn đổ về vây kín quảng trường Thánh Peter để mừng tân Giáo hoàng. Một số giáo dân cho biết: “Đây là khoảnh khắc lịch sử và thật may mắn vì đã có mặt tại đây để chứng kiến thời khắc tuyệt vời này".  

Giới truyền thông cho rằng, tân Giáo hoàng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa nảy sinh trong Giáo hội hiện nay như khó khăn về tài chính, scandal lạm dụng tình dục và những cáo buộc về việc đấu đá trong nội bộ tại Vatican. Nhiều Hồng y đã bày tỏ hy vọng, Giáo hoàng Francis đệ nhất sẽ giải quyết tốt các vấn đề khó khăn của giáo hội. Một trong những thứ đang chờ tân Giáo hoàng tiếp nhận là bản báo cáo điều tra về vụ Vatileaks do người tiền nhiệm Benedict XVI niêm phong tại tư thất của giáo hoàng ở Vatican và quyết định chỉ dành riêng cho người kế vị đọc.

Giáo hoàng Francis đệ nhất sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires trong một gia đình trung lưu gốc Italia, có tổ tiên di cư sang Argentina. Sau khoảng 1.300 năm, một Giáo hoàng không xuất thân từ châu Âu lại được bầu và Giáo hoàng Francis đệ nhất là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên, là người châu Mỹ đầu tiên trở thành Giáo hoàng, là Giáo hoàng đầu tiên hô hấp chỉ bằng một lá phổi - phải cắt một lá phổi khi ở tuổi thiếu niên và là Giáo hoàng đầu tiên chọn tên hiệu Francis - vị thánh bảo trợ cho người nghèo. Sau khi tốt nghiệp năm 22 tuổi, ông gia nhập Dòng Tên và nhận bằng triết học. Sau đó, ông được thụ phong linh mục (năm 1969) và từng học ở Chile (học khoa học xã hội) và Đức (lấy bằng Tiến sĩ tại Freiburg) nhiều năm sau đó. Ông bắt đầu thăng tiến nhanh kể từ tháng 5/1992 khi Giáo hoàng John Paul II chỉ định làm trợ lý Tổng giám mục Buenos Aires. Năm 1998, ông trở thành Tổng giám mục và 3 năm sau trở thành Hồng y.

Có 9 bí ẩn về Mật nghị Hồng y. Thứ nhất, ý nghĩa của sự kiện "mật nghị". Thứ hai, không thể dò la. Thứ ba, khổ sở vấn đề vệ sinh. Thứ tư, sắp chấm dứt thời kỳ trống tòa. Thứ năm, các phiếu đã kiểm sẽ được khâu lại. Thứ sáu, khói màu đi kèm chuông. Thứ bảy, áo choàng Giáo hoàng có đủ kích cỡ. Thứ tám, đặt cược vào Giáo hoàng. Thứ chín, căn phòng nước mắt. Nhân dịp này, văn phòng truyền thông Vatican cũng vừa tiết lộ hợp chất tạo khói màu trắng và màu đen sử dụng trong Mật nghị Hồng y để biết kết quả bỏ phiếu.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.