Hậu "vách đá tài chính" tại Mỹ:

Những cảnh báo mới đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới

Thứ Hai, 07/01/2013, 09:09
Mỹ có nguy cơ vỡ nợ nếu không nâng trần nợ trước tháng 3/2013, còn châu Âu tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng năm thứ 3 liên tiếp nếu các nước thành viên không có những nỗ lực mới.

Cảnh báo kể trên của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi diễn ra trong bối cảnh Mỹ vừa thoát khỏi "vách đá tài chính". Bà Christine Lagarde cũng khuyến cáo về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng mới do quy mô của kinh tế Mỹ, châu Âu cũng như quan hệ của những nước này đối với thế giới về thương mại đầu tư. Bà Christine Lagarde từng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Mỹ đưa ra một chiến lược toàn diện và cân bằng để giúp nước này thoát khỏi "vách đá tài chính".

Và cách tốt nhất để giải quyết những bế tắc trong chính sách tài chính là Quốc hội và Nhà Trắng phải đạt được một giải pháp cân bằng giữa việc tăng ngân sách thông qua tăng thuế hoặc tạo thêm các nguồn thu mới và cắt giảm chi tiêu liên bang.

Mặc dù Quốc hội Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách tăng thuế đối với giới giàu có nhằm tránh nguy cơ "vách đá tài chính", nhưng giới chức nước này vẫn cần đàm phán về trần nợ công sau khi chạm ngưỡng 16.400 tỷ USD hôm 31/12/2012. Những cảnh báo của Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định (5/1): sẽ không tiến hành thương lượng về mức trần nợ công, nhằm tránh cho nước Mỹ lại rơi vào tranh cãi.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Bởi thỏa thuận ngân sách vừa đạt được chỉ là một bước đi nhằm hướng tới việc cải thiện các vấn đề tài chính và kinh tế của đất nước và nước Mỹ không còn đủ sức cho các cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách và những bất đồng trong Quốc hội đang khiến cho giới chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng mất niềm tin.

Theo ông Barack Obama, Mỹ hoàn toàn có thể cắt giảm chi tiêu mà không cần cắt giảm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo việc làm, nghiên cứu và công nghệ. Tổng thống Barack Obama đưa ra những tuyên bố kể trên nhằm cảnh báo các nghị sỹ đảng Cộng hòa không nên khơi mào "cuộc chơi nguy hiểm" đe dọa nền kinh tế đất nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner của đảng Cộng hòa cho rằng, mức trần nợ công được tăng lên phải được thực hiện kèm với một khoản cắt giảm tương đương trong ngân sách chi tiêu của liên bang. Được biết, tối 1/1 (theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật (với 257 phiếu thuận và 167 phiếu chống) đã được Thượng viện thông qua (với 89 phiếu thuận và 9 phiếu chống) nhằm giúp nước Mỹ thoát khỏi "vách đá tài chính".

Theo đó, đề xuất tăng thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD/năm. Trợ cấp thất nghiệp tiếp tục được thực hiện trong khi khoản cắt giảm chi tiêu công tự động 109 tỷ USD sẽ được gia hạn thêm 2 tháng nữa.

Để lưỡng viện thông qua dự luật kể trên, ông Barack Obama đã phải nhượng bộ phe Cộng hòa khi chỉ tăng thuế đối với những cá nhân có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD/năm, thay vì mức 200.000 USD/năm và 250.000 USD/năm như đề xuất ban đầu. Đây là lần đầu tiên thuế thu nhập tại Mỹ tăng kể từ năm 1993.

Cơ quan Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết, dự luật tránh "vách đá tài chính" sẽ khiến ngân sách liên bang thâm hụt thêm gần 4.000 tỷ USD khi tiếp tục áp mức thuế thấp đối với phần lớn người dân Mỹ. Điều đáng nói là mặc dù Tổng thống Barack Obama đã ký thông qua dự luật tài chính (3-1), trong đó tăng thuế đối với giới nhà giàu, nhưng sau khi tránh được "vách đá tài chính", Mỹ vẫn vướng vào nợ công.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner từng cảnh báo, Washington sẽ áp dụng các biện pháp "bất thường" để quốc hội có thêm thời gian đàm phán nhằm nâng mức trần nợ công. Năm 2011, nền kinh tế Mỹ từng đụng trần nợ công và quốc hội không đạt được thỏa thuận do bất đồng sâu sắc.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa từng tuyên bố, sẽ dùng việc này để buộc Tổng thống Barack Obama phải cắt giảm thêm chi tiêu công. Các nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase và Bank of America cho rằng, kế hoạch ngân sách mới sẽ làm giảm 1% GDP của Mỹ trong quý I/2013 và nước này chỉ có thể phục hồi vào cuối năm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng tuyên bố: nếu không có "vách đá tài chính", Mỹ có thể đánh bại nhiều đối thủ.

Ông Leon Panetta cũng cảnh báo, tình hình bế tắc về ngân sách và sự lựa chọn chi tiêu của các nghị sĩ là 2 mối đe dọa lớn nhất của quân đội Mỹ hiện nay. Giới kinh tế cho rằng, nếu thực hiện chương trình "thắt lưng buộc bụng", Mỹ có thể giảm mức thâm hụt ngân sách khoảng 700 tỉ USD vào cuối năm 2013 và việc này sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới lấy lại niềm tin của giới đầu tư.

Nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke từng cảnh báo, việc thực thi những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" sẽ làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đã yếu ớt và có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới suy thoái trở lại...

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.