Những bí mật về người lái xe của Lênin

Chủ Nhật, 07/10/2012, 23:30
Từng một thời là người lái xe của Nữ hoàng Nga Alêxanđra Phêđôrôvna, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Xtêpan Cazimirôvích Ghin được chuyển sang lái xe cho nhà lãnh đạo cách mạng V.Lênin. Khi Lênin bị điệp viên Caplan ám sát, Ghin đang đứng cạnh lãnh tụ và đã cõng Lênin vào xe để đưa tới bác sĩ. Ông đã có mặt trong buổi lễ tang truy điệu Lênin. Nhưng rồi sau đó, Xtêpan Ghin biến mất, để lại một khoảng trống gần một phần tư thế kỉ trong hồ sơ lí lịch của ông...

Về sau, Đại tá Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) Nicôlai Cukin đã được phái đi tìm nhân vật đặc biệt này. Và sự việc đã sáng tỏ.

Một thời ẩn dật

Xtêpan Ghin về sống ẩn dật tại một xóm nhỏ ở ngoại ô thành phố Grôđnô của nước Bêlarux ngày nay (thành phố này trước năm 1944 thuộc Ba Lan). Đại tá KGB Nicôlai Nicôlaêvích Cukin đã tới đây vào năm 1946, khi còn là một Trung úy đặc nhiệm KGB.

Ông nhớ lại rõ ràng từng chi tiết: “Tôi được phái tới đây để khắc phục những tàn tích và hậu quả của cơ quan phản cách mạng ở nước cộng hòa này. Một thời, tôi được tham gia chiến dịch tiêu trừ bọn culắc phản động có những trang ấp giàu có nơi đây. Tháng 3/1950, tôi được lệnh đưa gia đình Xtêpan Cazimôvích Ghin đến sống tập trung ở vùng Xibir. Tôi đến đó cùng với ba chiến sĩ Hồng quân. Ông Ghin cùng vợ và cha mẹ đón tiếp chúng tôi.

Người chủ nhà khá tầm thước, hơi gầy, hình như muốn nói gì đó với chúng tôi nhưng cố ghìm lại. Chỉ khi người vợ cùng cha mẹ ông bước lên xe (để tới nhà ga lên tàu đi Xibir) thì bỗng ông ta xin được quay trở lại ngôi nhà của mình để lấy cái gì đó. Tôi đi theo ông. Ông ta đứng lên chiếc ghế và trèo vào khe hở giữa trần nhà và nóc tủ đứng lớn. Ông lấy ra một cuộn giấy đã ố vàng rồi đưa cho tôi.

Tôi mở cuộn giấy và nhìn, thật sững sờ: đó là tấm bằng chứng nhận ghi rằng Xtêpan Ghin là người lái xe riêng của Chủ tịch Hội đồng Dân ủy (Chính phủ), tức Lênin! Tài liệu do cục trưởng Bôntr Bruêvích kí. Trong đó còn có một giấy cảm ơn và một tấm ảnh người lái xe trẻ Ghin đứng bên cạnh xe. Tôi biết được rằng đó là chiếc xe của Lênin mà tôi từng thấy rõ ở nhiều ảnh khác trên các báo. Và tuy đã qua ngót 30 năm mà Ghin vẫn không hề thay đổi.

Tôi khẳng định trước mặt tôi đúng là người lái xe của Lênin. Chỉ có một điều khác tí chút là: Trong giấy gọi người phải chuyển chỗ ở là Xtanixlap Cazimirôvích Ghin còn trong chứng minh thư của ông thì viết Xtêpan Cazimirôvích Ghin. Trả lời câu hỏi này, Ghin giải thích: “Tôi là người Ba Lan. Đây là quê hương tôi. Khi trở lại đây sinh sống, tôi được đăng kí theo tên ấy – tên đã ghi trong hồ sơ gốc. Còn ở Petrôgrat và Moskva thì tên gọn hơn, đơn giản là Xtêpan”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nói: “Đợi đã, tôi đi báo cáo với cấp trên về anh”. Tôi tới văn phòng Tỉnh ủy. Thủ trưởng của tôi lúc đó là Đại tá Alêxây Phlorôv, tôi đưa hồ sơ đó cho ông. Phlorôv tới gặp Bí thư Tỉnh ủy Grôđnô Xécgây Pritưski. Lãnh đạo họp kín trong gần nửa giờ, sau đó ra lệnh cho tôi rút lại giấy di chuyển chỗ ở của Ghin”.

Trung úy KGB Nicôlai Cukin trở lại trang ấp của Ghin để thông báo tin vui đó. Người chủ nhà mời Cukin vào nhà và kể rõ sự tình của mình trong hơn hai mươi năm qua. “Sau ngày Lênin từ trần, tôi rời Moskva, trở về quê hương ở Grôđnô. Tại đây, nhờ bà con ruột thịt, tôi đã có được ngôi nhà vườn và trang ấp. Thật ra thì tôi đã buộc phải lẩn trốn quá khứ và mọi sự đã qua. Vào năm 1939, Grôđnô đã vào nước Ba Lan, tất cả trật tự xã hội bị tư bản khống chế. Tiếp đó, năm 1941, phát xít Đức chiếm Grôđnô, tôi vô cùng sợ hãi vì sợ người ta biết được tôi là người lái xe cho Lênin. Cuối năm 1944, khi Hồng quân đến giải phóng thì tôi lại sợ chính quyền Xô Viết, sợ họ “để bụng” vì sao tôi tự ý rời Moskva”.

Xtêpan Ghin im lặng rồi chỉ vào cái áo khoác của mình: “Đây chính là chiếc áo khoác mà tôi đã mặc vào tháng 8/1918. Vào ngày đó, tại nhà máy, tên gián điệp Mikenxon Caplan đã bắn Lênin bị thương. Tôi lập tức dùng hai tay bế lãnh tụ vào ô tô. Tôi muốn đưa Lênin tới nhà thương, nhưng Người đã ra lệnh đưa ngay về Điện Kremli...”.

Lênin ngồi ghế cuối xe; Xtêpan Ghin ngồi sau tay lái.

Người của Sa hoàng đến với Bôn Sê Vích

Thời đó ban lãnh đạo KGB đã cảnh báo với nhân viên Nicôlai Cukin rằng hãy im lặng về sự kiện đó. Nhưng vị này lại muốn gặp gỡ Ghin một lần nữa để biết thêm những tình tiết mới về ông.

Trong lệnh bắt Ghin đi đày có nói rõ rằng ông không những có trang ấp, máy móc nông nghiệp mà còn có cả ôtô để đi lại giữa thành phố Grôđnô và thị trấn Ôzera. “Tôi nhớ rõ rằng Ghin đã đi tới thành phố rồi sau vài ngày tôi lại thấy ông trên quảng trường – Nicôlai Cukin nhớ lại – Tôi lập tức đuổi theo nhưng bị mất hút giữa đám đông người. Mấy hôm sau, tôi tới trang trại của ông và tò mò tìm kiếm. Nhưng ngôi nhà trống trơn. Những người hàng xóm nói rằng gia đình ông đã chuyển đi và không để lại địa chỉ. Vậy là đã mất hút dấu vết của Ghin.

Tôi tiếp tục phân tích tình huống. Tôi lục tìm trong 5 tập hồi kí viết về Lênin năm 1934, nhưng không tìm thấy một bài nào của Ghin – người suốt sáu năm ngày nào cũng bên cạnh Lênin. Trong đó có bài viết của nhiều người mặc dù họ chỉ gặp gỡ Lênin có vài ba lần. Điều này có thể là vào năm 1934, Ghin đã rời khỏi đất nước – ông sang sống ở Ba Lan. Tuy nhiên, vào năm 1956 – 6 năm sau lần tới gặp ông, ở Moskva đã xuất hiện cuốn hồi ký của ông: “Sáu năm cùng với Lênin”.

Tôi không thể khẳng định nhưng cho rằng báo cáo về việc người lái xe của Lênin ở ẩn tại Grôđnô đã đến tay Xtalin. Và có thể là sự ra đi của Ghin khỏi trang ấp có liên quan tới sự tác động của cơ quan an ninh quốc gia đặc biệt. Vì họ cho rằng người như Ghin phải được giám sát theo dõi. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên là ông đã không bị ai bắt và đã được thoát nạn.

Mặt khác, số mệnh của ông cũng thật đặc biệt khác thường. Bởi vì trước Cách mạng ông là người lái xe riêng của nữ Sa hoàng Phêđôrôvna. Sau cách mạng, chiếc xe được quốc hữu hóa, còn ông là người lái xe lành nghề và kinh nghiệm nên cả ông và xe được trở thành “của hồi môn” cho lãnh tụ cách mạng Lênin. Có lẽ do Ghin “cao số” như vậy nên ông được trở về Moskva, được tặng căn hộ và in những hồi kí về Lênin của ông...”.

Sau nhiều tìm hiểu của các nhân viên an ninh quốc gia về nhân vật đặc biệt này, đã có kết luận chính thức: Xtêpan Cazimirôvích Ghin từ trần ở Moskva năm 1966, mai táng ở nghĩa trang Nôvôđêvích. Bia mộ ghi: “Ghin Xtêpan Cazimirôvích; 1888-1966; đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1930; tài xế riêng của V.I. Lênin”

Nguyễn Hữu Dy
.
.
.