Những bí mật của Tổng thống Mỹ Barack Obama

Chủ Nhật, 02/08/2009, 11:16
Ngay từ khi còn là ứng cử viên Tổng thống, ông Barack Obama đã hứa hẹn rằng, chính phủ do ông lãnh đạo "sẽ làm việc với sự công khai chưa từng bao giờ có". Tuy nhiên, theo website Washprofie, cho tới hôm nay vẫn còn không chỉ một lĩnh vực ở Mỹ, nơi mà sự công khai chưa thay thế được tính bí mật.

Một trong những trọng điểm trong chương trình vận động tranh cử của ông Barack Obama là: minh bạch, trách nhiệm báo cáo và luận chứng của các hành động của chính quyền tương lai ở nước Mỹ.

Ngay từ khi còn là ứng cử viên Tổng thống, ông đã hứa hẹn rằng, chính phủ do ông lãnh đạo "sẽ làm việc với sự công khai chưa từng bao giờ có". Tuy nhiên, theo website Washprofie, cho tới hôm nay vẫn còn không chỉ một lĩnh vực ở Mỹ, nơi mà sự công khai chưa thay thế được tính bí mật.

Ông Obama đắc cử được nhờ làn sóng bất mãn từ phía xã hội Mỹ đối với nhiều hành vi của chính quyền do ông George Bush lãnh đạo, cho phép tiến hành hàng loạt những chiến dịch bí mật gây nên làn sóng công phẫn của nhiều công dân Mỹ. Ngay khi vừa vào làm việc trong Nhà Trắng, ông Obama đã ký một loạt những sắc lệnh giúp người dân Mỹ dễ có khả năng tìm hiểu những thông tin về các hoạt động bí mật của chính quyền hơn.

Một bước tiến quan trọng là việc đưa vào chức Giám đốc CIA cựu Nghị sĩ Leon Panetta, một nhân viên cao cấp của Nhà Trắng, trước đó chưa hề có quan hệ nào đối với cộng đồng an ninh tình báo Mỹ. Tiếp theo, chính quyền của ông Obama đã xoá mật cho những tư liệu về "các phương pháp xét hỏi tàn bạo" (những người phê phán gọi đó là các biện pháp tra tấn) có sử dụng nước (dìm người bị thẩm vấn xuống nước), đã được sử dụng khi xét hỏi các nghi can khủng bố.

Tuy nhiên, vị Tổng thống Mỹ thứ 44 đã không đi tiếp những bước đang được trông đợi khác nữa. Sau những tranh luận kéo dài, ông Obama đã xem xét lại quyết định cũ của mình và cấm công bố những bức ảnh chụp các nạn nhân của những trò tra tấn vì lý do điều đó có thể kích động những vụ tấn công nhằm vào các công dân Mỹ trên toàn thế giới.

Nhà Trắng dưới thời của ông Obama cũng từ chối công bố kết quả cuộc thẩm vấn cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney mà Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tiến hành trong khuôn khổ điều tra câu chuyện của Valerie Plame (lãnh đạo văn phòng của ông Cheney đã bị kết án tù vì tội đã làm lộ chuyện Plame hoạt động cho CIA - bản thân Plame lại khẳng định rằng, việc làm lộ nhân thân của bà là do sự trả thù của một số nhân viên trọng yếu trong bộ máy của ông Bush).

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng sẽ tiếp tục tiến hành chính sách như dưới thời ông Bush trong một số vụ án nhất định nào đó. Theo cách thức này, một số khiếu tố lên toà án sẽ không thể được xem xét, nếu trong quá trình xét xử có thể phải tiết lộ những thông tin gây nguy hại tới an ninh quốc gia.

Sau đó, ông Obama đã hứa sẽ phủ quyết đạo luật có thể cho phép tăng mức độ kiểm tra của Quốc hội đối với CIA - trong trụ sở trên đồi Capitol, dự luật này đã được các ông nghị thảo luận rất sôi nổi. Không thể không nhận thấy rằng, tất cả những nhân viên của các cơ quan an ninh, từng ít nhiều liên quan tới các chương trình "nghe trộm" hay "các phương pháp xét hỏi tàn bạo" đều được tiếp tục ở nguyên vị trí cũ.

Về mặt nguyên tắc, điều này chỉ có thể nói lên rằng, ông Obama và các cố vấn của ông biết quá rõ lịch sử của các cố gắng cải cách hệ thống các cơ quan an ninh tình báo Mỹ. Những nỗ lực cải cách hệ thống này một cách căn bản từng được tiến hành trước đây đều không mang lại kết quả gì đáng kể.

Có lẽ câu chuyện sau đây đã được biết tới nhiều nhất. Năm 1977, sau vụ tai tiếng Watergate, Tổng thống Jimmy Carter đã cử vào ghế Giám đốc CIA đô đốc hải quân Stansfield Turner, người có tiếng là một vị chỉ huy thẳng thắn và có tính nguyên tắc cao. Khi nhậm chức, ông Turner hứa  rằng, ông thà từ chức còn hơn phải thực hiện một mệnh lệnh vi hiến hay sai trái của Tổng thống. Đô đốc Turner là người ủng hộ một chính phủ "cởi mở".

Ông từng khẳng định rằng, các điệp viên bí mật sẽ hoạt động tốt hơn nếu họ báo cáo công khai trước một cấp trên được bầu ra một cách dân chủ. Ngồi vào ghế Giám đốc CIA, ông Turner quả thực đã tiến hành một loạt những bước nghiêm túc. Ông đã đưa ra công khai hóa chương trình bí mật MK-ULTRA của CIA về thử nghiệm cái gọi là "Truth Drug" (các chất tác động lên thần kinh những người bị thẩm vấn để tìm ra sự thật).

Ông cũng đã cắt giảm hơn 800 vị trí trong bộ máy CIA - những người bị xoá biên chế chủ yếu là các nhân viên chuyên về các điệp vụ bí mật, chỉ có khoảng dưới hai chục nhân viên tác chiến bị mất việc vì quyết định này. Chính dưới thời của Tổng thống Carter với Giám đốc CIA Turner đã thông qua đạo luật Foreign Intelligence Surveillance Act, quy định cần phải có phép của tòa án mới được tiến hành nghe trộm điện thoại.

Tuy nhiên, chính những biện pháp như thế đã khiến cho hoạt động của các cơ quan an ninh Mỹ bị suy giảm chất lượng một cách nghiêm trọng: CIA gần như đã bị "ngã bổ chửng" vì đã không hề biết gì về cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran.

Trong cuốn sách "Phân tích các thông tin tình báo: Nguyên nhân, Trở ngại và Cải cách" (Analyzing Intelligence: Origins, Obstacles, and Innovations), gồm các bài viết của các chuyên gia trong lĩnh vực phân tích tình báo, đã đưa ra một thí dụ điển hình: vào khoảng một nửa năm trước khi diễn ra cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran, phòng phân tích của CIA đã công bố một bản báo cáo mà theo đó, chế độ của Quốc vương Iran, ở thời điểm ấy là một trong những đồng minh trọng yếu nhất của Washington, đang ổn định hơn bao giờ hết và không có gì đe dọa đối với sự tồn tại của nó cả (?!).

Rốt cuộc là Tổng thống Ronald Reagan đã buộc phải thay ông Turner bằng một đại diện của "trường phái an ninh cũ", ông William Casey. Vị Giám đốc CIA mới này đã kịp thời đưa hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ trở về với các phương thức làm việc quen thuộc.

Vụ tai tiếng Iran-Contras xảy ra sau đó cho thấy, ngay cả sau những cải cách của Tổng thống Carter, CIA vẫn không quên thói quen tiến hành các chiến dịch bí mật vi hiến

Hoàng Lương
.
.
.