Những bất cập trong hoạt động tình báo của Mỹ

Thứ Sáu, 07/12/2007, 16:56
Một số chuyên gia quân sự của Mỹ đã đánh giá quá cao các vai trò của tình báo khoa học công nghệ, thậm chí họ còn cho rằng sự phát triển của tình báo khoa học công nghệ trong tương lai sẽ thay thế hoàn toàn tình báo con người. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn khác.

Tại sao Mỹ quá coi trọng tình báo khoa học công nghệ?

Trong các cuộc chiến tranh cục bộ công nghệ cao, hệ thống tình báo kỹ thuật công nghệ tiên tiến của Mỹ đã cho thấy rõ vai trò và hiệu quả của nó vượt xa tình báo con người trong rất nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, thể chế tình báo của Mỹ vẫn đang tồn tại khá nhiều vấn đề. Có nhà phân tích đã mỉa mai rằng, “thành công” lớn nhất của thể chế này là mỗi năm tiêu tốn số ngân sách lên đến hơn 40 tỉ USD.

Người ta cho rằng, chỉ gần 1/10 số tiền như thế để tuyển điệp viên cũng có thể nắm được đối phương một cách đáng tin cậy mà các loại vệ tinh đắt tiền không thể phát hiện được.

Bên cạnh đó, hệ thống tình báo của Mỹ lại luôn “kiên trì” với luận điệu mang màu sắc quan liêu trầm trọng của mình: “Con người luôn có lý trí, hay nói cách khác con người có thể biến chính họ thành lý trí”, mà quên mất rằng, tình yêu, thù hận có thể khiến họ không còn có lý trí nữa.

Từ các cuộc chiến tranh ở Trung Đông thời gian vừa qua có thể thấy, không có bất kỳ cỗ máy tính hiện đại nào của Mỹ có thể mô tả hết được tính chất phức tạp, đầy biến động của con người ở đây.

Tuy vậy, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn quá ỷ lại vào hoạt động tình báo khoa học công nghệ, mà quên mất vai trò của tình báo con người. Họ quên mất rằng, mối đe dọa lớn nhất mà họ đang phải đối mặt chính là lòng thù hận khắc cốt ghi tâm của những con người cụ thể, cho dù máy móc có hiện đại, thông minh hay dày đặc đến cỡ nào đi nữa cũng không thể đoán ra được.

Giới chức lãnh đạo thượng tầng của hệ thống tình báo Mỹ có niềm tin tuyệt đối vào khoa học công nghệ và các trang thiết bị máy móc, thế nhưng họ lại luôn nghi ngờ và cảnh giác đối với những người xung quanh mình. Trong các quy tắc đối với hoạt động tình báo, máy móc là toàn năng, còn con người là ổn định và nguy hiểm.

Điều khiến các nhà quyết sách của Mỹ luôn tự hào là, họ có thể sử dụng các thủ đoạn kỹ thuật công nghệ cao để cắt chặn các đường dây điện thoại bí mật của đối phương, hoặc có thể sử dụng hệ thống vệ tinh dày đặc của mình để theo dõi và giám sát, thế nhưng tất cả những điều này vẫn không thể giúp Mỹ tránh được việc ném bom điên cuồng vào các mục tiêu giả tạo của đối phương, không thể phán đoán được các chương trình phát triển vũ khí cũng như ý đồ tác chiến của đối phương.

Kinh nghiệm từ cuộc Chiến tranh lạnh đã khiến Mỹ luôn trung thành với các phương thức kỹ thuật công nghệ để giải quyết các thách thức tình báo mà họ gặp phải. Bởi lẽ, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, mối đe dọa mà họ gặp phải rất phù hợp với các phương thức đo đạc cụ thể để đối phó.

Thậm chí, Cơ quan Tình báo Lục quân Mỹ từng đưa ra quy chế tuyển người của mình là chỉ tuyển những nhân viên đã tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học công nghệ. Nguyên nhân của tình trạng này là các cơ quan tình báo đã quá quen với cách giải quyết mọi vấn đề bằng trang thiết bị kỹ thuật.

Chọn lựa nhân viên tình báo phù hợp

Gần đây, Chính phủ Mỹ bắt đầu tăng cường sự quản lý hoạt động của Cục Tình báo trung ương - CIA. Tuy nhiên xét về thực chất, thì hành động này chỉ được xem như biện pháp nửa vời. Mặc dù sự vận hành của cả một hệ thống tình báo đồ sộ như của Mỹ đòi hỏi có sự can thiệp rất lớn từ chính phủ, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất đối với các cơ quan tình báo Mỹ là làm thế nào để chọn lựa ra được những nhân viên tình báo phù hợp nhất.

Trong khi đó, điều khiến giới tình báo Mỹ lo ngại là hiện nay không biết làm thế nào để tìm kiếm được một người như vậy. Trước mắt, việc chiêu mộ, huấn luyện, sử dụng và phát triển nhân sự tình báo của các cơ quan tình báo Mỹ vẫn đang được xây dựng trên mô hình của thời đại công nghiệp.

Việc “tuyển mộ những nhân viên tình báo giỏi nhất” của họ cơ bản không xuất phát từ nhiệm vụ thực tế, đa phần họ ưu tiên tuyển lựa những sinh viên tốt nghiệp hạng ưu, điều này có nghĩa là những người họ tuyển chọn phải có thành tích học tập xuất sắc, nhưng lại không có kinh nghiệm thực tiễn.

Nhưng những người này chỉ nắm bắt được các tri thức trong sách vở, trong khi đó nền an ninh Mỹ lại đang phải đối mặt với những mối đe dọa đến từ các tổ chức tội phạm toàn cầu, Chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và lòng thù hận chủng tộc.

Đối mặt với sự xuất hiện của các loại “bom người”, thì những người như vậy không thể đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ tình báo.

Từ thực tế đó, các cơ quan tình báo buộc phải đưa nhân viên tình báo chuyên nghiệp của mình (không chỉ có các nhân viên mật vụ) ra nước ngoài, giúp họ thâm nhập vào trong cơ sở văn hóa - xã hội của mục tiêu tình báo, để bồi dưỡng năng lực tình báo cho họ.

Đương nhiên, cũng không thể bỏ qua giá trị to lớn của thông tin tình báo kỹ thuật công nghệ, thế nhưng nếu như không có con người, thì máy móc, kỹ thuật công nghệ có tinh vi đến mấy thì những tham số kỹ thuật trên đó cũng không có ý nghĩa. Sai lầm mà các cơ quan tình báo mắc phải là do họ quá coi trọng những tham số, số liệu trên máy móc mà chưa qua phân tích đồng nhất với thông tin tình báo.

Việc thiếu kinh nghiệm thực tiễn đã khiến khả năng phân tích tình hình của các nhân viên tình báo Mỹ không có cơ sở. Cho dù có tiếp cận được với hàng đống tài liệu quan trọng thì đối với các nhân viên tình báo trẻ cũng chỉ là bề ngoài, mà không phải là những thông tin cao sâu khi không được phân tích đánh giá đúng.

Cùng với đó, việc quá ỷ lại vào tình báo công nghệ đã khiến tình báo Mỹ lạc hậu so với sự phát triển chung của tình báo thế giới. Đây là vấn đề đau đầu của chính phủ nước này sau khi cả hai cơ quan tình báo quan trọng của mình là CIA và FBI năm 2001 đã bất lực trước sự tấn công của lực lượng khủng bố

Vũ Anh (theo National Intelligence)
.
.
.