Nhiều giải pháp được đề xuất đảm bảo an toàn hạt nhân

Thứ Tư, 28/03/2012, 08:27
Các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Seoul (Hàn Quốc) đều vui mừng trước những tiến bộ đạt được; đề xuất nhiều biện pháp để thúc đẩy an ninh và an toàn hạt nhân.
>> Hàn Quốc: Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 2

Ngày 27/3, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Seoul (Hàn Quốc) với sự tham dự của hơn 50 nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã bế mạc bằng thông cáo chung thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên 11 vấn đề lớn về hạt nhân gồm: cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, vai trò của cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vật liệu hạt nhân, các nguồn phóng xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, an ninh vận chuyển, chống buôn lậu, giám định hạt nhân, văn hóa an ninh hạt nhân, an ninh thông tin và hợp tác quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần này đã thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo dư luận. Với 3 chủ đề thảo luận chính, hội nghị đã xác định phương hướng và thảo luận những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân trong tình hình mới. Phần lớn các nhà lãnh đạo đều đưa ra những đề xuất, sáng kiến mới và kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng phải kiểm soát việc cung cấp nguyên liệu hạt nhân trên thế giới, đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên tuyên bố sắp phóng tên lửa mang vệ tinh, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đều muốn tranh thủ ý kiến ủng hộ của nguyên thủ các quốc gia tại các cuộc gặp bên lề nhằm gây sức ép để Bình Nhưỡng ngừng kế hoạch phóng tên lửa.

Nguyên thủ các nước tham gia hội nghị đã đưa ra nhiều đề xuất biện pháp thúc đẩy an ninh, an toàn hạt nhân.

Phát biểu tại Hội nghị, với tư cách nước chủ nhà, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đánh giá cao những tiến bộ mà các nước đã đạt được trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân như những minh chứng sống động cho vai trò tập hợp ý chí chính trị của cơ chế hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân; khuyến khích các nước tiếp tục các nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế vì một thế giới an toàn hơn.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh tới việc ngăn chặn, không để nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay các thế lực khủng bố. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng có bài phát biểu kêu gọi lãnh đạo các nước cùng chung tay giải quyết tận gốc nỗi lo khủng bố hạt nhân trên thế giới.

Đại diện cho Việt Nam tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, xuất phát từ quan điểm nhất quán là chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và đóng góp thiết thực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý, hạ tầng an toàn, an ninh và tham gia các điều ước quốc tế, các sáng kiến liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả những cam kết của mình, đặc biệt là từ sau hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ nhất tại Washington D.C (Mỹ) năm 2010.

Nhiều biện pháp cụ thể của Việt Nam đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cao tại Hội nghị như việc đang hoàn tất thủ tục nội bộ gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; hợp tác có hiệu quả với IAEA, Mỹ và Nga trong việc hoàn tất việc chuyển đổi nhiên liệu uranium có độ làm giàu cao (HEU) sang loại có độ làm giàu thấp (LEU) tại lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và mới ký Hiệp định với Nga ngày 16/3/2012 về việc đưa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trở lại Nga; hợp tác có hiệu quả với Mỹ trong Sáng kiến thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho các cơ sở bức xạ có nguồn phóng xạ hoạt động cao, Sáng kiến ngăn chặn vận chuyển bất hợp pháp vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác, Sáng kiến Giảm thiểu nguy cơ phóng xạ toàn cầu (GTRI); đồng thời đang đàm phán với Mỹ tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123)...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và đang tích cực xem xét để phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung (AP). Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực cùng với các thành viên ASEAN khác tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân, trong đó có việc khuyến khích các nước có vũ khí hạt nhân sớm tham gia ký Nghị định thư của Hiệp ước Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân (SEANWFZ).

Về các biện pháp giải quyết vấn đề an toàn và an ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân là những nhân tố quan trọng nhất để giảm nguy cơ đối với an ninh và an toàn hạt nhân trong khi mỗi quốc gia cũng có quyền chính đáng trong việc sử dụng năng lượng và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình...

Sau nhiều giờ thảo luận, cuối cùng, các nước tham gia Hội nghị đều vui mừng trước những tiến bộ đạt được; đề xuất nhiều biện pháp để thúc đẩy an ninh và an toàn hạt nhân như khuyến khích các nước tham gia các điều ước quốc tế và cơ chế quốc tế về hạt nhân, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp trong nước, xây dựng các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân, tăng cường hợp tác quốc tế trên vấn đề này. Hội nghị quyết định sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tiếp theo vào năm 2014 tại Hà Lan

Gia Nam
.
.
.