Philippines đưa ra nhiều chứng cứ và lập luận quan trọng

Thứ Bảy, 11/07/2015, 11:41
Bên cạnh đội ngũ 35 quan chức cấp cao đến từ nhiều cơ quan chính phủ khác nhau, Philippines đã thuê hẳn một đoàn luật sư và chuyên gia nước ngoài trợ giúp trong việc tranh luận tại tòa án trọng tài biển nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của 5 thẩm phán trong việc bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cho đến nay, những tuyên bố cốt lõi của Philippines trong vụ kiện đều được cho là có căn cứ thực tế và đúng luật.

Lý lẽ của các luật sư

Trong 2 ngày đầu của phiên điều trần, giới chức Philippines đã đăng đàn trong đó đáng chú ý là bài phát biểu gây ấn tượng mạnh với 5 thẩm phán của Ngoại trưởng Albert del Rosario.

Từ chiều 9/7, các thành viên trong nhóm luật sư và cố vấn nước ngoài mà chính quyền Manila đã thuê bắt đầu biện luận. Đầu tiên là phát biểu của luật sư người Mỹ Paul Reichler thuộc Công ty luật Foley Hoag LLP có trụ sở tại thủ đô Washington D.C (Mỹ). 

Luật sư Paul Reichler cho biết, Philippines chọn giải pháp kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài biển là bởi Trung Quốc ngày càng có hành động đơn phương hung hăng trên biển Đông và các cuộc đàm phán giữa hai bên thường xuyên thất bại. Hơn nữa, vấn đề thẩm quyền của tòa án trọng tài có ghi trong Phụ lục VII của Công ước quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà cả Philippines và Trung Quốc đều đã ký kết và là thành viên. 

Điểm mấu chốt của UNCLOS mà Philippines đang dựa vào để tiến hành khởi kiện Trung Quốc, theo luật sư Paul Reichler chính là quy định rằng các quốc gia ven biển nằm sát với vùng lãnh hải trải dài 12 hải lý cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, được phép đánh cá và khai thác các nguồn tài nguyên dưới lòng biển. 

Luật sư Paul Reichler cho biết, các nội dung chính trong đơn kiện của Philippines bao gồm: bản đồ “Đường chín đoạn” không phù hợp với luật pháp quốc tế cụ thể là UNCLOS, và không thể đại diện cho quyền lợi của Trung Quốc đối với biển Đông; Philippines, cũng giống như Trung Quốc (và các quốc gia khác quanh Biển Đông), có quyền lợi ở lãnh hải rộng 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế kiêm thềm lục địa rộng 200 hải lý; bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là một “mỏm đá” theo định nghĩa trong Điều 121(3) của UNCLOS, nên quyền lợi của quốc gia sở hữu bãi cạn này sẽ chỉ giới hạn ở vùng lãnh hải rộng 12 hải lý chứ không phải vùng đặc quyền kinh tế kiêm thềm lục địa rộng 200 hải lý. 

Các báo cáo của Philippines và Mỹ cho hay, trong 2 tháng qua, Trung Quốc đã tăng đến 74% diện tích ở các đảo, tính trung bình mỗi ngày mở rộng 3,2ha diện tích đảo trên biển Đông. Ảnh: Telegraph.

Vì vậy, toàn bộ vùng biển tính từ điểm cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 12 hải lý tới điểm cách đảo Luzon của Philippines 200 hải lý sẽ là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chứ không phải của Trung Quốc; trong số 8 điểm Trung Quốc chiếm giữ tại Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam) thì có tới 5 điểm là mỏm đá hoặc đá ngầm và bãi cát nổi sau khi nước triều rút (mà Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng). 

Về các mỏm đá, quốc gia sở hữu sẽ chỉ có quyền lợi ở vùng biển quanh mỏm đá 12 hải lý còn các đá ngầm hoặc bãi cát nổi sau khi nước triều rút sẽ không giúp đem lại quyền lợi hàng hải gì.

Tiếp đó, GS Philippe Sands và GS Bernard H.Oxman đã có phát biểu xoáy sâu vào những hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc ở biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách vô lý về  “đường lưỡi bò” và lý giải tại sao tòa án trọng tài biển phải thực hiện quyền tài phán trong vụ kiện của Philippines.

GS Bernard H.Oxman đã tốt nghiệp khoa Luật Đại học Columbia từ năm 1965 và từng kinh qua vị trí phụ tá cố vấn pháp lý về đại dương, môi trường và khoa học ở Bộ Ngoại giao Mỹ; từng là đại diện thường trực của Mỹ tại Hội nghị Luật Biển LHQ lần thứ 3… 

Đặc biệt, trong buổi chiều 9/7, GS người Anh Alan Boyle đã đưa ra những lý lẽ xác đáng và bằng chứng đầy đủ về việc những tác hại đối với môi trường và hệ sinh thái biển ở biển Đông nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động đơn phương cải tạo đảo để hiện thực hóa yêu sách vô lý về “đường chín đoạn”. 

Viện dẫn các báo cáo của Philippines và Mỹ về việc trong 2 tháng qua, Trung Quốc đã tăng đến 74% diện tịch ở các đảo, tính trung bình mỗi ngày mở rộng 3,2ha diện tích đảo trên biển Đông, GS Alan Boyle khẳng định, các công trình xây dựng như vũ bão này đã phá hủy hơn 1.200m² san hô, gây thiệt hại kinh tế thường niên ước tính 100 triệu USD cho các quốc gia ven biển. Diện tích san hô bị hư hại này không thể phục hồi được và tạo ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh vật biển ở biển Đông. GS Alan Boyle nhấn mạnh, hành động này không thể chấp nhận được và cần phải ngăn chặn ngay lập tức.

GS Alan Boyle là chuyên gia về luật pháp quốc tế, đã tốt nghiệp Đại học Oxford, Đại học London, Đại học luật Texas, Đại học Paris… Ông chuyên nghiên cứu về luật môi trường quốc tế, luật biển và áp dụng các luật vào việc giải quyết những tranh chấp quốc tế.

Gần 8.000 trang tài liệu chứng cứ

Theo đánh giá của các nhà phân tích, trong phiên điều trần này, Philippines đã có sự chuẩn bị công phu với hệ thống dữ liệu và bằng chứng đồ sộ. Luật sư Lawrence Martin, cộng sự thân thiết của luật sư Paul Reichler tại Công ty luật Foley Hoag LLP cho hay, từ tháng 3/2014, chính quyền Manila đã trình tập hồ sơ pháp lý dày 4.000 trang lên tòa án. 

Tháng 3 vừa qua, nước này lại bổ sung hơn 3.000 trang tài liệu mới với những bằng chứng cụ thể mới được tìm thấy. Bên cạnh đó, Philippines cũng đã thu thập được gần 70 bản đồ cổ các loại khác nhau để chứng minh chủ quyền của mình ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và bác bỏ “đường chín đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra một cách mơ hồ ở Biển Đông. 

Chưa hết, hồi giữa tháng trước, một doanh nhân Philippines đã trao tặng cho Tổng thống Philippines Benigno Aquino III một tấm bản đồ 300 năm tuổi chỉ rõ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thuộc lãnh thổ của nước này từ 3 thế kỷ trước.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.