Nhật Bản kiên quyết duy trì ba nguyên tắc phi hạt nhân

Thứ Hai, 10/08/2015, 08:13
Ngày 9/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đánh dấu lễ tưởng niệm 70 năm Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki (9-8-1945 – 9-8-2015), làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, bằng lời cam kết nguyên tắc phi hạt nhân của đất nước mặt trời mọc. Thủ tướng Abe nhấn mạnh, các nguyên tắc “là chính sách quốc gia” và khẳng định “ba nguyên tắc phi hạt nhân là bất biến trong các chính sách” của nước này.

Vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân

Phát biểu tại buổi lễ diễn ra ở Công viên Hòa bình Nagasaki (Nagasaki Peace Park), Thủ tướng nêu rõ: “Là quốc gia duy nhất phải chịu đựng một cuộc tấn công hạt nhân trong thời chiến, tôi tái khẳng định, Chính phủ Nhật Bản quyết tâm đi đầu trong nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế vì một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân, và tiếp tục duy trì ba nguyên tắc phi hạt nhân trong tương lai”. 

Thủ tướng Abe cũng cho biết Nhật Bản sẽ nỗ lực vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân bằng cách hợp tác với các cường quốc hạt nhân và các nước không có vũ khí hạt nhân.

Theo đó, Nhật Bản sẽ trình lên phiên họp tới đây của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) một nghị quyết mới kêu gọi hủy bỏ các loại vũ khí hạt nhân. Nhật Bản cũng sẽ khuyến khích các lãnh đạo thế giới lắng nghe trực tiếp các nạn nhân của bom nguyên tử nói về thực tế thảm họa này. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện các nạn nhân còn sống và xúc tiến quá trình công nhận các bệnh liên quan đến phóng xạ hạt nhân.

Về phía chính quyền thành phố Nagasaki, trong Tuyên bố hòa bình được đọc tại buổi lễ trước sự hiện diện của hàng chục ngàn người và khách mời từ 75 quốc gia, Thị trưởng Tomihisa Taue kêu gọi cần thảo luận một cách “thận trọng” các đạo luật có thể dẫn tới sự thay đổi lớn trong quy mô quốc phòng của Nhật Bản, cũng như Hiến pháp bất bạo động của nước này. 

Thủ tướng Shinzo Abe tại Lễ tưởng niệm 70 năm Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki. Ảnh: Reuters.

Thị trưởng Taue nhắc lại rằng tính bất bạo động của Hiến pháp Nhật Bản xuất phát từ “những trải nghiệm đau buồn và ác nghiệt” của thảm họa bom nguyên tử cuối Thế chiến II, đồng thời nhấn mạnh: “Vì lợi ích của Nagasaki và lợi ích của toàn dân Nhật Bản, không bao giờ được quên một nguyên tắc hòa bình là chúng ta từ chối chiến tranh”.

Thị trưởng Taue kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các cường quốc hạt nhân khác tới thăm Hiroshima và Nagasaki “để tự mình thấy những gì đã xảy ra ở đây 70 năm trước”. Ông nhấn mạnh: “Việc thực hiện mọi nỗ lực để giải phóng thế giới khỏi vũ khí hạt nhân là cần thiết”, đồng thời khẳng định: “Chúng ta có sức mạnh để bảo vệ hòa bình mà không cần đến vũ khí hạt nhân và chiến tranh”. 

Trong khi đó, thay mặt cho Tổng Thư ký Ban Ki-Moon, LHQ cũng đưa ra tuyên bố: “Nagasaki phải là nơi cuối cùng - chúng ta không cho phép bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào nữa trong tương lai. Hậu quả đối với con người là quá lớn. Không có thêm những Nagasaki. Không có thêm những Hiroshima nữa”.

Lo ngại xung quanh “Ba nguyên tắc phi hạt nhân”

Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban đặc biệt của Hạ viện Nhật Bản về luật pháp trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani tuyên bố, các sửa đổi pháp luật về quốc phòng mà bây giờ Quốc hội nước này đang thảo luận mở ra triển vọng pháp lý để sử dụng các lực lượng phòng vệ trong việc vận chuyển vũ khí hạt nhân và hóa học. 

Phát biểu này của ông Nakatani đã gây ra sự lo ngại trong tầng lớp trí thức Nhật Bản về “ba nguyên tắc hạt nhân”, vì nó tạo ra khả năng cho Tokyo từ bỏ những nguyên tắc này, trong bối cảnh một số tàu sân bay hạt nhân Mỹ được cho là có mang theo vũ khí hạt nhân đã cập cảng nước này.  

Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty – NPT hoặc NNPT), được ký kết năm 1968 nhằm mục đích hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân, thường được tóm tắt thành ba Nguyên tắc trụ cột là: Không phổ biến, Giải giới (Giải trừ quân bị) và Quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hòa bình. 

Trong trường hợp Nhật Bản, “ba nguyên tắc phi hạt nhân” có nghĩa là Tokyo không mang từ nước ngoài vào, không chế tạo và không sở hữu vũ khí hạt nhân. Đối với mục “không mang từ ngoài vào”, nhà khoa học chính trị nổi tiếng của Nhật Bản, Giáo sư Shigeki Hakamada tới từ Đại học Aoyama Gakuin nhấn mạnh khả năng vũ khí hạt nhân hiện diện trên các tàu sân bay hạt nhân Mỹ cập cảng Nhật Bản là có, nhưng phía Nhật Bản cũng như phía Mỹ chưa bao giờ làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên, sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trên tàu Mỹ không bị coi là vi phạm “ba nguyên tắc phi hạt nhân”.

Giáo sư Hakamada nêu rõ: “Có nhiều cách lý giải khác nhau cho “ba nguyên tắc phi hạt nhân. Tuy nhiên, việc tàu sân bay hạt nhân Mỹ bố trí các loại vũ khí hạt nhân cập cảng Nhật Bản không được coi là vi phạm ba nguyên tắc này”. Về tuyên bố của Bộ trưởng Nakatani, Giáo sư Hakamada nêu rõ rằng, các luật mới tạo ra những cơ hội mới, nhưng không thể nói là các sửa đổi đó bác bỏ “ba nguyên tắc phi hạt nhân”. Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng tuyên bố của ông Nakatani hoặc việc thông qua sửa đổi luật về quốc phòng sẽ tạo điều kiện mới cho việc vi phạm “ba nguyên tắc phi hạt nhân”.

Vào lúc 11h02 ngày 9/8/1945 (giờ địa phương), quả bom “Fat Man”, nặng khoảng 4.670kg và mang lõi khoảng 64kg Plutonium-239, được thả xuống thung lũng công nghiệp của thành phố Nagasaki. 43 giây sau, nó nổ ở 469m cách mặt đất, ở giữa xưởng thép và vũ khí của Misubishi ở xưởng thủy lôi của Misubishi-Urakami. Vụ nổ có đương lượng 21 kiloton, nhiệt độ cao nhất đạt được là 3.871°C (7.000° Fahrenheit) và sức gió khoảng 1.000 km/h (624 mph). Theo ước tính, hơn 70.000 người trên tổng số 240.000 dân cư Nagasaki đã chết ngay và 60.000 người khác bị thương. Bán kính vụ nổ là 1,6 km, những đám cháy trải dài từ phần bắc của thành phố cho đến 3,2 km cách vụ nổ về phía Nam. Một số lượng không tính toán được những người sống sót từ vụ nổ ở Hiroshima sơ tán đến Nagasaki và lại bị đánh bom ở đây. Vụ việc này diễn ra chỉ ba ngày sau khi chiếc máy bay B-29 của Mỹ ném quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử, mang tên Little Boy, xuống thành phố Hiroshima, cướp đi sinh mạng của 140.000 người.
Khổng Hà (theo BBC, Reuters, Sputnik)
.
.
.