Nhật Bản chi 42 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng

Thứ Năm, 15/01/2015, 09:06
Với 42 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2015, Nhật Bản đang mở rộng hoạt động an ninh, quốc phòng và đây là năm thứ 3 liên tiếp quốc gia Đông Bắc Á này tăng chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng và hiện con số này chiếm khoảng 5% ngân sách quốc gia.

Việc chính quyền Tokyo tăng cường cho hoạt động quốc phòng không phải là thông tin mới. Tuy nhiên, số tiền 42 tỷ USD mà chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông qua ngày 14/1 đã thực sự thu hút sự chú ý, quan tâm của cộng đồng quốc tế. Theo thông tin từ hãng Reuters, mức tăng của ngân sách quốc phòng năm 2015 đã tăng 2,8% so với năm ngoái và là năm thứ 3 tăng liên tiếp, vượt kỷ lục năm 2002.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tiết lộ, ngân sách này sẽ bắt đầu từ tháng 4 năm 2015 và chủ yếu chi cho hoạt động bảo vệ vùng trời, vùng biển, lãnh thổ Nhật Bản, cũng như bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân nước này. Cụ thể, các hạng mục lớn được đầu tư bao gồm mua máy bay, tàu hải quân, phương tiện chiến đấu để bảo vệ vùng biên giới trên biển và các khu vực tranh chấp. Tờ Kyodo News tiết lộ rằng, dự kiến, lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ được trang bị thêm 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 5 máy bay MV-22, 20 máy bay tuần tra P-1, 1 máy bay cảnh báo sớm F-2D,  một tàu khu trục tiên tiến được trang bị hệ thống Aegis và 30 xe lội nước AAV7. 

Một số tờ báo trong khu vực dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Tokyo cho hay, ngoài số tiền 42 tỷ USD, Nhật Bản sẽ chi thêm 1,8 tỷ USD để thiết lập các căn cứ quân sự trên đảo Yonaguni. Và nếu cộng dồn hai khoản này thì mức chi cho quốc phòng của Nhật Bản vẫn chưa đạt con số 48 tỷ USD mà các nhà hoạch định quân sự nước này đề xuất từ hồi tháng 8 năm ngoái. Khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị tăng tới 3,5% cho ngân sách quốc phòng.

Phải khẳng định rằng, từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã đảo ngược xu hướng giảm chi tiêu quốc phòng kéo dài 11 năm qua ở xứ sở hoa anh đào. Những thay đổi về chính sách quốc phòng được ông Shinzo Abe đưa ra cho thấy, Tokyo đang từng bước độc lập về vũ khí và đẩy mạnh cả xuất khẩu quốc phòng. Việc nới lỏng quy định về xuất khẩu vũ khí hồi tháng 4 năm ngoái đã hé lộ những tham vọng mới của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự.

Tên lửa SM-3 được phóng từ tàu Kirishima DDG-174 của Nhật Bản.        Ảnh:NavAir

Trên thực tế, ngành công nghiệp quốc phòng nước này hoạt động khá lặng lẽ, âm thầm nhưng luôn được đánh giá là hàng đầu trong khu vực châu Á. Thậm chí, trước và trong chiến tranh thế giới thứ 1 và thứ 2, công nghiệp quốc phòng Nhật Bản ngang ngửa Mỹ. Khi đó, các loại máy bay chiến đấu như Aichi-D3A, A6M Reisen (Zero), Ki-45... và đặc biệt, thiết giáp hạm Yamoto luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà quân sự. Hãng Reuters đưa tin, từ tháng 5 năm ngoái đến nay, khi nhận được tín hiệu mở từ chính phủ, 14 công ty quốc phòng lớn của Nhật Bản đã “tích cực” tham gia nhiều hội chợ thương mại quốc phòng và trưng bày các thiết bị quân sự tối tân gồm xe bọc thép, tàu quét mìn…

Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản thực sự đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại. Có nhiều nhà phân tích còn nhận định rằng, sự quan tâm của các quốc gia khác đối với nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản cũng có thể tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. Trong gần 20 năm qua, Nhật Bản đã hợp tác với Mỹ để thử nghiệm một số phương tiện như radar ATD-Z Shinshin có thể phát hiện đối phương mà không bị radar đối phương phát hiện; chế tạo vật liệu tàng hình cho máy bay F-3, sản xuất tàu ngầm lớp Soryu…

Hiện Tokyo còn đang cùng với Australia nghiên cứu tàu ngầm trang bị hệ thống AIP. Một số nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Australia khẳng định, Nhật Bản muốn bán 12 chiếc tàu ngầm lớp Soryu và chuyển giao công nghệ sản xuất loại tàu ngầm này cho Hải quân Hoàng gia Australia. Và nếu Canberra thỏa mãn một số điều kiện mà phía Tokyo đưa ra thì họ không chỉ có thể chuyển giao công nghệ tàu ngầm lớp Soryu, mà Nhật còn có thể tiến hành cải tiến, nâng cấp công nghệ tàu ngầm hiện có để giúp Australia xây dựng hạm đội tàu ngầm của mình một cách hoàn chỉnh nhất.

Sông Thương
.
.
.