Nhật Bản: Tranh cãi trong Đảng cầm quyền

Thứ Tư, 15/07/2009, 08:10
Ngày 14/7, tức một ngày sau khi tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện vào ngày 21/7 và tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 30/8, Thủ tướng Taro Aso đã phải đối mặt với nguy cơ một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập mà đứng đầu là đảng Dân chủ (DPJ) khởi xướng.
>> Nhật Bản giải tán hạ viện

Tuy nhiên, với số phiếu 333 thuận và 139 chống, đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của ông Taro Aso đã đánh bại âm mưu này. Hạ viện, nơi có đông nghị sĩ thuộc đảng LDP đã không chấp nhận việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ bởi đây sẽ là "cú đấm thép" vào LDP khiến đảng này khó mà trụ vững trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Tuy nhiên, lãnh đạo LDP cũng phải thừa nhận rằng, tỷ lệ người dân ủng hộ đảng này đã giảm mạnh.

Theo phương án giải tán Hạ viện của Thủ tướng, ngày 18/8, các đảng phái ở Nhật Bản sẽ phải công bố danh sách ứng cử viên Thủ tướng của mình. Và đây chính là điều gây nhiều tranh cãi trong nội bộ đảng LDP. Có hai luồng ý kiến khác nhau: một cho rằng ông Taro Aso nên tiếp tục tham gia tranh cử cùng đảng LDP; một lại cho rằng cần phải tìm nhà lãnh đạo LDP thay thế.

Cựu Tổng thư ký LDP Hidenao Nakagawa ngày 14/7 thậm chí còn kêu gọi đương kim Thủ tướng Taro Aso từ chức Chủ tịch LDP. Còn ông Taro Aso thì không còn cách nào khác ngoài việc kêu gọi các thành viên LDP đoàn kết, tiếp tục ủng hộ mình.

Trên thực tế, trong 4 năm qua, LDP đã 4 lần thay nhà lãnh đạo nên giới phân tích đã nhận định rằng, lần này, cử tri Nhật Bản sẽ khó có ấn tượng tốt đối với ứng viên chức Thủ tướng của LDP cho dù đó là ông Taro Aso hay là ai khác.

Hiện tại, ban lãnh đạo chủ chốt LDP vẫn đang tiến hành họp bàn để lấy ý kiến nhằm tìm ra phương án tốt nhất, đảm bảo ít thất bại nhất trong cuộc tổng tuyển cử. Trên thực tế, cho đến thời điểm hiện nay, các cuộc thăm dò dư luận đều chỉ ra rằng, khó có một đảng phái nào ở Nhật Bản có được niềm tin tuyệt đối của các cử tri

Phan Hiển
.
.
.