Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và các hội nghị liên quan tại Myanmar:

Nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện COC

Chủ Nhật, 03/08/2014, 09:58
Từ 3/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và các hội nghị liên quan chính thức khai mạc tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar. Một lần nữa, vấn đề Biển Đông lại trở thành chủ đề “hot” nhất trên các diễn đàn, nhất là khi lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trên Biển Đông của Trung Quốc hết hiệu lực và nước này vừa đưa 8.994 tàu cá trở lại Biển Đông.

Dự thảo về tuyên bố chung

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội nghị AMM 47, các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các đối tác (PMC), ASEAN với 3 nước Đông Bắc Á lần thứ 15 (APT-15), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 4 (EAS FMM4) và Diễn đàn an ninh khu vực lần thứ 21 (ARF 21) được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 10/8 tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar.

Các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhằm kiểm điểm hợp tác ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian qua, thảo luận định hướng thúc đẩy quan hệ đối tác và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hãng Kyodo của Nhật Bản thì cho biết, nhiều khả năng, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông trong đó đề cao giải pháp hòa bình cho các tranh chấp thông qua tham vấn hữu nghị và đàm phán của các nước có liên quan trực tiếp, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Để nói rõ hơn về vấn đề này, hãng Kyodo còn dẫn lời của một quan chức ngoại giao ASEAN cho biết, trong tuyên bố chung, các nước ASEAN sẽ bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình hiện nay trên Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực. Dự thảo tuyên bố còn có đoạn viết: “Chúng tôi kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua tham vấn và đối thoại hữu nghị phù hợp với nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được phổ biến rộng rãi”…

Ngoài ra, bản dự thảo tuyên bố chung sẽ đề cập đến mối lo ngại về những diễn biến gần đây ở bán đảo Triều Tiên, kêu gọi sớm nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và cả những tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Thủ đô Naypyitaw của Myanmar tưng bừng chào đón Hội nghị AMM 47 và các hội nghị liên quan. Ảnh: Reuters.

Giới phân tích nhận định, lần này, một loạt hội nghị được tổ chức tại Myanmar quy tụ đại diện của 27 quốc gia có ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Sự có mặt của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được cho là cơ hội để các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông cùng ngồi vào bàn đàm phán, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để đảm bảo an ninh các tuyến hàng hải trong khu vực và không để xảy ra những mâu thuẫn, đụng độ không đáng có.

Và kế hoạch “3 hành động” của Philippines

48 tiếng đồng hồ trước khi các hội nghị chính thức khai mạc, an ninh đã được thắt chặt trên khắp đất nước Myanmar. Một số tờ báo trong khu vực nhận định rằng, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2014, Myanmar đã vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc xây dựng chương trình hội nghị để nó không chịu bất kỳ một sức ép chính trị nào. Những gì mà Myanmar đã làm được trong hơn nửa năm đảm nhiệm cương vị này được cả thế giới ghi nhận. Riêng vấn đề Biển Đông, là một bên không có tranh chấp, phải nói rằng Myanmar đã giúp giải quyết vấn đề một cách không vụ lợi. Hiện nước này vẫn đang nỗ lực với tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc và dù cho giải pháp này được cho là không khả thi trong ngắn hạn nhưng nó đã được khởi động.

Và trong lúc giới phân tích thế giới còn đang “bận rộn” với việc đưa ra các nhận định mới xung quanh những hội nghị tại Myanmar thì ngày 1-8 vừa qua, Philippines đã tuyên bố, nước này sẽ nêu “kế hoạch ba hành động” (TAP) tại Hội nghị AMM 47 nhằm xoa dịu căng thẳng và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước có liên quan. Trước đó, nhiều hãng phương Tây cũng đã trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert de Rosario sau cuộc gặp với Cao ủy đối ngoại châu Âu Catherine Ashton. Theo đó, chính quyền Manila cho rằng, những căng thẳng trên Biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước, làm gia tăng mức độ ngờ vực, làm gia tăng nguy cơ dẫn đến xung đột không mong muốn trong khu vực.

Vì vậy, Philippines đệ trình TAP gồm các biện pháp ngay lập tức, trung gian và cuối cùng là biện pháp lâu dài. Hành động ngay lập tức là phải dừng những động thái làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, giữ nguyên hiện trạng Biển Đông. Bước thứ hai là thúc đẩy một định nghĩa cụ thể hơn trong đoạn 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện COC. Giải pháp cuối cùng là “thúc đẩy một cơ chế giải quyết nhằm đưa các tranh chấp tới một nghị quyết cuối cùng và lâu dài theo luật quốc tế” hoặc có thể sử dụng biện pháp như đưa ra tòa án trọng tài quốc tế…

Cho đến chiều 2/8, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương dường như đều ủng hộ kế hoạch này. Về quan điểm của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng cho biết: “Việt Nam hoan nghênh mọi sáng kiến cũng như mọi nỗ lực có tính xây dựng và đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng không và hàng hải ở khu vực”.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự Hội nghị AMM 47 và các hội nghị liên quan với mục tiêu tiếp tục củng cố đoàn kết và hợp tác ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, liên kết chặt chẽ và phát huy vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực; mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, đóng góp vào các mục tiêu và lợi ích chung. Đoàn Việt Nam cũng sẽ có những sáng kiến và đóng góp thiết thực để góp phần vào việc củng cố vai trò đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN cũng như quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, cũng như là góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác trong khu vực.

Huyền Chi
.
.
.