Phiên điều trần lần 2 của Philippines tại tòa án trọng tài biển:

Nhanh chóng ngăn chặn xây đảo

Thứ Tư, 15/07/2015, 14:16
Dù chỉ diễn ra trong một ngày (13/7), song phiên điều trần lần 2 của Philippines về vụ kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông tại tòa án trọng tài biển vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Lần này, chính quyền Manila chỉ rõ rằng, việc Bắc Kinh tăng tốc xây đảo nhân tạo nhằm thực hiện hóa yêu sách “đường chín đoạn” là vi phạm pháp luật và cộng đồng quốc tế cần phải nhanh chóng ngăn chặn việc này.

    Lập luận của Philippines

    Theo tin từ hãng Sunstar, phiên điều trần lần 2 bắt đầu từ cuối buổi chiều ngày 13/7 (theo giờ Việt Nam). Giới chức Philippines đã nhận định đây là một dấu hiệu tích cực cho vụ kiện và nếu có phán quyết gì thì tòa án trọng tài sẽ đưa ra trong vòng 90 ngày tới. Cũng theo thông tin từ hãng này, tất cả các thành viên trong phái đoàn của Philippines tham gia vụ kiện tại The Hague đều có mặt (trừ Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima đã trở về nước từ hôm 11/7 vì lý do công việc).

    Một số thành viên trong đoàn đại biểu của Philippines tại The Hague. Ảnh: Abigail Valte.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, trong phiên điều trần lần 2, Philippines sẽ tiếp tục đưa ra tranh luận khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông là bất hợp pháp. Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vẫn là nền tảng lập luận của phái đoàn Philippines bởi UNCLOS quy định mỗi bên sẽ có một khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) với 200 hải lý và yêu sách phi lý của Trung Quốc đã chồng lấn với EEZ của Philippines.

    Trong một tuyên bố đưa ra hôm 11/7, tức 2 ngày trước phiên điều trần, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima cho biết: “Nếu tòa án trọng tài biển tuyên bố có thẩm quyền xét xử vụ Manila kiện Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, thì chính phủ Philipines sẽ xem xét khả năng đề nghị tư pháp quốc tế cho áp dụng các biện pháp tạm thời ngăn chặn Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại các vùng đang có tranh chấp”.

    Hiện nay, nhóm chuyên gia pháp lý của Philippines cũng đang nghiên cứu khả năng này và điều 290 của UNCLOS cũng cho phép thực hiện việc này. Theo đó, nếu một vụ tranh chấp được đệ trình lên tòa có thẩm quyền xét xử theo đúng thủ tục, tòa án có thể đưa ra mọi biện pháp bảo đảm tạm thời được coi là phù hợp với hoàn cảnh, để bảo vệ các quyền riêng của từng bên tranh chấp hoặc để ngăn không cho môi trường của biển bị những tổn thất nghiêm trọng, trong khi chờ quyết định cuối cùng của tòa án.

    Trong khi đó, trả lời báo giới, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố, phái đoàn đại diện Philippines tại The Hague đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trước khi có 2 phiên điều trần tại Hà Lan, ông Albert del Rosario cũng đã tham gia một đoàn đại biểu để trả lời 26 câu hỏi bổ sung của tòa án và hoàn tất các tài liệu theo tòa yêu cầu gồm chứng, cứ, bản đồ, văn bản… Ông Albert del Rosario cũng cho biết, các phản hồi của Philippines đều được thực hiện với sự trợ giúp của các tổ chức tư vấn pháp lý đặt tại Washington D.C (Mỹ).

    Đối phó của Trung Quốc

    Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện cùng Philippines và khẳng định tòa án trọng tài biển không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn được cho là đang đẩy mạnh “vận động hành lang” để giành giật lợi thế.

    Hãng Reuters đưa tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại The Hague còn thành lập hẳn một đường dây liên lạc chính thức với tòa án. Tòa án này cũng thường cập nhật cho phía Trung Quốc các diễn biến mới nhất của quá trình xét xử cũng như những cơ hội để nộp tờ trình.

    Dẫn lời học giả Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, hãng Reuters cho hay, Trung Quốc vẫn theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến cụ thể và triển khai một cách hiệu quả những động thái không chính thức để xử lý tình hình.

    Chẳng hạn như như hồi cuối năm ngoái, vào thời điểm một tuần trước hạn chót của việc đệ trình bản phản biện liên quan đến vụ kiện lên tòa án trọng tài biển, Trung Quốc đã ra tuyên bố tái khước từ vụ kiện và khẳng định tòa không có thẩm quyền thụ lý.

    Mặc dù mang nội dung phản biện nhưng hình thức đưa ra quan điểm của Trung Quốc là một tuyên bố lập trường (position's paper) chứ không phải là bản phản biện (counter memorial) theo yêu cầu trong phán quyết số 2 vào tháng 6/2014 của tòa án trọng tài biển.

    Tuyên bố phiên bản tiếng Anh của Trung Quốc gồm 6 phần, 93 điểm, dài tương đương hơn 27 trang A4 với những diễn giải khá lạ lẫm, nhưng tựu trung gồm các lập luận chính:

    Thứ nhất, các kiến nghị pháp lý của Philippines có mối quan hệ bản chất và nhất thiết dẫn đến việc xác định chủ quyền đối với các thực thể địa chất biển và việc phân định biển, nên tòa không có thẩm quyền xem xét theo quy định của UNCLOS.

    Thứ hai, vì Philippines và Trung Quốc chưa hề đàm phán, thương lượng về tranh chấp trên biển, nên việc Manila khởi kiện đã vi phạm quy định của UNCLOS về việc chỉ được khởi kiện khi thương lượng thất bại và vi phạm cam kết trong Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) về việc giải quyết tranh chấp qua thương lượng.

    Thứ 3, theo quy định của UNCLOS, Trung Quốc được miễn ràng buộc với vụ kiện do có Tuyên bố bảo lưu năm 2006. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, điểm mấu chốt trong chiến thuật của Trung Quốc là quy kết "động cơ" của Philippines, đánh lạc hướng dư luận quốc tế, phủ nhận đang tồn tại một thủ tục tố tụng liên quan đến mình…

    Và điểm nhấn vai trò ASEAN

    Chủ tịch Viện Biển Malaysia (MIMA), Phó Đô đốc Ahmad Ramli Nor trong một tuyên bố đưa ra hồi đầu tháng cho hay, Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với gần 80% diện tích của Biển Đông (theo yêu sách “đường chín đoạn”), nghĩa là bao gồm cả vùng biển của nhiều quốc gia khác trong khu vực chứ không của riêng Philippines. Cam kết của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của ASEAN về việc đảm bảo an ninh trong Biển Đông là điều tối quan trọng.

    Vì vậy, các nước thành viên ASEAN liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông cũng nên cân nhắc giải quyết vấn đề với tư cách là một khối. Quan điểm này sau đó cũng đã được Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) tại Malaysia Luc Vandebon đưa ra hôm 13/7.

    Trước đó, tại các cuộc thảo luận xoay quanh tiến trình phê duyệt kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN và tầm nhìn của khu vực sau năm 2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN nên đóng vai trò hạ nhiệt đối với cuộc khủng hoảng ở khu vực này. Và các lãnh đạo ASEAN nên hợp tác với Trung Quốc để thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên về Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn và quản lý các sự việc xảy ra trên biển.

    Huyền Chi
    .
    .
    .