Nguyên Tổng giám đốc tham ô 3,3 tỉ đồng

Thứ Năm, 07/02/2013, 10:57
Theo kết luận điều tra, bằng hình thức “gửi giá” Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cùng 3 đồng phạm đã chiếm đoạt 3,3 tỷ đồng.
>> Thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ án xảy ra tại Vinalines

Đến ngày 6/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã tống đạt kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đến 4 bị can gồm: Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc; Trần Văn Quang, nguyên Trưởng phòng kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng, nguyên cán bộ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin và Phạm Bá Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân; đồng thời đề nghị truy tố các bị can về tội danh nêu trên.

Theo kết luận điều tra, Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có hạng mục ụ nổi 83M là thành phần chính của dự án, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 14 triệu USD. Thực hiện chủ trương trên, Tổng giám đốc Vinalines đã mua ụ nổi 83M của một doanh nghiệp nước ngoài với tổng giá trị 9 triệu USD, thấp hơn giá được duyệt; song thực tế ụ nổi 83M là ụ cũ, hư hỏng nặng nên trước khi đưa vào lắp đặt phải thuê một số đơn vị sửa chữa.  Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines (Công ty VNL) được Tổng Công ty  Vinalines ủy quyền giám sát hoạt động sửa chữa, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán với các đơn vị sửa chữa ụ nổi 83M. Mặc dù đã tiêu tốn hơn 6,1 triệu USD để thanh quyết toán cho Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin (Nhà máy HVS); nhưng ụ nổi 83M vẫn còn một số hạng mục phải tiếp tục sửa chữa như phần vỏ tàu, máy, van, ống… 

Theo qui định về đầu tư, đấu thầu, thì chủ đầu tư phải khảo sát lập dự toán và tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu hoặc đàm phán ký phụ lục với Nhà máy HVS để tiếp tục thi công những phần cần phải sửa chữa tiếp; nhưng Trần Hải Sơn đã chỉ đạo Trần Văn Quang thuê Trần Bá Hùng và một số cán bộ Nhà máy HVS tiến hành sửa chữa, thay thế. Khi làm thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán, Trần Văn Quang và các bị can liên quan đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, thực hiện hành vi gửi giá, lập khống khối lượng.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Trần Bá Hùng thông qua Phạm Bá Giáp là Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Ân, có trụ sở tại TP Nha Trang để đặt vấn đề sử dụng pháp nhân của Công ty TNHH Nguyễn Ân làm thủ tục ký hợp đồng thanh quyết toán khối lượng sửa chữa với Công ty VNL. Đổi lại, Phạm Bá Giáp được nhận số tiền "thù lao" hàng trăm triệu đồng. Bằng cách này, Giáp đã ký 2 hợp đồng số 01 và số 02 với Công ty VNL.

Theo kết luận điều tra, ở hợp đồng số 01, các bị can đã tham ô hơn 2,6 tỷ đồng; còn trong hợp đồng số 02, các bị can đã tham ô hơn 600 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền mà các bị can chiếm đoạt bằng hình thức "gửi giá" ở 2 hợp đồng là hơn 3,3 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra về sai phạm liên quan đến việc mua ụ nổi 83M, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn khởi tố 9 bị can về tội "Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; trong đó có bị can Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines (sau này là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) và Trần Hải Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Công ty VNL. Do Dương Chí Dũng bỏ trốn, đến tháng 10/2012 mới bắt được, nên phần "Cố ý làm trái…" sẽ được tách ra để xử lý trong một vụ án khác

Đào Minh Khoa
.
.
.