Nguy cơ tái chiến ở Gruzia

Thứ Ba, 26/08/2008, 08:19

Khi cuộc chiến ở Nam Ossetia đã kết thúc, quân đội Nga và Gruzia đã rút quân về các vị trí của mình thì sự tham gia của tàu chiến NATO và Mỹ được đánh giá là một dấu hiệu cho thấy nguy cơ tái chiến ở Gruzia.

Sự có mặt của tàu khu trục mang tên lửa hành trình của Mỹ USS McFaul cùng với 3 tàu hộ tống khác của NATO trên biển Đen đang khiến cho tình hình ở Gruzia thêm phần căng thẳng.

Cuộc họp khẩn cấp của Nga

Ngày 25/8, Quốc hội Nga đã họp phiên bất thường để thảo luận về việc liệu có nên công nhận sự độc lập của hai tỉnh ly khai thuộc Gruzia hay không.

Nguồn tin từ hãng BBC cho biết, cả Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladmir Putin đều tham dự các cuộc họp của Hội đồng Liên bang và Duma quốc gia. Tất cả các nghị sĩ đều được yêu cầu cắt ngắn chuyến nghỉ hè của mình, trở về Moskva tham dự cuộc họp khẩn cấp. Tuy trong cuộc họp này, các nghị sĩ sẽ không tiến hành bỏ phiếu công nhận độc lập ở Abkhazia và Nam Ossetia song theo các nhà quan sát, nó có thể đưa ra một số thông điệp chung để Tổng thống Dmitry Medvedev trả lời với Mỹ và phương Tây.

Ông Sergei Mironov, người đứng đầu Hội đồng liên bang Nga cho biết, về cơ bản, Quốc hội Nga đã sẵn sàng cho việc công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia nếu như người dân khu vực này thực sự muốn điều đó. Bên cạnh việc xúc tiến quá trình giúp 2 vùng ly khai độc lập, Quốc hội Nga cũng đang xem xét việc thành lập một uỷ ban độc lập điều tra những cáo buộc tội ác mà Gruzia từng tiến hành ở Nam Ossetia.

Cho đến nay, sau cuộc "chiến tranh tốc hành" với Gruzia hồi giữa tháng, Nga đã thiết lập khu vực quân sự đặt dưới sự kiểm soát của họ nhằm mục đích bảo vệ an ninh cho Nam Ossetia. Nguồn tin từ hãng Ria Novosti khẳng định, Nga đã xây dựng 18 trạm kiểm soát ở Nam Ossetia và 18 trạm khác tại Abkhazia đồng thời sẽ triển khai 2.600 quân tại 2 vùng ly khai này.

Mặc dù hành động này của Nga được đông đảo người dân Abkhazia và Nam Ossetia ủng hộ, song nó lại là tâm điểm tranh cãi trong các cuộc gặp ngoại giao trên thế giới. Cả Gruzia lẫn Mỹ và NATO đều dựa vào những thông tin này để lên án Nga và đưa ra những lời khiêu khích mới.

Về phía mình, Nga cũng thể hiện thái độ cứng rắn với Mỹ - NATO và tuyên bố tạm ngừng các hoạt động hợp tác quân sự cho đến khi giải quyết xong tình hình ở Gruzia. Chiều ngày 25/8, Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin đã có cuộc họp với giới chức Nga, bàn thảo về tương lai trong quan hệ Nga - NATO.

Tàu khu trục mang tên lửa hành trình của Mỹ USS McFaul đang tiến vào cảng Batumi của Gruzia.
Động thái mới của EU

Với tư cách là quốc gia đang giữ chức Chủ tịch EU, đồng thời là nước bảo trợ cho Hiệp định hòa bình Nga - Gruzia, những ngày qua, các quan chức Pháp đi lại như con thoi, hòng mong tìm kiếm giải pháp quốc tế tiếp theo cho vấn đề Nam Ossetia. Nhưng, nỗ lực của họ dường như đang bị "chìm" bởi một loạt hoạt động mới của Mỹ và NATO trên biển Đen.

Sau khi có sự xuất hiện của tàu khu trục mang tên lửa hành trình của Mỹ USS McFaul cùng với 3 tàu hộ tống khác của NATO ở vùng cảng Batumi của Gruzia, Nga đã bày tỏ những nghi ngờ về việc các tàu quân sự này lấy cớ mang hàng viện trợ nhân đạo nhưng thực chất là để cung cấp vũ khí cho Gruzia và duy trì sự hiện diện lâu dài ở khu vực này.

Vì lợi ích của cả hai bên, không thiên vị bất kể một quốc gia nào, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy buộc phải kêu gọi EU tổ chức phiên họp khẩn cấp vào ngày 1/9 tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về tình hình Gruzia.

Nhiều quốc gia khác thuộc EU cũng thúc ép liên minh này phải có quan điểm rõ ràng bởi cho đến nay, bằng những lời nói và hành động khiêu khích, Mỹ - NATO đang khiến cuộc chiến ở Nam Ossetia có nguy cơ tái diễn, gây bất ổn trên cả khu vực châu Âu.

Mới đây nhất, giới chức Washington còn đe dọa cuộc xung đột Nga - Gruzia có thể ảnh hưởng tới tư cách thành viên trong G8 của Nga và nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước này.

Chưa hết, Nhà Trắng còn đang đổ nhiều tiền để viện trợ quân sự cho Gruzia. Cụ thể là, theo tờ Washington Post, trong tài khóa 2009, chính quyền Tổng thống Mỹ George Bush đã đề nghị Quốc hội thông qua khoản viện trợ quân sự cho Gruzia trị giá tới 15,2 triệu USD và 14,8 triệu USD kinh phí để "thúc đẩy dân chủ".

Vai trò của Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thông tin từ tờ The New York Times cho biết, những ngày qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel thường xuyên nhận được điện thoại từ nguyên thủ các quốc gia ở vùng Baltic, Ba Lan, Czech, đề nghị bà đứng ra dàn xếp, giúp giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Nam Ossetia. Lãnh đạo của hầu hết các quốc gia này đều tin rằng, độ thân tình, chân thành, cởi mở trong quan hệ giữa nữ Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng như Thủ tướng Vladimir Putin sẽ giúp xóa đi những bóng đen che phủ ở các quốc gia Đông Âu hiện nay.

Với lịch sử thân thiết từ thời Thủ tướng Gerhard Schroder, trên thực tế, trong 27 quốc gia thuộc EU, Đức hợp tác sâu rộng nhất với Nga trên mọi lĩnh vực. Vì thế, nhiều nhà quan sát cho rằng, có thể những cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo Nga - Đức sẽ giúp cải thiện mâu thuẫn Moskva - Tbilisi.

Nhìn chung, châu Âu mà cụ thể là EU không hề muốn Nga - Gruzia tiếp tục lún sâu vào mâu thuẫn. Do đó, với họ, cách tốt nhất là lựa chọn những nhân vật trung gian hòa giải sẽ thích hợp hơn là nghe và làm theo lời kêu gọi của Mỹ. Như nhiều nhà quan sát nhận định, phương Tây vẫn ở thế yếu so với nhà xuất khẩu năng lượng Nga và việc cô lập nước này chỉ khiến Moskva thêm cứng rắn.

Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, không phải là Mỹ là chính các nước châu Âu mới là nơi gánh chịu những đòn giáng trả mạnh mẽ của Nga. Vậy thì tại sao không tự xây dựng tình thân láng giềng thay vì cứ theo đuổi những mục đích xa vời theo lời kích động của một quốc gia cách mình tới nửa vòng trái đất?

Huyền Chi
.
.
.