Người biểu tình Thái Lan ra tối hậu thư

Chủ Nhật, 01/12/2013, 16:11
Ngày cuối cùng của tháng 11, xứ sở chùa Vàng tiếp tục nóng với hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn của lực lượng đối lập do đảng Dân chủ đứng đầu. Đáng chú ý là trong khi chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra kiên định với đường lối đối thoại mềm mỏng thì những người biểu tình lại thể hiện một thái độ bất cần với những yêu sách chỉ mang tính chất khiêu khích và lật đổ. Thái Lan một lần nữa đứng trước nguy cơ lặp lại lịch sử đối đầu giữa hai phe “áo vàng” và “áo đỏ” như những năm bất ổn trước đây.
>> Người biểu tình xông vào trụ sở quân đội Hoàng gia Thái Lan

Tối hậu thư ngày 1/12

Sáng sớm 30/11, lực lượng cảnh sát Thái Lan đã họp khẩn để bàn về các biện pháp tăng cường bảo vệ an ninh khu vực thủ đô và các trụ sở, tòa nhà chính phủ trong bối cảnh phong trào biểu tình chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban phát động có những diễn biến phức tạp. Đến 10h cùng ngày, các hàng rào an ninh bằng dây thép gai đã được lắp đặt xung quanh văn phòng Thủ tướng, tòa nhà Quốc hội và một số địa điểm trọng yếu khác. Các chốt cảnh sát cũng được lập thêm tại nhiều ngã tư đường phố, nơi được tiên đoán là nằm trong tuyến đường biểu tình của lực lượng đối lập do đảng Dân chủ đứng đầu. Cảnh sát chống bạo động cũng đã được yêu cầu ứng trực 24/24h và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Riêng tại văn phòng Thủ tướng Yingluck Shinawatra, những tài liệu mật, quan trọng của đất nước đều đã được gói ghém cẩn thận và đưa đi cất tại một nơi bí mật. Chính phủ Thái Lan đã chuẩn bị cả về tinh thần lẫn phương tiện cho nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính mới như những gì đã xảy ra vào năm 2006 khi anh trai của bà Yingluck Shinawatra là ông Thaksin  Shinawatra còn làm Thủ tướng.

Theo bình luận của tờ The Nation, động thái của Chính phủ Thái Lan là rất cần thiết bởi cho đến chiều 30/11, những người biểu tình chống chính phủ vẫn chưa hề tỏ thái độ hợp tác hay muốn hòa đàm. Thậm chí, ông Suthep Thaugsuban còn ra tối hậu thư với Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức trong tối 30/11. Nếu không, những người biểu tình sẽ chiếm giữ tòa nhà chính phủ và một số cơ quan nhà nước khác vào ngày 1/12. Một ngày sau đó, tức là vào ngày 2//12, công nhân, nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước sẽ xuống đường biểu tình khiến hoạt động kinh tế của đất nước bị đình trệ.

Chưa hết, cựu Phó Thủ tướng còn nêu rõ một kế hoạch cụ thể, bắt đầu từ việc những người biểu tình tấn công văn phòng Thủ tướng, tiếp đó là trụ sở cảnh sát Hoàng gia, các đồn cảnh sát trên toàn thủ đô rồi đến trụ sở các Bộ như Bộ Giáo dục, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao. Mục đích của ông Suthep Thaugsuban là khiến các hoạt động từ trung ương đến các Bộ, ngành của Thái Lan bị tê liệt hoàn toàn để thể hiện cái mà ông ta gọi là “sự yếu kém của chính phủ”. Hiện cựu Phó Thủ tướng cùng với các thủ lĩnh cấp cao của đảng Dân chủ còn thành lập một nhóm mới có tên gọi là Uỷ ban nhân dân vì sự thay đổi của Thái Lan với 37 thành viên trong đó ông Suthep Thaugsuban được bầu làm Tổng thư ký.

Người biểu tình chống chính phủ dựng lều bạt tại sân và trước sảnh tòa nhà Chính phủ Thái Lan.

Và sự kiên định của Chính phủ

Phải khẳng định rằng, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn mà chính phủ do Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải đối mặt. Những hành động của đảng Dân chủ đối lập và những người biểu tình chống chính phủ thời gian gần đây cho thấy Thái Lan đang có nguy cơ lặp lại lịch sử cuộc đảo chính năm 2006 và sự đối đầu không khoan nhượng giữa hai phe “áo vàng” và “áo đỏ”. Cho đến nay, Thủ tướng Yingluck Sinawatra vẫn tuyên bố nước này sẽ không tổ chức bầu cử sớm bởi theo bà, điều đó cũng chưa đủ để thỏa mãn yêu cầu của những người biểu tình và nếu làm vậy thì những người biểu tình lại “được đằng chân, lân đằng đầu”. Đồng thời, bà Yingluck Shinawatra cũng ban hành các luật đặc biệt cho phép giới nghiêm và phong tỏa đường sá. Cảnh sát đã ra trát bắt ông Suthep Thaugsuban nhưng chưa bắt giữ ông. Trong khi đó, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha vẫn tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này không được lôi kéo binh sĩ vào lộn xộn trên và khẳng định quân đội đang theo dõi tình hình, sẵn sàng bảo vệ nhân dân nếu xảy ra thương vong do bạo lực liên quan đến biểu tình gây ra.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự gia tăng hoạt động của những người biểu tình bắt nguồn từ sự thất bại của đảng Dân chủ đối lập trong kế hoạch lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Hơn thế nữa, khi mà uy tín của bà Yingluck Shinawatra vẫn còn ở mức cao và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, các thủ lĩnh đảng Dân chủ đã tính đến nước cờ đẩy những người nhà Shinawatra ra khỏi Thái Lan để có thể nắm quyền điều hành đất nước. Điều này cũng đã được chính các thủ lĩnh cấp cao của đảng Dân chủ thừa nhận trong các cuộc nói chuyện, tiếp xúc với những người biểu tình chống chính phủ trên đường phố thủ đô Bangkok

Huyền Chi
.
.
.