Người Thái sẽ lấy ổn định hòa bình làm trọng

Thứ Hai, 25/11/2013, 09:04
Việc hàng vạn người biểu tình thuộc cả hai phe thân và chống chính phủ tập trung ở thủ đô Bangkok (từ chiều 24/11) đang khiến cho bất ổn chính trị có nguy cơ leo thang tại Thái Lan. Và nước này đang đứng trước "hành động chính trị trên đường phố" có quy mô lớn nhất kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình năm 2010. Vì sao lại thế?

Trong tuyên bố hôm 20/11, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp về thể thức bầu chọn Thượng nghị sỹ là vi hiến, tuy nhiên liên minh 6 đảng cầm quyền không bị giải tán như nguyên đơn đề nghị. Trong khi đó, theo giới chức Thái Lan, khoảng 50.000 người biểu tình chống chính phủ xuống đường chiều 24/11 và sẽ tuần hành tới 12 địa điểm ở thủ đô ngày 25/11.

Đảng Dân chủ đối lập đang gia tăng sức ép đối với chính phủ và Thủ tướng Yingluck Shinawatra, trong bối cảnh có những lời kêu gọi bà từ chức và đối mặt với cuộc thảo luận bất tín nhiệm trong tuần này. Trong khi đó hàng nghìn người thuộc Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD), còn gọi là phe áo đỏ tập trung tại một khu vực khác ở Bangkok để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ và nền dân chủ tại Thái Lan.

Phe đối lập biểu tình phản đối chính phủ.

Động thái trên diễn ra sau tuyên bố hôm 22/11 của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan Surachart Jitjaeng. Đây là lần đầu tiên đại diện của phái quân sự công khai lên tiếng chỉ trích tình hình chính trị bất ổn tại Thái Lan, đồng thời kêu gọi tất cả các bên chấm dứt những hành động khoét sâu thêm tình hình xung đột hiện nay trước khi quá muộn và vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ông Surachart Jitjaeng cho biết, tình hình chính trị đã trở nên căng thẳng sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp về thành phần của Thượng viện, bất đồng xuất hiện ở mọi nơi, không chỉ giữa các chính khách, mà cả trong giới truyền thông với những thông tin trái ngược, thậm chí thiên vị và bịa đặt. Theo ông Surachart Jitjaeng, bất ổn chính trị đang làm xói mòn an ninh quốc gia, khi các bên không những không muốn chấp nhận quan điểm của nhau, mà còn muốn triệt hạ nhau chỉ vì lợi ích nhóm, nên cuộc xung đột dân tộc kéo dài 9 năm vẫn ngày càng sâu sắc.

Ông Surachart Jitjaeng nhấn mạnh, hiện là thời điểm để chấm dứt mọi tranh cãi và các bên xung đột cần đối thoại một cách hòa bình nhằm thể hiện lòng yêu nước và kính trọng các thể chế, tất cả các bên cần dẹp lợi ích cá nhân sang một bên, ngừng gây thù hận, ngừng làm tổn hại đất nước để mang lại hòa bình và hạnh phúc cho người dân.

Theo giới truyền thông, các cuộc biểu tình tại Thái Lan tiếp diễn phức tạp mặc dù ngày 20/11 Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết làm hài lòng cả 2 bên - bác bỏ dự luật sửa đổi Hiến pháp và không giải tán liên minh đảng cầm quyền. Tuyên bố của Tòa án Hiến pháp đã giúp Thủ tướng Yingluck Shinawatra thoát hiểm trong gang tấc. Dư luận từng quan ngại, nếu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết bất lợi đối với việc sửa đổi Hiến pháp thì đảng cầm quyền Puea Thai sẽ phải giải tán và nhiều thành viên của đảng này sẽ bị cấm  tham chính trong 5 năm.

Cách đây gần 1 năm (28/11/2012), Thủ tướng Yingluck Shinawatra từng dễ dàng thoát kiến nghị bất tín nhiệm mà phe đối lập đưa ra trước Quốc hội, với lý do bà không nỗ lực chống tham nhũng. Khi đó, đảng Dân chủ đối lập còn tố cáo bà Yingluck Shinawatra chỉ là "con rối" trong tay anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Điều đáng nói là dự luật sửa đổi Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua, đang được trình lên Quốc vương Thái Lan và đây rõ ràng là một cú giáng mạnh vào nỗ lực củng cố năng lực kiểm soát về mặt lập pháp của đảng cầm quyền Puea Thai. Ngày 22/11, bà Yingluck Shinawatra tuyên bố, việc trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp lên Quốc vương là trách nhiệm của Thủ tướng được quy định trong Hiến pháp và được thực hiện trước khi Tòa án Hiến pháp bác dự luật này.

Trước đó (19/11), có tới 10.000 người áo đỏ ủng hộ chính phủ đã đổ về Bangkok, ngủ qua đêm tại đây để chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp và thề sẽ phản đối bất kỳ quyết định nào khiến chính phủ của bà Yingluck Shinawatra bị sụp đổ. Cùng ngày 19/11, bà Yingluck Shinawatra đã kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiềm chế trước khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, nhưng khẳng định: sẽ không từ chức trước phán quyết của tòa. Giới phân tích coi phán quyết hôm 20/11 của Tòa án Hiến pháp đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan.

Dư luận quan tâm tới phản ứng của Chủ tịch đảng cầm quyền Puea Thai khi không chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

Ủy ban Phòng chống tham nhũng Quốc gia đã nhận đơn của đảng Dân chủ kiến nghị cách chức Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện do vi phạm luật. Phe áo đỏ ủng hộ chính phủ đã đệ đơn lên Cục điều tra đặc biệt kiện 5 thẩm phán bỏ phiếu thuận cho phán quyết này tội tạo phản. Lãnh đạo cuộc biểu tình do đảng Dân chủ đối lập hậu thuẫn tuyên bố đấu tranh để các nghị sỹ tham gia dự luật sửa đổi Hiến pháp phải bị cách chức.

Giới quan sát cho rằng, những phản ứng mạnh mẽ trong mấy ngày qua báo hiệu chính trường Thái Lan sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp với các vụ kiện đi đôi với các cuộc biểu tình đường phố của các bên trong thời gian tới.

Phản ứng của các đảng phái chính trị, giới nghiên cứu, học giả lần này được coi là chưa từng có tiền lệ tại Thái Lan. Bởi trước đây phán quyết tương tự của Tòa án Hiến pháp được coi là quyết định cuối cùng và các bên phải thực hiện. Được biết, giới trí thức và học giả Thái Lan cũng chia làm hai nhóm rõ rệt. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp có vai trò quan trọng, thậm chí quyết định bởi đã có 2 Thủ tướng thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra buộc phải ra đi sau những phán quyết như vậy.

Giới bình luận cho rằng, dự luật ân xá và sửa đổi Hiến pháp đang được 2 phe tận dụng để thực hiện mục đích của mình. Bởi mặc dù Thượng viện đã bác dự luật ân xá nhưng vẫn không xoa dịu được sự phản đối của phe đối lập - ông Suthep Thaugsuban từng yêu cầu người biểu tình tiếp tục giữ vững trận địa để "lật đổ chính quyền của ông Thaksin Shinawatra". Phe đối lập cho rằng, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra là người hưởng lợi nhiều nhất nếu dự luật ân xá được thông qua bởi ông từng bị tòa kết tội tham nhũng và kết án vắng mặt 2 năm tù.

Đảng cầm quyền Puea Thai từng cảnh báo: Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ có nguy cơ biến thành bạo lực, đồng thời cáo buộc một thủ lĩnh chủ chốt của phe đối lập giấu vũ khí tại khu vực biểu tình. Đảng Puea Thai cũng từng gửi đơn lên Ủy ban bầu cử Thái Lan, đề nghị cơ quan này yêu cầu Tòa án Hiến pháp giải thể đảng Dân chủ đối lập vì vi phạm Luật Đảng phái chính trị. Bởi có bằng chứng cho thấy, ông Abhisit, Chủ tịch đảng Dân chủ đã tới và phát biểu trước những người biểu tình chống dự luật ân xá tại đường Ratchadamnoen hôm 5/11.

Trong khi đó những người thuộc đảng Dân chủ đối lập đã ra tối hậu thư yêu cầu đảng Puea Thai bãi bỏ dự luật ân xá. Khoảng 40 thượng nghị sỹ từng kêu gọi Thủ tướng Yingluck Shinawatra giải tán Quốc hội.

Giới phân tích cho rằng, những diễn biến trên chính trường Thái Lan trong mấy ngày qua chứng tỏ, mọi việc liên quan đến ông Thaksin Shinawatra vẫn là vấn đề hết sức nhạy cảm và nếu không khéo léo xử lý, Thủ tướng Yingluck Shinawatra có nguy cơ "rớt đài". Tuy nhiên, dù xuất phát từ góc nhìn nào, hay từ phe phái nào cũng phải thừa nhận một thực tế: từ năm 2008 đến nay, chỉ có chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra mới có thể điều hành trong một thời gian hòa bình dài như vậy và đây là một thành công của đảng cầm quyền Puea Thai.

Cải cách chính trị phải dựa vào dân là một trong những thảo luận được quan tâm nhất tại Hội nghị "Cùng nhau thúc đẩy cải cách Thái Lan, phát triển dân chủ và đất nước" diễn ra tại hội trường Santi Maitri của tòa nhà chính phủ ngày 25/8 với sự tham gia của khoảng 70 nhân vật hàng đầu thuộc các lĩnh vực.  Và như vậy, có thể thấy dù có những mâu thuẫn, kê kích lẫn nhau, nhưng hi vọng người Thái sẽä lấy ổn định, hòa bình làm trọng

Nhiệm Bình
.
.
.