Người Nhật - Tôi ngưỡng mộ!

Chủ Nhật, 20/03/2011, 09:59
Dù bị một căn bệnh khiến ông Sato không thể đi lại vững vàng, nhưng những hôm đi bộ từ Trung tâm JICA Sapporo ra bến tàu điện ngầm hơn hai cây số trong tuyết lạnh, âm 2oC, tập tễnh từng bước đi, ông cũng không cho ai trong đoàn xách hộ hành lý của mình.

Cách đây hơn một năm, tôi may mắn là một trong 64 thanh niên Việt Nam được sang Nhật Bản tham gia Chương trình Đào tạo Lãnh đạo trẻ do JICA tổ chức. 20 ngày sống trên đất Nhật, đi dọc từ Tokyo về tận vùng đất xa xôi Hokkaido, thuộc miền Bắc, dường như ở đâu chúng tôi cũng gặp những người dân Nhật hiền hòa, chu đáo và thân thiện.

Giờ đây, tận thấy những thảm họa kinh hoàng từ động đất, sóng thần ập đến với người dân vùng Đông Bắc Nhật Bản qua các phương tiện truyền thông, nhiều thành viên trong đoàn đều không cầm được nước mắt. 

Đến Sapporo - thủ phủ của Hokkaido, những ngày cuối tháng 12, thời tiết xuống tới âm 5oC. Dù trong tuyết lạnh, nhưng nhiều thành viên trong đoàn đều muốn được khám phá vùng đất này. Cảm nhận đầu tiên, đường phố Sapporo luôn sạch sẽ, hiếm khi thấy rác bị xả ra đường.

Dạo bộ cả chục cây số, gần như cửa hiệu lớn nào chúng tôi cũng tranh thủ ghé qua. Bước chân vào nhiều cửa hiệu, điều chúng tôi luôn thấy ấm áp là nụ cười gần như thường trực trên môi những thiếu nữ bán hàng. Điều lạ, dù vừa mở cửa hiệu, chúng tôi vào xem, chọn lựa thoải mái, nhưng không ai mua, khi trở ra, thật nhẹ lòng vẫn được người bán hàng - là những thiếu nữ trẻ trung, xinh xắn - cúi người chào, nở nụ cười: "Cảm ơn quý khách, hẹn gặp lại quý khách".

Một nữ nhân viên hướng dẫn khách tham quan nhà máy Nikka Whisky, nụ cười luôn nở trên môi. ảnh: N.H.

Ngạc nhiên hơn, ở rất nhiều siêu thị lớn, nhỏ chúng tôi mang cả túi xách, balô vào chọn lựa thoải mái, mà không có một nhân viên bán hàng nào theo sát. Không hề thấy bóng dáng của người bảo vệ siêu thị vòng trong, vòng ngoài. Chỉ thấy những nhân viên bán hàng đang mải miết ghi chép bên sổ sách. "Ở đây, gần như không có hiện tượng mất cắp. Người Nhật họ có lòng tự trọng rất lớn" - chị Nagan Ran, người Nhật gốc Việt nói.

Một trong những người chúng tôi ngưỡng mộ suốt hành trình ở Nhật, là ông Sato Masakazu - thuộc Tổ chức Hỗ trợ thanh niên (YMCA) Hokkaido. Dù bị một căn bệnh khiến ông Sato không thể đi lại vững vàng, nhưng ông lại là người phụ trách hậu cần lẫn vấn đề ngoại giao khi đến các địa phương cho đoàn thanh niên Việt Nam ở Hokkaido.

Những hôm đi bộ từ Trung tâm JICA Sapporo ra bến tàu điện ngầm hơn hai cây số trong tuyết lạnh, âm 2oC, tập tễnh từng bước đi, nhưng ông không cho ai trong đoàn xách hộ hành lý của mình. Đi lại khó khăn, giọng nói không rõ, nhưng dọc đường ông luôn khôi hài để các thành viên trong đoàn thấy vui. Khi lên tàu điện ngầm, hay vào cửa hiệu mua thức ăn, tôi thấy ông thường lùi lại phía sau cùng, nhường chúng tôi lên trước. 

Hơn một tuần nay, kể từ hôm trận động đất xảy ra gây sóng thần ập đến với người dân vùng Đông Bắc Nhật Bản, không đêm nào tôi rời màn hình tivi theo dõi những bản tin thời sự. Nhiều hình ảnh khiến chúng tôi không thể nào cầm lòng được.

Những người Việt đang làm việc tại Văn phòng JICA Nhật Bản ở Hà Nội, như các chị Mỹ Hằng, Thanh Thủy, Hoàng Linh đều chia sẻ với chúng tôi là họ cảm thấy đau xót, và khó tin trước những gì thảm họa để lại.

Sau khi thăm Công ty cổ phần Chế tạo máy nông nghiệp Nichinoki Seiko ở Ashoro, trở về, chúng tôi đã nhận được ảnh kỷ niệm.

Hôm qua, chị Hà Anh Thư, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi, cùng chị Trương Chí Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp (thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược - Bộ Công thương), chị Mộng Thu - trưởng phòng kinh doanh Công ty Tin học và vi tính Thiên Nam (ở Cà Mau), gửi thư đến các thành viên cùng sang Nhật Bản năm trước chia sẻ rằng, xem tivi thấy người dân Nhật gặp thiên tai cảm thấy rất đau lòng. Các chị kêu gọi mọi người đóng góp, dù là của ít lòng nhiều, nhưng thể hiện tấm lòng của mình đến người dân Nhật đầy quý trọng.     

Dường như chúng tôi ai cũng cảm thấy khâm phục và ngưỡng mộ người Nhật hơn, khi thấy trong họ sự can đảm, bình tĩnh khi đối phó với khó khăn, thiên tai. Khi người Nhật vẫn luôn trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy lúc nhận thức ăn cứu trợ. Ở các nhà lánh nạn, những chàng trai trẻ đều ôm chăn ngủ ở hành lang giữa giá lạnh, nhường chỗ trong nhà cho người già, phụ nữ, trẻ em. Hàng ngàn con người giờ đây đang xếp hàng nối đuôi nhau để trở về quê hương sau thảm họa. Dù tình cảnh khó khăn, nhưng không hề xảy ra hỗn loạn, đặc biệt bất chấp sự tàn phá và sự khan hiếm hàng hóa, không xảy ra cảnh cướp bóc… 

Có được điều đó là bởi tính cách lịch sự, thật thà, giàu lòng tự trọng, tôn trọng lẫn nhau, và giàu tính tương thân tương ái đã ăn sâu vào máu người dân Nhật Bản, mà họ được cha mẹ giáo dục từ bé.

Giáo sư Kobayashi Yoshisuke - Viện trưỏng Viện Nghiên cứu kinh doanh Kobayashi bộc bạch cùng chúng tôi hôm ở Sapporo: "Khi tôi lên ba tuổi, ngồi cạnh mẹ đương may áo Kimono. Mẹ dạy tôi nhiều điều, rằng sống phải biết nhường nhịn, ăn nói phải nhỏ nhẹ, tác phong phải nhã nhặn… Sau này, tôi học lên cao, nhưng sách vở không giúp tôi được gì nhiều cho nhân cách của tôi, bằng việc tôi học từ người mẹ". Rồi giáo sư nhấn mạnh: "Các bạn đã có con cái, hãy coi con cái mình là "tài sản quốc gia", chính vì thế phải hướng dẫn con đi đúng con đường đất nước cần và nuôi dưỡng nhân cách đẹp, học làm người từ nhỏ cho con".

Nam Hoàng
.
.
.