Ngoại trưởng Mỹ đề nghị Quốc hội tuyên chiến với IS

Thứ Năm, 11/12/2014, 09:21
Ngày 9/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề nghị Quốc hội nước này chính thức tuyên chiến với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, bởi trên thực tế, cuộc chiến này đã được phát động từ hồi tháng 8. Theo đó, Quốc hội thông qua nghị quyết trao cho Tổng thống Barack Obama toàn quyền sử dụng vũ lực chống lại IS. Bởi theo Hiến pháp Mỹ, chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền phát động một cuộc chiến.

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Kerry hối thúc giới lập pháp Mỹ sớm phê chuẩn Quyền Sử dụng lực lượng quân sự (AUMF) tại hai điểm nóng ở Trung Đông, loại bỏ những hạn chế đối với hoạt động quân sự của Mỹ trong giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Syria và Iraq, cho rằng những giới hạn này sẽ khiến chiến binh Hồi giáo thánh chiến lập sào huyệt tại các nước khác trong khu vực.

Theo ông Kerry, nghị quyết này sẽ trao cho Tổng thống “một sứ mệnh rõ ràng và sự mềm dẻo cần thiết” để tiếp tục cuộc chiến chống lại IS và các nhóm cực đoan liên quan.  Việc sử dụng lực lượng quân sự chống lại IS không nên chỉ giới hạn ở Iraq và Syria: “Theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên để IS nghĩ rằng chúng có thể ẩn náu an toàn ở những nơi khác ngoài Syria và Iraq”. Ngoại trưởng Kerry cũng khẳng định lập trường cứng rắn của chính phủ khi tuyên bố, chính phủ sẽ tiếp tục các chiến dịch không kích ngay cả khi Quốc hội từ chối thông qua.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 9/12. Ảnh: elnacional.

Ông Kerry nhấn mạnh: “Điều này là hoàn toàn phù hợp với AUMF được thông qua năm 2001”. Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Obama đang sử dụng AUMF được thông qua dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush chống lại mạng lưới khủng bố al-Qaeda, nhóm Taliban và một số chân rết của chúng, để tiến hành cuộc chiến chống IS. AUMF lần đầu tiên được sử dụng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và lần thứ hai là vào năm 2002, khi Mỹ chuẩn bị cho cuộc xâm lược Iraq. Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Kerry còn kêu gọi các nhà lập pháp cân nhắc phương án sử dụng lực lượng bộ binh tại Iraq và Syria trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng, quan điểm này không có nghĩa Mỹ đặt mọi trọng trách đối phó với những tình huống bất ngờ trên thực địa lên vai các binh sỹ Mỹ, và ông cũng loại trừ khả năng quân đội Mỹ đóng vai trò đi đầu trong các chiến dịch trên bộ tại hai quốc gia Trung Đông.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp từ nhiệm Chuck Hagel đã bất ngờ tới thủ đô Baghdad để tham vấn các quan chức Chính phủ Iraq và bàn thảo với các tư lệnh Mỹ. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, ông Hagel đánh giá cuộc chiến chống IS đang đạt được những “tiến triển đều đặn”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đề cao vai trò huấn luyện và cố vấn quân sự cho quân đội Iraq và tái khẳng định vai trò tiên phong của quân đội nước sở tại trong cuộc chiến chống IS. Đáp lại, Thủ tướng al-Abadi đã đề nghị phương Tây gia tăng các cuộc không kích và cung cấp thêm vũ khí để đương đầu với IS.

Trong khi đó, tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất Thế giới chống bạo lực và chủ nghĩa cực đoan (WAVE) diễn ra cùng ngày tại thủ đô Tehran, Iran đã khẳng định ủng hộ và hỗ trợ hai nước láng giềng Iraq và Syria trong cuộc chiến chống IS. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rohani kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, với Liên Hợp Quốc đóng vai trò chủ đạo, trong các nỗ lực loại trừ bạo lực và khủng bố. Trước đó, ngày 8/12, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Iraq và Syria tại Tehran trước thềm WAVE. Trong đó, Ngoại trưởng Iran khẳng định hai quốc gia đồng minh sẽ cùng xây dựng chiến lược chống IS và một lần nữa nhắc lại sự ủng hộ của Iran với Syria và Iraq.

Cũng trong ngày 9/12, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, Thủ tướng Anh David Cameron cam kết tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực quốc tế chống lại tổ chức IS. Ông Cameron cũng nhấn mạnh, hai nước Anh – Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp chặt chẽ để đối phó với những thiệt hại mà các phiến quân IS có thể gây ra. Thủ tướng Anh cũng đề nghị, Thổ Nhĩ Kỳ cùng hợp tác để đối phó với tình trạng công dân Anh vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập lực lượng IS tại Iraq và Syria, rồi sau đó quay trở lại Anh bằng chính con đường này. Ngoài ra, Thủ tướng Cameron cũng nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập Liên minh châu Âu. Về phần mình, Thủ tướng Davutoglu nêu rõ, các chiến binh nước ngoài đang là mối đe dọa đối với chính đất nước của những phần tử này, các nước lân cận và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng, Ankara chưa mạnh tay trong việc ngăn chặn các dòng chiến binh nước ngoài đi qua lãnh thổ nước này và khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không dung túng cho bất cứ hành động nào của IS.

Trong một diễn biến đáng chú ý, cũng trong ngày 9/12, thủ lĩnh nhóm phiến quân Jaysh al-Islam - một nhánh của liên minh Mặt trận Hồi giáo tại Syria, được cho là do Saudi Arabia thành lập và hậu thuẫn - Zahran Alloush đã đề nghị hợp tác với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống các tay súng thuộc tổ chức IS. Tuy nhiên, theo truyền thông khu vực, lời đề nghị của Alloush đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối của các nhóm phiến quân khác tại Syria, mặc dù các nhóm này cũng coi IS là mối đe dọa đối với sự an nguy của mình.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.