Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Cuba sau hơn nửa thế kỷ

Thứ Bảy, 15/08/2015, 08:42
Ngày 14/8 (theo giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã dẫn đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ gồm 20 thành viên tới Cuba để dự lễ thượng cờ và khai trương Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô La Habana. Sự kiện này được coi là dấu mốc quan trọng và là bằng chứng cho thấy hai nước đang có những cơ hội lớn để thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao và mở rộng hợp tác.

Các báo nước ngoài, đặc biệt là báo Mỹ đã gọi đây là bước khởi đầu suôn sẻ cho một mối quan hệ lâu dài giữa Mỹ và Cuba. 

Tin từ hãng AP cho hay, việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thân chính tới thủ đô La Habana cùng 20 quan chức khác gồm Thứ trưởng Thương mại Bruce Andrews, Thứ trưởng Tài chính Sarah Bloom Raskin, Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề Tây Bán cầu của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Mark Feierstein, Trợ lý Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Kurt Tidd cùng một số quan chức Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ… cho thấy phần nào sự cầu thị và cẩn trọng của chính quyền Washington trong một sự kiện lịch sử đang thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của dư luận quốc tế. 

Mặc dù chỉ lưu lại Cuba một ngày nhưng trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ đó, các quan chức Mỹ đã có nhiều hoạt động ngoại giao con thoi. 

Cờ Mỹ và cờ Cuba đã tung bay trên bầu trời của cả hai quốc gia.Ảnh: AP.

Cụ thể, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, sau khi dự lễ thượng cờ, ông John Kerry sẽ hội kiến với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez Parrilla. Ông John Kerry và ông Bruno Rodriguez Parrilla đã thảo luận về tình hình hiện tại và những bước tiến đạt được trong quan hệ song phương Mỹ-Cuba, kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố vào ngày 17/12/2014 rằng Mỹ và Cuba sẽ nỗ lực nhằm bình thường hóa quan hệ song phương. 

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, ông John Kerry đã có cuộc gặp với các đại diện từ nhiều nhóm xã hội của Cuba, thảo luận với các quan chức Cuba về những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước vốn không có các cuộc thảo luận chính thức nào trong hơn nửa thế kỷ qua như nhân quyền hay việc dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế và các vấn đề liên quan tới căn cứ hải quân của Mỹ trên vịnh Guantanamo…

Được biết, việc Washington mở cửa trở lại Đại sứ quán tại La Habana là một sự kiện không chỉ được cả Mỹ và Cuba mong đợi mà còn được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Người dân Cuba hy vọng đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước và mở ra những cơ hội hợp tác mới. 

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao thì tiết lộ, sau khi ông John Kerry về nước, giới chức ngoại giao Mỹ và Cuba sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán về mở rộng hoạt động của Đại sứ quán hai nước cũng như việc thúc đẩy các quan hệ khác về kinh tế nhất là việc  dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế áp đặt năm 1962, mở đường bay thẳng và dịch thư tín, điện tín... Những vấn đề này đều đã được Ngoại trưởng Mỹ đề cập đến hồi tháng 7 khi Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla đến thăm trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi dự lễ thượng cờ Cuba ở Đại sứ quán nước này tại thủ đô Washington D.C.

Có thể nói, mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba với lịch sử hơn 50 năm bất đồng đang được cải thiện nhanh chóng chỉ vài tháng sau khi nhà lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác với nhau một cách bình đẳng. Tổng thống Mỹ Barak Obama thừa nhận, chính sách của Mỹ nhằm kiểm soát Cuba thông qua cô lập và hạn chế thương mại đã thất bại. Hợp tác với La Habana là một cách tốt hơn theo hướng dân chủ và thịnh vượng. Người dân hai nước Cuba và Mỹ cũng đều bày tỏ hoan nghênh và chờ đón từng dấu mốc lịch sử trong việc cải thiện quan hệ này.

Đặc biệt, trong hơn nữa năm qua, quan hệ Mỹ-Cuba đã đạt được nhiều bước tiến lớn gồm việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố của Mỹ, cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Panama hồi tháng 4, mở rộng trao đổi chính thức về những vấn về cùng quan tâm, khôi phục lại quan hệ ngoại giao và mở cửa trở lại đại sứ quán tại mỗi nước… 

Tuy  nhiên, chặng đường đi đến bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa Mỹ và Cuba sẽ còn nhiều chông gai khi Quốc hội Mỹ vẫn đang duy trì lệnh cấm vận đối với Cuba trong suốt nửa thế kỷ qua.

Phan Hiển
.
.
.